Xem nhiều

Chính phủ ban hành Chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long

20/06/2022 13:34

Kinhte&Xahoi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết đề ra một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030: Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Quy mô nền kinh tế đến năm 2030 gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2021. Tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong tổng thu nhập vùng (GRDP) khoảng 20%; công nghiệp - xây dựng khoảng 32%; dịch vụ khoảng 46%; thuế và trợ cấp khoảng 2%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 146 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 42 - 48%; có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nâng cao.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%; tỷ trọng lao động khu vực phi nông nghiệp đạt 75 - 80%; tỷ lệ nghèo giảm 1,5 - 2%/năm. Cơ sở giáo dục đạt chuẩn: 75% mầm non, 70% tiểu học, 80% trung học cơ sở, 90% trung học phổ thông. Đạt 30 giường bệnh viện, 10 bác sĩ, 2,8 dược sĩ đại học, 25 điều dưỡng viên trên 10.000 dân. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 7,5%. Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư đô thị đạt 98 - 100%, ở nông thôn đạt 70%. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại từ đô thị và công nghiệp đạt 100%.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Nghị quyết cũng nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trước hết, cần quán triệt, tuyên truyền, tạo sự thống nhất, đồng thuận của xã hội trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Bên cạnh đó, tập trung, thực hiện tốt công tác hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng.

Cụ thể, hoàn thiện thể chế phát triển, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng điều phối vùng giai đoạn 2020 - 2025, chủ động tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, nhiệm vụ, dự án có quy mô vùng, có tính chất liên kết vùng và phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung vào một số nhiệm vụ sau: (i) Triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; (ii) Danh mục các chương trình, dự án có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng; (iii) Phương án huy động nguồn lực, phương án phân bổ vốn đầu tư đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long; kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm đối với các dự án có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long; (iv) Huy động các nguồn lực hỗ trợ trong nước và quốc tế khác cho hoạt động liên kết vùng; (v) Tham gia có hiệu quả các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác Mê Công, ASEAN, các định chế quốc tế khác và với các nước liên quan.

Xây dựng thành phố cần Thơ thành trung tâm phát triển vùng ĐBSCL

Nghị quyết nêu rõ, xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển vùng có dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, du lịch, công nghiệp chế biến hiện đại; xây dựng các thành phố Mỹ Tho, Tân An, Long Xuyên, Rạch Giá, Cà Mau và Sóc Trăng thành các trung tâm tổng hợp, chuyên ngành.

Tập trung xây dựng Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới.

Phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị gồm: Trung tâm đầu mối tổng hợp ở thành phố Cần Thơ gắn với phát triển dịch vụ logistics ở Hậu Giang, trung tâm đầu mối ở An Giang, Đồng Tháp gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo vùng sinh thái nước ngọt; trung tâm đầu mối ở Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản khu vực ven biển, trung tâm đầu mối ở Tiền Giang, Bến Tre gắn với vùng nguyên liệu chính về trái cây, rau màu.

Tập trung đầu tư phát triển Khu kinh tế cửa khẩu An Giang bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác; ban hành chính sách ưu đãi để phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp thành khu kinh tế tổng hợp gồm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị và nông lâm, ngư nghiệp, trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông Mê Công.

Phát triển nguồn điện, lưới điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực và quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia. Ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải, bảo đảm kết nối hài hòa, hiệu quả giữa các phương thức vận tải; chú trọng phát triển vận tải đa phương thức, lấy đường thủy là trọng tâm; phát triển nhanh kết cấu hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, đột phá trong phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại, thông minh, gắn với phát triển các hành lang kinh tế, thúc đẩy liên kết và hội nhập hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An, hành lang kinh tế dọc Sông Tiền - Sông Hậu, hành lang kinh tế ven biển từ Long An, Cà Mau đến Kiên Giang, hành lang kinh tế biên giới từ Long An đến Kiên Giang; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là theo phương thức đối tác công - tư (PPP) gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương.

Đến năm 2030, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam Bộ

Theo Nghị quyết, đến năm 2030, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế gồm các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bắc - Nam phía Tây, Thành phố Hồ Chí Minh - Sóc Trăng, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, Hồng Ngự - Trà Vinh; nâng cấp hệ thống quốc lộ chính yếu, các cầu; đầu tư hệ thống đường ven biển qua các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.

Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, trong đó chú trọng kết nối các trung tâm đầu mối với hành lang vận tải thủy chính của vùng; phát triển các cụm cảng hàng hóa, cụm cảng hành khách và hệ thống cảng chuyên dùng đường thủy nội địa. Hoàn thành hệ thống cảng biển theo quy hoạch, trong đó Cảng Trần Đề phát triển thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng; phát triển cảng Hòn Khoai thành bến cảng tổng hợp; nâng cấp luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu, luồng hàng hải Trân Đề. Mở rộng cảng hàng không quốc tế Phú Quốc; điều chỉnh quy hoạch và đầu tư cảng hàng không Rạch Giá, Cà Mau. Hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng cảng Container và các đoạn tuyến đường sau cảng, kết nối thuận lợi cảng biển với mạng giao thông quốc gia.

