Hà Nội: Công ty chế biến gỗ Giang Phan gây ô nhiễm môi trường?

26/09/2018 09:13

Kinhte&Xahoi Theo phản ánh của người dân thôn Ninh Môn, xã Hiển Ninh, huyện Sóc Sơn thì đã nhiều năm, Công ty TNHH Giang Phan hoạt động đã làm ảnh hưởng nhiều tới đời sống dân sinh sở tại.

Một người dân trong vùng cho biết: “Công ty này tồn tại ở đây lâu rồi, họ sản xuất gỗ ép. Tuy không gây ồn ào nhưng lại rất bừa bãi. Gỗ được họ dùng máy bào mỏng ra rồi để chắn hết lối dân sinh khiến người dân đi lại, lưu thông rất khó khăn. Đã nhiều lần góp ý với họ nhưng họ không chịu cải thiện tình hình.

Không những thế, hàng ngày người dân còn phải hít thở trong bầu không khí ô nhiễm do Công ty này đốt phế thải là những mẩu gỗ thừa. Những xe tải trọng lớn vào Công ty vận chuyển hàng đã cầy nát đường trục chính khiến các phương tiện khác lưu thông qua đây rất vất vả bởi ổ voi, ổ gà...”

Nguyên liệu chế biến của công ty Giang Phan phủ kín đường đi.

Từ phản ánh của người dân, phóng viên đã đi tìm hiểu thực địa thì thấy con đường dân sinh đầy bùn đất nổi gồ sống trâu dẫn vào nơi sản xuất của Công ty Giang Phan rất khó và bẩn để lưu thông. Gỗ ván và gỗ thành phẩm được xếp thành chồng cao đến nỗi không thể nhận ra đâu là lối đi dân sinh. Khu lò đốt của Công ty này đang hoạt động, thả ra không khí những luồng khói màu trắng đục kèm theo mùi khét của hóa chất dùng để tẩm sấy gỗ khi bị đốt. Luồng khói này bay trong không khí và làm cay xè mắt.

Đường đi bị những chiếc xe container vận chuyển gỗ phá nát.

Xưởng chế biến và sản xuất gỗ của Công ty Giang Phan gồm 03 dãy nhà lợp mái tôn trắng và 01 công trình xây dựng kiên cố chừng 20 m2. Theo dự đoán thì đây có lẽ là văn phòng điều hành sản xuất của Công ty. Máy móc chế biến, sản xuất gỗ được sắp đặt trong những dãy nhà mái tôn và công nhân tại đây đang làm việc. Phải rất khó khăn mới có thể thấy được biển hiệu của Công ty.

Khói thải khiến người dân quanh vùng bức xúc.

Nhằm rộng đường dư luận và phản ánh khách quan, phóng viên tìm đến trụ sở UBND xã Hiền Ninh để tìm hiểu thêm về những phản ánh của người dân.

Tại đây, một cán bộ xưng là cán bộ môi trường cho biết: “Hôm trước tôi cũng gặp Giám đốc rồi và đã có ý kiến về con đường rồi, anh ý (Giám đốc Công ty Giang Phan - PV) có ý kiến là sau đợt mưa này thì anh ý sẽ đổ và khắc phục đoạn đường đấy vì chủ yếu Công ty đi nhiều chứ người dân đi cũng ít.

Đối với việc xả thải thì sau khi xử lý bằng hình thức đốt có nước chảy ra cũng rất là trong, trước cũng thành lập cả đoàn kiểm tra rồi thì thấy nước trong không có cái gì bẩn thỉu đâu, gỗ mà người ta tái chế lại cho vào lò đốt khi qua xử lý nước xả thải trong không có vấn đề gì cả. Còn việc khói từ lò đốt thì năm 2017, Công ty cũng đã bị Đoàn kiểm tra của Huyện lập biên bản phạt xử phạt khá nhiều tiền vì vấn đề xả thải và vấn đề môi trường cùng nhiều vấn đề khác nữa”.

Đường vào nhà dân bị các sản phẩm chế biến của công ty Giang Phan chiếm dụng.


Một thông tin khác mà phóng viên thu thập được là gần đây, UBND huyện đã thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, yêu cầu tất cả những cơ sở sản xuất tương tự như mô hình sản xuất của Công ty Giang Phan vào khu công nghiệp để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh không ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Tuy nhiên không biết vì sao cơ sở sản xuất của Công ty Giang Phan này vẫn tồn tại gây ảnh hưởng đến người dân như vậy?

Phóng viên sẽ phối hợp với chính quyền địa phương làm rõ và phản ánh tới bạn đọc.

 

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

U23 Việt Nam, trái ngọt từ phương pháp "Trồng người"

Kết thúc ASIAD 2018 đoàn thể thao Việt Nam trở về nước trong sự chờ đợi, chào đón cuồng nhiệt của người hâm mộ. Mọi sự tập trung đều hướng về đội tuyển Olympic bóng đá nam Việt Nam với thành tích lọt vào bán kết môn bóng đá nam, một cột mốc lịch sử mà chưa có thế hệ nào của bóng đá nam Việt Nam làm được.