Chuyên gia “hiến kế” sớm phục hồi và phát triển kinh tế

01/10/2021 15:13

Kinhte&Xahoi Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam vẫn còn dư địa để phục hồi kinh tế trong các năm tới, song Chính phủ cần xem xét đẩy mạnh chi hơn nữa, sử dụng nguồn lực hợp lý, đúng đối tượng.

Muốn phục hồi kinh tế phải chi mạnh tay hơn

 TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, kinh tế Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, mà muốn phục hồi thì phải chấp nhận một mức bôi chi ngân sách cao hơn.

"Chúng ta không thể tự trói mình ở mức bội chi 3-4% như hiện nay mà nên chi tiêu nhiều hơn nữa, mà phải mạnh tay hơn", ông Cung nói tại Hội nghị tham vấn về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 sáng 1/10.

TS Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, Việt Nam vẫn còn những dư địa để phục hồi kinh tế trong các năm tới. Đó là tỷ lệ lạm phát thấp, dự trữ ngoại tệ ổn định, hệ thống tài chính ổn định, đặc biệt là tỷ lệ bội chi ngân sách còn thấp.

Do đó, vị chuyên gia đề xuất Chính phủ cần xem xét đẩy mạnh chi hơn nữa, đồng thời cần nhanh chóng phục hồi, củng cố các động lực của nền kinh tế, sử dụng nguồn lực hợp lý, đúng đối tượng.

Hội nghị tham vấn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra sáng 1/10 để chuẩn bị xây dựng chương trình phục hồi kinh tế. (Ảnh: MPI).

Trong đó, ông mong muốn Chính phủ sớm ban hành kiểm soát an toàn dịch bệnh để mở cửa lại nền kinh tế và việc xem xét miễn nhiều sắc thuế, thay chỉ vì hoãn và giãn thuế cho người dân, doanh nghiệp để họ có sức phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Tương tự, TS Cần Văn Lực cũng cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, các nước trên thế giới đang chi mạnh tay hơn để cứu trợ nền kinh tế, thậm chí nhiều nước sẵn sàng chấp nhận thâm hụt ngân sách, tăng tỷ lệ nợ công lên để hỗ trợ nền kinh tế.

Lấy dẫn chứng cụ thể, ông Lực cho biết, tỷ lệ bội chi ngân sách toàn cầu đã tăng thêm 7% lên mức 10,2% trong thời gian qua. "Chúng ta nên chấp nhận việc nới lỏng một cách phi chu kỳ như thế này, sau đó sẽ có lộ trình vào củng cố tài khóa và kinh tế vĩ mô", ông Lực chia sẻ.

Trên cơ sở đó, ông Lực đề xuất Chính phủ chuyển đổi chiến lược, từ mục tiêu kép đến đa mục tiêu. Cần thêm mục tiêu an sinh, y tế, an ninh lương thực, an sinh xã hội, năng lực trước các cú sốc bên ngoài. Ngoài ra, sau khi thay đổi mô hình và chiến lược phòng chống dịch thì phải nhất quán trong thực hiện.

Trong khi đó, ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cũng cho rằng, các gói hỗ trợ của Việt Nam còn nhỏ, trong khi lại chủ yếu tập trung vào các chính sách giảm hoãn thuế, không hỗ trợ trực tiếp vào chi tiêu.

“Việt Nam cần nới lỏng các điều kiện hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt để giảm khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng, đồng thời tạo điều kiện nới lỏng để phát triển kinh tế”, ông Francois Painchaud nói.

Cũng theo vị này, trong khi ngân sách Trung ương có thặng dư thì ngân sách địa phương lại thâm hụt, cần có chính sách về mặt tài khóa để khắc phục. Vì thế, ông này cho rằng Việt Nam thay vì tập trung vào miễn giảm hoãn thuế, cần hướng đến giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, cụ thể là chuyển khoản lỗ của doanh nghiệp về các năm trước.

