Hàng loạt quốc gia Châu Âu đối diện lạm phát tăng cao

15/07/2022 09:46

Kinhte&Xahoi Dữ liệu mới nhất cho thấy mức lạm phát trong khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) đạt 8,6% trong tháng 6. Điều này cho thấy vấn đề lạm phát có nguy cơ vượt ra khỏi tầm kiểm soát, buộc các ngân hàng trung ương lớn ở Châu Âu phải áp dụng các chính sách đối phó với rủi ro do lạm phát.

Lạm phát ở khu vực Eurozone đã gia tăng trong nhiều tháng cùng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng do cuộc xung đột Nga - Ukraine đã thúc đẩy giá năng lượng tăng và gây ra tình trạng thiếu hụt.

Một cửa hàng bán nông sản ở Tây Ban Nha

Theo ước tính của Cơ quan Thống kê Châu Âu (Eurostat) công bố ngày 1/7, các quốc gia có lạm phát cao nhất trong Eurozone vào tháng 6/2022 là Estonia (22%), Lithuania (20,5%), Latvia (19%), Slovakia (12,5%) và Hy Lạp (12%). Chỉ hai quốc gia có lạm phát không quá cao là Đức và Hà Lan. Giá tiêu dùng tại 19 nước thành viên Eurozone trong tháng 6/2022 đã tăng 8,6%, đạt mức cao kỷ lục kể từ khi khối này bắt đầu công bố các chỉ số vào năm 1997.

Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã kêu gọi các Chính phủ chịu trách nhiệm về chính sách tài khóa, cung cấp hỗ trợ "tạm thời và có mục tiêu" cho nền kinh tế; đồng thời vẫn giữ cho nền tài chính công được "bền vững" để duy trì tăng trưởng tích cực.

Theo đó, Pháp và Đức đã lựa chọn phương án hỗ trợ sức mua. Ngoài việc giảm thuế đối với giá nhiên liệu, hai nước cũng cung cấp quyền sử dụng phương tiện giao thông công cộng không giới hạn với mức phí 9 Euro mỗi tháng.

Ngày 7/7, Chính phủ Pháp đã công bố gói hỗ trợ nhằm kiềm chế lạm phát trị giá 20 tỷ Euro (khoảng 20,35 tỷ USD) bao gồm giảm giá nhiên liệu, giới hạn mức trần tiền thuê nhà và tăng trợ cấp lương hưu.

Gói biện pháp này cần được Quốc hội Pháp thông qua mới chính thức có hiệu lực. Gói hỗ trợ sẽ tăng 4% cho phúc lợi và trợ cấp hưu trí, tăng lương công chức thêm 3,5% và kéo dài thời gian trợ giá năng lượng.

Lạm phát tăng cao đặt Chính phủ Pháp trước áp lực cần nhanh chóng thông qua dự luật cho gói hỗ trợ. Theo đó, Chính phủ đã kêu gọi các công ty giảm tác động của lạm phát đối với hộ gia đình. Những tập đoàn vận tải có lợi nhuận lớn như CMA CGM giảm giá vận chuyển container từ 10 đến 20%, tương đương 500 Euro cho mỗi container hàng nhập khẩu từ các khách hàng bán lẻ lớn của họ.

Bên cạnh đó, dự luật về sức mua sẽ được đưa ra thảo luận từ ngày 25/7 tại Quốc hội, trong đó có quy định "viện trợ lương thực khẩn cấp" 100 euro cho mỗi hộ gia đình và 50 euro cho mỗi trẻ em. Ngoài ra, các biện pháp khác cũng đã được Pháp triển khai như giảm giá nhiên liệu hoặc tăng trợ cấp thất nghiệp, ấn định mức tăng giá trần...

Hai quốc gia bên cạnh, Italy và Vương quốc Anh đã tài trợ cho các chương trình trợ cấp thông qua mức thuế 25% trên lợi nhuận của các nhà cung cấp năng lượng. Tây Ban Nha tăng thu nhập tối thiểu thêm 15%, triển khai trợ cấp trực tiếp cho các hộ gia đình với tổng số 6 tỷ Euro và 10 tỷ Euro dưới hình thức cho vay với lãi suất giảm.

Khách hàng đi mua sắm tại chợ Maravillas ở Madrid, Tây Ban Nha (Ảnh TTXVN)

Trong khi đó, ngày 9/7, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa thông báo Chính phủ sẽ chi 1,682 tỷ Euro (1,713 tỷ USD) trong năm 2022 cho các biện pháp kiềm chế lạm phát. Khoản tiền trên sẽ được sử dụng cho “các biện pháp tài khóa để kiểm soát sự gia tăng giá cả và hỗ trợ kiềm chế chi phí sản xuất”, cũng như các biện pháp giúp đỡ “những gia đình dễ bị tổn thương nhất và các hoạt động kinh tế phụ thuộc nhiều vào năng lượng nhất”.

Người đứng đầu Chính phủ Bồ Đào Nha cho rằng cần phải chi số tiền trên vì lạm phát đã tăng lên mức "chưa từng có trong thế hệ này”. Các biện pháp tài chính được Chính phủ Bồ Đào Nha áp dụng cho lĩnh vực năng lượng đã làm giảm bớt thêm 18 điểm phần trăm gánh nặng thuế đối với nhiên liệu.

Chính phủ Bồ Đào Nha cũng đã chi 120 triệu Euro để giảm giá các sản phẩm thực phẩm cơ bản cho hơn một triệu gia đình ở quốc gia này dễ bị tổn thương nhất.

Trong bối cảnh giá cả mọi mặt hàng tiêu dùng đều tăng cao, gần 50% người dân Anh đã thắt chặt chi tiêu cho thực phẩm

Theo số liệu được Văn phòng Thống kê quốc gia Anh công bố ngày 8/7, 49% người dân xứ sở sương mù cho biết đã mua ít thực phẩm hơn bình thường từ ngày 22/6 đến 3/7; Trong khi đó, 48% số khác lại cho biết họ cần chi tiêu nhiều hơn bình thường cho việc mua sắm thực phẩm; 91% người dân cho biết chi phí sinh hoạt của họ đã tăng trong tháng qua.

Những con số trên phù hợp với báo cáo từ các siêu thị ở Anh, người tiêu dùng đang phải chịu áp lực tài chính ngày càng tăng. Chuỗi siêu thị lớn thứ hai tại Anh Sainsbury's cảnh báo các áp lực tài chính đối với người tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng thêm từ nay đến cuối năm 2022.

Niềm tin của người dân Anh đã sụt giảm khi các gia đình đang phải đương đầu với thực trạng chi phí sinh hoạt tăng cao. Tiền lương không theo kịp đà tăng lạm phát lên tới 9,1% vào tháng 5/2022 và có khả năng sẽ tiếp tục tăng cao. Theo một số dự báo, lạm phát lương thực sẽ lên tới 15% trong mùa hè này và 20% vào đầu năm 2023.

Hoàng Châu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

U23 Việt Nam - U23 Saudi Arabia: Viết tiếp giấc mơ đẹp

HLV Gong Oh-kyun đã đưa U23 Việt Nam vào tứ kết U23 châu Á ngay trong lần đầu tiên tham dự giải đấu lớn. Với sự tự tin, U23 Việt Nam có thể viết tiếp giấc mơ như chiến tích lịch sử ở VCK U23 châu Á năm 2018.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/hang-loat-quoc-gia-chau-au-doi-dien-lam-phat-tang-cao-201087.html