Có người ví von vui rằng, tiền vệ Xuân Trường có tên là Trường nhưng xuất ngoại thi đấu quá... ngắn. Công Phượng khi ở Hàn Quốc và nay là Bỉ thì không phải là chim công, chim phượng mà đang phải hát bài... “Phượng buồn”, khi oằn mình ngồi trên ghế dự bị là chính.
Là người yêu mến đội tuyển bóng đá Việt Nam, cả cấp độ trẻ như U23 hay đội tuyển quốc gia, người viết bài này ủng hộ quan điểm "xuất khẩu" cầu thủ trong nước ra nước ngoài thi đấu, như cách làm của bầu Đức, bầu Hiển thời gian gần đây.
Không cần biết đá trong nước có tốt hơn về mặt chuyên môn hay không, nhưng ra nước ngoài khoác áo những đội bóng lớn, thu nhập tiền tỷ như Công Phượng, Xuân Trương và mới nhất là Văn Hậu, không ủng hộ thì có mà... hâm dở.
Bởi đời cầu thủ ngắn lắm, dù có đá hay mấy, giỏi mấy mà nghiệp "quần đùi áo số" không đem lại giá trị tiền bạc thì coi như không thành công.
Tuy nhiên, xét ở một khía cạnh khác, đối với cầu thủ bóng đá, nhiều khi tiền mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa hẳn đã là điều kiện đủ. Khoác áo những đội bóng có tên tuổi ở nước ngoài, nhận được mức lương hậu hĩnh hơn hẳn các CLB trong nước, nhưng suốt ngày chỉ ngồi ghế dự bị, thậm chí không có cả tên trong đội hình thi đấu chính thức thì lợi bất cập hại. Thậm chí về mặt chuyên môn là nguy to.
Thì đấy, Công Phượng vì ngồi dự bị nhiều mà khi trở về đội tuyển Việt Nam, đá ở trận ra quân gặp Thái Lan vòng loại World Cup vừa qua, người ta bảo anh chỉ là... hổ giấy, với tình huống sút hụt quả bóng rất vô duyên ngay trong vòng cấm. Còn với Xuân Trường, trở về từ Buriram United của Thái Lan, vẫn không thể cạnh tranh nổi với Tuấn Anh, Hùng Dũng trong đội hình chính thức, thì chính là một sự... rớt giá thê thảm.
Nhưng với Văn Hậu có thể sẽ là một trường hợp hoàn toàn khác. Theo các chuyên gia bóng đá cũng như người hâm mộ đội tuyển Việt Nam, hậu vệ sinh năm 1999 có khả năng lớn thi đấu thành công trên đất Hà Lan.
Xét về mặt chuyên môn, Văn Hậu hơn đứt Công Phượng và Xuân Trường ở các chỉ số cần có của một cầu thủ bóng đá chơi ở những giải đấu đỉnh cao ở châu Âu. Đó là chỉ số thể hình (Văn Hậu có chiều cao 1m85), đủ để tranh chấp bóng bổng với các cầu thủ nước ngoài vốn cao to. Đó là tốc độ bứt phá, với những pha "lên công về thủ" vốn đã trở thành thương hiệu ở bên cánh trái mà Văn Hậu thường xuyên tạo ra trong màu áo CLB FC Hà Nội cũng như ở Đội tuyển Việt Nam.
Văn Hậu còn được đánh giá rất cao với lối chơi thông minh, cùng những dứt điểm bằng mu chân trái cực kỳ đẳng cấp để tạo ra những bàn thắng dường như là "không tưởng". Văn Hậu trở thành con bài chủ chốt của “thầy Park” đến mức đang chấn thương mà ông vẫn quyết tâm gọi cầu thủ này vào đội hình đội tuyển quốc gia, thế đủ biết giá trị của Văn Hậu lớn đến mức nào.
Xét về mặt tâm thế khi gia nhập đội bóng mới, Văn Hậu cũng ăn đứt các đàn anh Xuân Trường, Công Phượng. Dù chưa đá cho SC Heerenveen một trận đấu nào, Văn Hậu đã sớm tỏa sáng với CLB đang xếp hạng 10 ở Hà Lan với việc mang về cho fanpage đội bóng này gần 300.000 lượt theo dõi chỉ trong vòng 2 tuần kể từ khi ký hợp đồng.
Một fanpage sau 10 năm thành lập chỉ có được 73.000 lượt theo dõi, mà chỉ hơn 10 ngày với sự có mặt của Văn Hậu đã tăng lên gần 370.000 lượt theo dõi, đã làm dấy lên sự kinh ngạc của chính CLB cũng như truyền thông của Hà Lan.
Ngược lại, so với Công Phượng, Xuân Trường khi gia nhập đội bóng mới, sự trân trọng của CLB dành cho Văn Hậu khác hẳn. Anh được cấp “siêu xe, nhà đẹp”, được tổ chức ra mắt hoành tráng, được CLB cập nhật thông tin liên tục trên fanpage với sự trân trọng đối với một tài năng thực sự, người mà SC Heerenveen mua về để bổ sung vào vị trí hậu vệ trái đang còn yếu kém của đội hình.
Nhưng đặc biệt nhất, với mức lương khoảng 12 tỷ trước thuế và khoảng 6 tỷ thực nhận sau thuế, Văn Hậu trở thành cầu thủ Việt Nam có mức lương cao nhất tính đến nay. Một năm đá bóng thu về 6 tỷ thì quá đỗi tự hào và là con số đáng mơ ước của nghiệp cầu thủ. Một cầu thủ có tài năng, có ý chí khát khao của tuổi hai mươi, thì tương lai của Văn Hậu đương nhiên sẽ là có... hậu, phải không các bạn?