Cấp thiết xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế

 Tại hội nghị sáng 1/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dịch bệnh mang đến nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cũng mang đến cả bài học, cơ hội và tương lai mới cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo ông Dũng, kinh nghiệm quốc tế, khuyến nghị của các chuyên gia, tổ chức quốc tế đều cho rằng, Việt Nam cần phải xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, để không “lỡ nhịp” khi bước vào “trạng thái bình thường mới”, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh, chuyển đổi số, công nghệ số, để chủ động tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng mới toàn cầu… cũng như xu thế chuyển đổi các hoạt động tài chính, thương mại, giáo dục, y tế, khám chữa bệnh trên nền tảng trực tuyến.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: MPI)

Ông Dũng nhắc lại về tình hình kinh tế Việt Nam đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhất là khi đợt dịch thứ 4 bùng phát vào tháng 7/2021 khi tăng trưởng chậm lại, quý III âm 6,17%, 9 tháng năm 2021 chỉ đạt 1,42%; hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, các chuỗi cung ứng, tiêu dùng bị gián đoạn, đứt gãy; chi phí sản xuất tăng cao; năng lực nội tại, sức chống chịu của nền kinh tế ngày càng giảm sút; nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng bị bào mòn; đời sống của người dân, người lao động gặp nhiều khó khăn.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân, chủ yếu bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ về thuế, phí, lệ phí, khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn và giảm lãi suất các khoản vay, chi ngân sách nhà nước với quy mô khoảng 6,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, thời gian qua, chính sách hỗ trợ của Việt Nam vẫn chủ yếu nhằm giải quyết khó khăn ngắn hạn về tài chính của doanh nghiệp, người dân, chủ yếu tác động về phía cung của nền kinh tế; thiếu các giải pháp mang tính tổng thể, dài hạn, đồng bộ với nguồn lực đủ lớn để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế gắn với cải cách cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc trong tương lai.

Hiện nay, Việt Nam đã bắt đầu thay đổi cách tiếp cận với dịch Covid-19 theo hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19” để thực hiện vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Độ bao phủ, tiến độ tiêm vắc xin ngày càng khả quan cũng tạo điều kiện tốt để mở cửa, khôi phục lại các hoạt động kinh tế.

Do đó, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là rất cấp thiết để có được những chính sách đúng đắn, tập trung mọi nguồn lực nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả nhất để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ người dân, người lao động, nền kinh tế vượt qua khó khăn, thử thách, nắm bắt các thời cơ, xu hướng mới để nhanh chóng phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới.

Theo ông Dũng, để thực hiện mục tiêu này, chương trình cần đưa ra được các giải pháp cụ thể gắn với nguồn lực đi kèm, phù hợp với năng lực của nền kinh tế, khả năng cân đối ngân sách Nhà nước.

Mặt khác, để phục hồi và phát triển kinh tế cũng cần xác định đối tượng ưu tiên hỗ trợ phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, các hoạt động kinh tế tạo động lực phục hồi và phát triển bền vững cho nền kinh tế.

Đồng thời, theo ông Dũng cần có giải pháp về y tế để chủ động “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19”. Chính sách phải tổng thể, tác động cả về phía cung để giảm chi phí sản xuất, phía cầu để tạo đầu ra sản phẩm và các khâu kết nối, lưu thông hàng hóa, logistics.

Thời gian thực hiện chương trình cần đủ dài để có thể xây dựng và triển khai các giải pháp tạo cơ sở phục hồi mạnh mẽ, vững chắc cho doanh nghiệp, nền kinh tế, góp phần phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân cả giai đoạn 2021-2025 là 6,5-7%/năm.

 Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chính thức: Singapore sẽ đăng cai AFF Cup 2020

Ngày 28/9, Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) đã tiến hành bỏ phiếu và Singapore nhận được sự ủng hộ của đa số các thành viên để giành quyền tổ chức AFF Cup 2020.

Thái Lan và Singapore cạnh tranh quyền đăng cai AFF Cup 2020

Ban thi đấu Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) đã có cuộc họp trực tuyến để thảo luận về các hoạt động của bóng đá khu vực, một trong những nội dung quan trọng là việc lựa chọn Quốc gia đăng cai AFF Cup 2020.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/chuyen-gia-hien-ke-som-phuc-hoi-va-phat-trien-kinh-te-179132.html