Hàng loạt công trình lấn chiếm hành lang đê điều ở phường Thụy Phương

02/10/2018 14:43

Kinhte&Xahoi Nhiều công trình vi phạm trật tự đô thị, lấn chiếm hành lang đê điều, nằm gần trụ sở UBND phường Thụy Phương nhưng vẫn không bị xử lý.

Tòa soạn thường xuyên nhận được phản ánh của bạn đọc về tình trạng vi phạm trật tự đô thị, lấn chiếm hành lang đê điều, hành lang lưới điện...ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân tại khu vực dốc Chèm phường Thụy Phương quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.

Thời điểm này đang là những tháng cao điểm mùa mưa bão. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn Hà Nội nhiều lều lán xây dựng không phép vẫn ngang nhiên mọc lên. Đáng nói là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã ra chỉ đạo, xử lý những sai phạm trên nhưng đến nay vi phạm này vẫn tái diễn, thậm chí còn xuất hiện thêm trường hợp vi phạm mới.

Khu vực đường Đông Ngạc, dốc Chèm.

Theo ghi nhận tại tuyến đường Đông Ngạc (khu vực ngã tư dốc Chèm) thuộc phường Thụy Phương quận Bắc Từ Liêm đang xuất hiện rất  nhiều công trình lều lán tạm.

Từ cuối năm 2017 Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn TP Hà Nội đã nhiều lần gửi văn bản đến Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm.

Trong đó văn bản 1015/SNN-ĐĐ V/v Tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sang hộ đê, chống lũ năm 2017 trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm đã nêu rõ.

Thực hiện Chỉ thị số 2327/CT-BNN-TCTL ngày 20/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ năm 2017; Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 29/3/2017 của Uỷ ban nhân dân Thành phố về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2017.

Để đảm bảo an toàn công trình đê điều và công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm năm 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận Bắc Từ Liêm chỉ đạo các phòng, ban chức năng của quận, Uỷ ban nhân dân các phường ve đê thực hiện một số việc sau: “Tập trung chỉ đạo, kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều làm ảnh hưởng đến an toàn đê điều và gây cản trở dòng chảy, thoát lũ của tuyến sông trên địa bàn Quận”.

Theo ghi nhận của Phóng viên Pháp luật Plus nhiều nhà dân sau khi xây dựng đã tự ý dựng cọc, đổ bê tông, lợp mái tôn lấn chiếm ra đường đi. Hành lang bảo vệ đê điều để kinh doanh buôn bán.

Một số hình ảnh ghi nhận được.

Nhiều lều lán đã được dựng lên cách chân đê chỉ 1m.

Các công trình đều không có hệ thống PCCC.

Các công trình này còn nằm ngay dưới chân cột điện cao thế.

Chủ yếu kinh doanh buôn bán gỗ, cọc tre...

Đường giao thông dưới chân đê cũng bị lấn chiếm.

Rất nhiều công trình đã tồn tại từ lâu nhưng không xử lý được.

Thậm chí có công trình đã dựng cọc bằng bê tông.

 

Đáng báo động khi tình trạng này được diễn ra chỉ cách trụ sở UBND phường Thụy Phương 400m.

Ông N.V.T Một người dân địa phương cho biết: Trước đây cũng đã thấy UBND phường ra cưỡng chế tháo dỡ rồi. Nhưng sau mấy cái này vẫn mọc lên.

Những công trình tạm này đều được làm mái tôn, dựng cọc, sàn đổ bê tông. Dùng để buôn bán…Những công trình này chỉ cách chân đê từ 1 đến 2m.

Để làm sáng rõ những thông tin trên PV đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo UBND phường Thụy Phương.

Đại diện UBND phường Thụy Phương thừa nhận: “Những công trình đó đều vi phạm trật tự đô thị. Tuy nhiên những công trình này đã tồn tại từ lâu. Ngoài ra những công trình này còn của một số hộ gia đình khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt…”.

Nhiều công trình đang lấn chiếm hành lang đê điều lại ngang nhiên tồn tại chỉ cách trụ sở UBND phường Thụy Phương 400m. Điều này khiến cho dư luận không khỏi nghi ngờ có hay không việc tiếp tay, "bảo kê" cho sai phạm trật tự đô thị?

 

Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

U23 Việt Nam, trái ngọt từ phương pháp "Trồng người"

Kết thúc ASIAD 2018 đoàn thể thao Việt Nam trở về nước trong sự chờ đợi, chào đón cuồng nhiệt của người hâm mộ. Mọi sự tập trung đều hướng về đội tuyển Olympic bóng đá nam Việt Nam với thành tích lọt vào bán kết môn bóng đá nam, một cột mốc lịch sử mà chưa có thế hệ nào của bóng đá nam Việt Nam làm được.