Xử lý, ngăn chặn việc quảng cáo, đặt vé xe khách hợp đồng trước trên mạng

19/12/2022 14:47

Kinhte&Xahoi Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp xử lý quảng cáo đặt vé trước trên mạng đối với xe ô tô kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng.

Hàng loạt các xe limousine, xe hợp đồng “trá hình” tuyến cố định từ Hải Phòng đi Quảng Ninh, Hà Nội

Xe hợp đồng "trá hình", hoạt động tại nhiều nơi trên địa bàn TP

 Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Đào Việt Long, hiện nay, tình trạng xe hợp đồng "trá hình", hoạt động tương tự tuyến cố định xuất hiện tại nhiều nơi trên địa bàn thành phố, gây mất trật tự, an toàn giao thông và tạo ra cạnh tranh không lành mạnh giữa các loại hình vận tải.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 12/2020-TT-BGTVT ngày 29/5/2020 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Trong đó, quy định kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô được thực hiện theo hợp đồng vận chuyển hành khách bằng văn bản giấy hoặc điện tử giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe).

Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe không được xác nhận đặt cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức; Không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau.

Trên nhiều website có tình trạng quảng cáo đặt vé xe hợp đồng theo các tuyến, xe hợp đồng vận chuyển hành khách nhưng hoạt động trên các tuyến cố định. Đơn vị vận tải bán vé, xác nhận đặt chỗ cho hành khách đi xe, thu tiền của từng hành khách đi xe dưới các hình thức khác nhau, người thuê vận tải không thuê cả chuyến xe... Điều này trái với các quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP.

"Việc quảng cáo của các đơn vị trên website như vậy là vi phạm với các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Do vậy, để bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ đối với hoạt động vận tải, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp xử lý, ngăn chặn việc quảng cáo, đặt vé trước trên mạng của doanh nghiệp vận tải hành khách theo hợp đồng để nhận, đón trả khách theo yêu cầu" - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Đào Việt Long đề nghị.

Cần lập lại trật tự vận tải hành khách

 Cũng liên quan đến thực trạng này, trước đó, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã có đơn kiến nghị gửi đến Bộ Giao thông vận tải đề nghị có giải pháp quản lý đối với xe khách hoạt động trái quy định; tháo gỡ khó khăn trong vận tải hành khách tuyến cố định và bến xe khách.

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định, hiện có hàng ngàn xe loại 10 - 12 chỗ hoạt động dưới danh nghĩa xe hợp đồng, chạy vòng vo hoặc trực tiếp liên lạc với hành khách qua điện thoại, trên các nền tảng kết nối để cạnh tranh với tuyến xe cố định.

Trước tình hình đó, các đơn vị kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định và bến xe khách tiếp tục đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam báo cáo cơ quan có thẩm quyền về vấn đề xe hợp đồng “trá hình”, xe dù, bến cóc hoạt động lách luật, cạnh tranh vô tổ chức với đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định và bến xe khách, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông ở các địa phương như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên…

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết thêm, một số năm trở lại đây đã xuất hiện hàng ngàn xe hợp đồng được cải tạo từ xe 16 chỗ thành xe 10 - 12 chỗ (kể cả người lái). Loại xe limousine và xe 16 chỗ nguyên bản này phát triển rất nhanh, được cấp giấy phép và phù hiệu xe hợp đồng (có đơn vị tới vài trăm xe).

Khi hoạt động không có hợp đồng vận tải được ký kết mà nhà xe kết nối với hành khách qua điện thoại hoặc zalo. Lợi dụng quy định không cấm xe dưới 16 chỗ được vào các tuyến phố để đón, trả khách ở những điểm trên đường phố hoặc tại nhà, hành trình này được lặp đi lặp lại. Thực chất đây là hoạt động kinh doanh theo tuyến cố định.

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định, những vấn đề bất cập nói trên đã tồn tại từ lâu nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn, nên một số xe tuyến cố định cũng bỏ bến xe, ra ngoài ''chạy dù'' tại các bến cóc gây mất trật tự an toàn giao thông, và đặc biệt là tạo thế cạnh tranh không bình đẳng; Dẫn tới số lượng xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định vào bến xe khách chỉ còn 50 - 60% so với trước; 40 - 50% bến xe bên lề vực cùng sự phá sản.

Do vậy, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông vận tải xem xét để lập lại trật tự vận tải hành khách, giúp các đơn vị kinh doanh bến xe khách, đơn vị kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định hoạt động hiệu quả và nhất là thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

 Anh Đức - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bóng đá cho chúng ta nhiều điều

Bóng đá là trò chơi thể thao thắng thua, nhưng sự phát triển của nó mang đến cho người hâm mộ nhiều thông điệp ý nghĩa.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/xu-ly-ngan-chan-viec-quang-cao-dat-ve-xe-khach-hop-dong-truoc-tren-mang-213776.html