Trước hết là lòng yêu nước. Khi cầu thủ mang màu áo đại diện cho quốc gia thi đấu, đó là điều vinh hạnh rất lớn mà tiền bạc không thể mua được. Nhiều “ngôi sao” lớn khi được gọi vào đội tuyển quốc gia thi đấu World Cup đã bật khóc sung sướng và người không được lựa chọn thì tiếc nuối. World Cup đã đi qua nửa chặng đường.
Chúng ta đã nhìn thấy khi Quốc ca của dân tộc vang lên, nhiều cầu thủ, cổ động viên đã khóc. Đó là một cảm giác hãnh diện, tự hào khi điệu nhạc hùng tráng của đất nước mình vang lên ở sân chơi tầm cỡ. Họ khóc vì thấy cả dân tộc đang chuyển động, đang đứng bên nhau, cùng khát khao chiến thắng. Biết bao bàn thắng được ghi là giọt nước mắt hạnh phúc rơi xuống, rồi họ đau đớn khi đội bóng bị loại khỏi cuộc chơi. Đó chính là tinh thần dân tộc khi họ không còn coi cuộc thi đấu của trái bóng tròn là giải trí phù phiếm, mà nó đã đại diện cho bước chân của đất nước.
Khi cầu thủ mang màu áo đại diện cho quốc gia thi đấu, đó là điều vinh hạnh rất lớn mà tiền bạc không thể mua được.
Đó là sự cống hiến. Tất cả các cầu thủ khi được gọi lên đội tuyển quốc gia đều muốn thể hiện vị trí của mình trên sân. Họ không muốn mắc sai lầm. Họ muốn được cống hiến cho đội bóng mang vinh quang về nhà. Dù tuổi trẻ hay đã cựu binh, khi ra sân đều phải cháy hết mình.
Tại đấu trường World Cup 2022, Luka Modric vẫn năng nổ chạy khắp sân, từ kiến thiết, hăm hở ghi bàn cho đến phòng ngự cho đội tuyển Croatia. Pepe vẫn ghi bàn cho Bồ Đào Nha ở tuổi 39 trong trận gặp Thụy Sĩ, cái tuổi mà trong giới thể thao là tuổi “nghỉ hưu”. Nhưng khi mang băng thủ quân, anh vẫn tung hoành mà người xem không có cảm giác anh đã 39 tuổi. Dani Alves 39 tuổi là cựu binh già nhất của đội tuyển Brazil chia sẻ về khả năng cống hiến của anh cho đội tuyển: “Tôi không tham gia kỳ World Cup này để lãng phí thời gian. Tôi yêu thích việc chơi đùa với quả bóng. Tôi đam mê nó và sẽ tiếp tục điều đó kể cả khi không được trả lương. Bóng đá khơi dậy niềm cảm hứng của tôi”. Hay như Christian Eriksen anh đã gục ngã tại EURO 2020, nhưng anh vẫn dẫn dắt đội tuyển Đan Mạch thi đấu tại World Cup 2022 với tinh thần không từ bỏ. Và Messi, vẫn miệt mài gồng gánh cả đội tuyển Argentina để mong một lần chạm tay vào cúp vàng trước khi giã từ sự nghiệp...
Đó là tính minh bạch. Bóng đá dù có tiểu xảo, toan tính thì nó vẫn là trò chơi mà tính minh bạch rất cao. Đó là khi thi đấu, ngoài sự giám sát của trọng tài, họ còn bị giám sát bởi hàng triệu cổ động viên theo dõi, rồi truyền thông… Đây là trò chơi mà rất khó để đội bóng chơi trò gian lận, chơi xấu mà không bị phát hiện. Có thể trọng tài bỏ qua vài lỗi, nhưng không thể bỏ qua được con mắt của người hâm mộ. Nếu chơi xấu, đội bóng có thắng trận cũng sẽ bị đem ra phơi bày trước công luận.
Đó là tình yêu thương gia đình, con người. Bóng đá luôn truyền đi những thông điệp tử tế, đó là lên án chiến tranh, bạo lực, phân biệt chủng tộc, kêu gọi tinh thần đoàn kết, bảo vệ môi trường, tôn trọng quyền con người. Những điều đó khiến cho bóng đá gần gũi với công chúng, với mỗi gia đình. Nó như là trách nhiệm của cầu thủ trước những vấn đề của xã hội, toàn cầu.
Ngoài ra, chúng ta thấy bóng đá có sự tiếp nối của gia đình. Nhiều cầu thủ đã làm rạng danh truyền thông chơi bóng của cha mình. Blind khi ghi bàn đã chạy ra ôm lấy cha mình, từng là “ngôi sao” lớn của bóng đá Hà Lan. Huyền thoại Peter Schmeichel có quyền tự hào về màn trình diễn của cậu con trai mình – Kasper Schmeichel. Anh đã cùng đội tuyển Đan Mạch vào tới bán kết EURO2020 và tham dự World Cup 2022. Hay như chân sút của đội tuyển Mỹ Timothy Weah đã tỏa sáng mở tỷ số trong trận đấu giữa đội tuyển Mỹ và xứ Wales tại World Cup 2022. Anh là con trai của huyền thoại Geogre Weah, hiện đang làm Tổng thống nước Liberia. Geogre Weah, người đã từng giành Quả bóng vàng vào năm 1995 và được bầu cử top 100 cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá thế giới, đồng thời cũng là Tổng thống đương nhiệm của Liberia.
“Giấc mơ đã thành sự thật, bàn thắng đầu tiên tại sân chơi World Cup. Thật tiếc khi không giành trọn vẹn 3 điểm nhưng chúng tôi vẫn đang tiếp tục chiến đấu... Bàn thắng này là món quà tôi dành tặng cho các đồng đội, cho nước Mỹ, cho Liberia, cho Jamaica và cho cả gia đình tôi” - Timothy Weah một con người nhiều quê hương đã chia sẻ như vậy.
Những giọt nước mắt, những câu chuyện đã xảy ra trên sân cỏ đều hướng chúng ta tới những điều tốt đẹp, yêu thương. Nên bóng đá sẽ không bao giờ chết vì nó là nguồn cảm hứng bất tận.
Tuấn Ngọc - Pháp luật Plus