Phát triển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sinh thái, bền vững

Nghị quyết của Chính phủ cũng đề ra một nhiệm vụ và giải pháp quan trọng khác là đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, công nghệ số, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời gắn với bảo vệ rừng và bờ biển; phát triển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sinh thái, bền vững với các sản phẩm trọng tâm là thủy sản, trái cây và lúa gạo gắn với các cụm ngành nông, lâm, thủy sản, các trung tâm đầu mối.

Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, chú trọng dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp và nông nghiệp, trong đó phát triển thành phố Cần Thơ thành trung tâm thương mại, dịch vụ của vùng. Phát triển du lịch đặc trưng vùng sông nước trở thành ngành mũi nhọn, gắn với bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và các giá trị văn hóa - lịch sử. Phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics của vùng, hoàn thiện quy hoạch và đầu tư phát triển Trung tâm Logistics tại Cái Cui (Cần Thơ) và mở rộng dịch vụ logistics hàng không.

Phát triển mạnh kinh tế biển, trong đó chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và năng lượng tái tạo, nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo vệ nguồn đa dạng sinh học biển, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó phát triển Kiên Giang thành trung tâm kinh tế biển quốc gia.

Chú trọng đầu tư, phát triển hạ tầng số để xây dựng chính quyền số, kinh tế số và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, vườn ươm công nghệ; thành lập và phát triển Trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vùng tại thành phố Cần Thơ; xây dựng và phát triển Khu công nghệ cao Cần Thơ thành khu công nghệ cao quốc gia.

Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh

Nghị quyết nêu rõ, tăng cường quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo các quy hoạch, đề án, kế hoạch có tính khả thi cao, gắn với bảo đảm an ninh kinh tế trong tình hình mới, bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong mọi tình huống. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 13/9/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 05/01/2017 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thực hiện có hiệu quả Đề án bảo đảm quốc phòng giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Kiện toàn tổ chức phòng thủ dân sự, chủ động, kịp thời ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh...

Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chủ động nắm chắc chủ trương, chính sách của các nước đối với tiểu vùng sông Mê Công để có biện pháp ứng phó phù hợp.

Hoàn thành quy hoạch tổng thể, điều chỉnh hệ thống công trình phòng thủ trên địa bàn, xây dựng đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hạ tầng cơ sở quốc phòng, an ninh cả trên đất liền, ven biển, đảo. Hoàn thành khu kinh tế quốc phòng biển, đảo Tây Nam; đường tuần tra biên giới, các công trình biên giới, tiếp tục thực hiện phân giới cắm mốc trên đất liền và tiến hành phân định biên giới trên biển, ranh giới các vùng biển với các nước.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng đề ra các nhiệm vụ và giải pháp về phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị…

Xây dựng Kế hoạch hành động, triển khai thực hiện Nghị quyết trước ngày 30/9/2022

Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long:

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra tại các Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02 tháng 4 năm 2022 của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết này; chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của bộ, ngành, địa phương mình, kịp thời xử lý vấn đề phát sinh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc giám sát, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện của bộ, ngành, địa phương mình.

Trước ngày 30/9/2022, xây dựng, ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động, văn bản cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết này, trong đó xác định rõ, đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, dự kiến kết quả đầu ra đối với từng nhiệm vụ và phân công đơn vị chủ trì thực hiện.

Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát tiến độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ, đề án được giao; định kỳ hằng năm, tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15/12 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đề nghị các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với cơ quan hành chính nhà nước các cấp, tăng cường giám sát thực thi công vụ, phản biện xã hội và đóng góp ý kiến, góp phần tạo đồng thuận trong công tác tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị quyết này.

 Phạm Duy - Pháp luật Plus 

;
Bình luận
Họ tên :
Email :
Lời bình :
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper 
 
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
Mobile
TieuDe
Nhập mã bảo mật :  
Gửi bình luận
     
Mới nhất | Cũ nhất
Không tìm thấy bản ghi nào

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

U23 Việt Nam - U23 Saudi Arabia: Viết tiếp giấc mơ đẹp

HLV Gong Oh-kyun đã đưa U23 Việt Nam vào tứ kết U23 châu Á ngay trong lần đầu tiên tham dự giải đấu lớn. Với sự tự tin, U23 Việt Nam có thể viết tiếp giấc mơ như chiến tích lịch sử ở VCK U23 châu Á năm 2018.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/chinh-phu-ban-hanh-chuong-trinh-hanh-dong-phat-trien-kinh-te--xa-hoi-vung-dong-bang-song-cuu-long-d184112.html

Scroll

Kênh thông tin giới trẻ - gioitrenews.com