Việt Nam là điểm đến đầu tư của EU tại Đông Nam Á

18/12/2022 19:12

Kinhte&Xahoi Vừa qua, trang brusselstimes.com của Bỉ, đã có bài viết nhận định Việt Nam là đối tác phát triển bền vững và điểm đến đầu tư của Liên minh Châu Âu (EU) tại Đông Nam Á.

Theo bài viết ngày 12/12 trên trang brusselstimes.com của Bỉ, Liên minh Châu Âu (EU) đã và đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi xanh và kỹ thuật số không chỉ trong liên minh mà còn ở các quốc gia, khu vực đang phát triển ở Đông Nam Á và Châu Phi.

Hợp tác giữa EU và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được kỳ vọng sẽ phần nào khắc phục các vấn đề trong chuỗi cung ứng quốc tế, khởi động lại tiến trình toàn cầu hóa đang suy giảm. Các đối tác khu vực của EU như Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng thúc đẩy quan hệ hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả hơn vì lợi ích của các khu vực và người dân.

Theo bài viết, trong quan hệ với ASEAN, EU thể hiện vai trò là đối tác phát triển tin cậy, cùng hướng tới mục tiêu đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của hai khu vực và toàn cầu.

Tân cảng Sài Gòn

Trong quá trình này, Việt Nam trở thành đối tác quan trọng trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực mới nổi. Trong khi nhiều nước đang gặp khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ suy thoái, Việt Nam tiếp tục tăng trưởng kinh tế và phục hồi tích cực. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên thế giới được hãng Moody's nâng mức xếp hạng tín nhiệm.

Với môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện, Việt Nam ngày càng có được niềm tin mạnh mẽ hơn của các nhà đầu tư nước ngoài và trên thị trường tài chính quốc tế. Trong 9 tháng năm 2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam ước đạt 15,4 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chính phủ Việt Nam đặc biệt chủ trương nâng cao chất lượng và hiệu quả của nguồn vốn FDI vào Việt Nam, ưu tiên các dự án thân thiện với môi trường, có công nghệ tiên tiến. Bước phát triển này mở ra những cơ hội hợp tác mới cho các doanh nghiệp EU và Việt Nam. Với nhiều điểm tương đồng về ý chí chính trị và lợi ích chiến lược, Việt Nam và các nước thành viên EU có nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

Những thách thức toàn cầu, bao gồm biến đổi khí hậu, ô nhiễm và suy thoái môi trường cũng là mối quan tâm lớn đối với Việt Nam. An ninh năng lượng trở thành vấn đề toàn cầu, buộc nhiều quốc gia phải điều chỉnh việc sử dụng năng lượng hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính.

Việt Nam phấn đấu trở thành thành viên tích cực của khuôn khổ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) do Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) khởi xướng bằng cách tiếp tục cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, loại bỏ than đá vào năm 2040, chấm dứt nạn phá rừng và giảm phát thải khí methane vào năm 2030. Hơn nữa, tháng 10/2022, Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Việc này thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

Cũng đánh giá về vai trò trung tâm của Việt Nam tại Đông Nam Á, trang điện tử La Città Futura của Italy đã đăng bài viết với tiêu đề "Việt Nam, cầu nối quan trọng cho hợp tác chiến lược giữa EU với ASEAN".

Bài viết đã nhấn mạnh, Hội nghị cấp cao ASEAN - EU, được tổ chức tại thủ đô Brussels (Bỉ) vào ngày 14/12 là sự kiện cấp cao đầu tiên giữa hai khối nhân kỷ niệm 45 năm Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (tiền thân của EU) thiết lập quan hệ chính thức với ASEAN.

Từ năm 1977, quan hệ hợp tác ASEAN - EU không ngừng phát triển cả về chiều rộng, lẫn chiều sâu và được nâng cấp lên Đối tác chiến lược vào năm 2020. Với Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được công bố vào năm 2021, EU chính thức công nhận vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực. Trên lĩnh vực kinh tế - thương mại, EU hiện là đối tác lớn thứ 3 của ASEAN trong năm 2021 và là nhà cung cấp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ hai của ASEAN.

Trong bức tranh tổng thể đó, với bước tiến vượt bậc về hợp tác song phương với EU thời gian gần đây, Việt Nam đang trở thành một cầu nối rất quan trọng và hiệu quả, góp phần tăng cường các cơ chế hợp tác chung giữa ASEAN với EU.

Trước hết, việc Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết và có hiệu lực đang tạo động lực mạnh mẽ cho các hoạt động trao đổi kinh tế, thương mại giữa hai bên, đồng thời được xem là hình mẫu để EU tiếp tục mở rộng triển khai với toàn bộ khu vực ASEAN.

Dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kim ngạch thương mại Việt Nam - EU thời gian qua vẫn tăng trưởng ấn tượng. Kim ngạch thương mại hai chiều trong 8 tháng năm 2022 đạt 42,4 tỷ USD, tăng 14,85% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường EU đều ghi nhận sự chuyển dịch tích cực. Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa.

Nhiều mặt hàng từ EU cũng được tăng cường nhập khẩu vào Việt Nam. EU hiện cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 27,6 tỷ USD. Riêng 8 tháng năm 2022, tổng vốn đăng ký đầu tư của EU tại Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam đã tiếp nhận được nguồn đầu tư chất lượng cao từ EU với những dự án có công nghệ tiên tiến, tạo ra những giá trị và lợi ích chung cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

Cùng với tăng cường trao đổi kinh tế - thương mại, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong ứng phó với biến đổi khí hậu cũng là lĩnh vực trụ cột, được cả Việt Nam và EU quan tâm thúc đẩy. Dù là quốc gia đang phát triển, Việt Nam vẫn đặt ưu tiên cao và quyết tâm thực hiện thành công các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bên cạnh đó, Việt Nam và EU đang tích triển khai các sáng kiến hợp tác về chuyển đổi năng lượng xanh và năng lượng bền vững. Với sự điều phối của Anh và EU, quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng (JETP) với Việt Nam đang được nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) xem xét thiết lập. Việt Nam đã xây dựng các đầu mối chính trị cũng như cấp kỹ thuật cho việc triển khai sáng kiến này.

Trong phạm vi khu vực, Việt Nam và EU đang hướng tới việc phối hợp mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng khác. Trong đó, nhiều chiến lược của EU mới được công bố, như: Chiến lược hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Cửa ngõ toàn cầu, La bàn chiến lược… đều thể hiện sự coi trọng của EU về vai trò của khu vực ASEAN và Châu Á nói chung.

 Hoàng Bảo - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bóng đá cho chúng ta nhiều điều

Bóng đá là trò chơi thể thao thắng thua, nhưng sự phát triển của nó mang đến cho người hâm mộ nhiều thông điệp ý nghĩa.

link bài gốchttps://tuoitrethudo.com.vn/viet-nam-la-diem-den-dau-tu-cua-eu-tai-dong-nam-a-213542.html