Từ 20/3, giá xi măng đồng loạt tăng 100.000 đồng/tấn

14/03/2022 15:45

Kinhte&Xahoi Do giá nguyên liệu đầu vào tăng khiến giá thành sản phẩm tăng, nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng phải điều chỉnh tăng giá bán trong tháng 3/2022.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Xi măng Xuân Thành)

Hiện nay, giá nguyên vật liệu đầu vào trong sản xuất xi măng đều tăng, đặc biệt giá xăng dầu và than đá tăng mạnh, nguồn cung khan hiếm dẫn đến giá thành sản xuất xi măng tăng cao.

Theo đà tăng của chi phí đầu vào, các nhà sản xuất xi măng trong nước vùa có thông báo tăng giá bán xi măng ngay trong tháng 3 này.

Công ty CP Xi măng Xuân Thành thông báo điều chỉnh tăng giá bán 100.000 đồng/tấn đối với sản phẩm xi măng bao và xi măng rời (đã bao gồm VAT 8%) kể từ ngày 20/3.

Theo Công ty CP Xi măng Xuân Thành, việc điều chỉnh giá bán sản phẩm căn cứ vào tình hình thực tế. Hiện nay, các nguyên liệu đầu vào tăng cao dẫn đến giá thành sản phẩm tăng nên doanh nghiệp phải điều chỉnh giá bán để ổn định sản xuất, đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm.

Tương tự, Công ty CP Xuân Thành Khánh Hòa cũng điều chỉnh tăng giá bán 100.000 đồng/tấn đối với sản phẩm xi măng bao và xi măng rời (đã bao gồm VAT 8%), áp dụng từ ngày 20/3/2022.

Trong khi đó, Xí nghiệp Tiêu thụ và Dịch vụ Xi măng Hà Tiên 1 (Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1) thông báo tăng giá bán Xi măng Vicem Hà Tiên.

Việc điều chỉnh tăng giá bán được áp dụng bắt đầu từ ngày 23/3 đối với các loại xi măng bao và xi măng bao jumbo với mức tăng thêm 100.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT).

Quý đầu tiên của năm 2022, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, giá các nguyên, nhiên liệu sản xuất thép tăng trở lại ở mức cao đã khiến giá thép bị đẩy lên và dự báo, thị trường thép trong nước sẽ tăng trưởng từ 15-20% trong năm 2022.

Thời gian tới, cùng với giá nguyên liệu tăng, việc các dự án đầu tư công, bất động sản được đẩy tiến độ xây dựng, giá nhiều loại vật liệu xây dựng như thép, xi măng có thể tiếp tục "neo" ở mức giá cao.

 Lê Hải - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ba cú sốc đe dọa an ninh lương thực toàn cầu

Hệ thống lương thực toàn cầu vốn đã phải chịu ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu ngày một gia tăng, tiếp đến là sự tàn phá bởi đại dịch Covid-19 thì nay lại tiếp tục gánh chịu hệ lụy từ cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine. Theo dự báo, đến cuối năm 2022, có tới 44 triệu người ở 38 quốc gia phải chịu tình trạng khẩn cấp về mất an ninh lương thực. Đây là một thách thức không nhỏ đối với các nỗ lực xóa đói, giảm nghèo của Liên hợp quốc.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/tu-20-3-gia-xi-mang-dong-loat-tang-100000-dong-tan-d178150.html