Kỳ thi vào lớp 10 là một dấu mốc chuyển cấp của học sinh THCS, vì thế các em cần được định hướng đúng đắn. (Ảnh minh họa - Nguồn: TTXVN)
Điểm số không nói lên tất cả
Vài năm trước, dư luận từng xôn xao trước hình ảnh một phụ huynh đánh tới tấp vào cô con gái nhỏ mới trượt lớp 10 THPT công lập. Nhiều câu chuyện xót xa được giáo viên luyện thi chia sẻ lại, như học sinh rụng tóc, nói nhảm trong đêm trước áp lực thi vào lớp 10. Hay “cứ đến hẹn lại lên”, gần mùa thi vào lớp 10, các trường THCS liên tục vận động học sinh lớp 9 có học lực trung bình trở xuống bỏ thi vào 10 để tránh ảnh hưởng đến thành tích nhà trường.
Trong những năm gần đây, kỳ thi vào lớp 10 các trường công lập, các trường THPT chuyên ngày càng căng thẳng, tỷ lệ chọi giành một suất vào các trường rất cao, có thể lên đến 1 chọi 10, 1 chọi 20. Học sinh đỗ vào các trường công lập trở thành niềm tự hào của các bậc phụ huynh, nhà trường và đánh dấu “mốc son” thành công đầu tiên trên con đường học tập của học sinh. Những em có thành tích cao được nêu gương tuyên dương, những lớp có học sinh đỗ 100% vào các trường chuyên được mọi người ca ngợi. Còn những em thi “trượt” vào các trường công lập ngậm ngùi nhận lời “tâm thư” chia buồn của cha mẹ, thầy cô.
PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục - Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội từng chia sẻ với truyền thông, thành tích thi vào lớp 10 các trường công lập, trường chuyên trở thành bộ mặt, thể diện của phụ huynh, học sinh, hơn nữa chính là thước đo (dạy tốt hay dạy kém) của giáo viên, nhà trường. Trong khi thực tế mỗi năm ở các tỉnh, địa phương có hàng trăm nghìn học sinh lớp 9, mỗi em đều có năng lực, khả năng, sở trường của riêng mình. Không phải học sinh nào cũng tiếp thu kiến thức tốt, cũng như không phải em nào cũng có khả năng học nghề. Để đánh giá một học sinh, chỉ riêng kỳ thi lớp 10, điểm học bạ THCS của các em là không bao giờ đủ. Bởi một con người cần đánh giá bằng nhiều mặt khác nhau, như kiến thức, đạo đức và kỹ năng sống.
Đặt quyền lợi và tương lai của học sinh lên hàng đầu
Phải khẳng định, tất cả học sinh lớp 9 đều có quyền tự do dự thi vào lớp 10, giáo viên, nhà trường không được phép ép buộc các em bỏ thi. Tuy nhiên, mặt khác, công tác phân luồng, tư vấn, định hướng vào lớp 10 rất quan trọng. Theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, chia làm hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9), giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Như vậy, lên cấp III, học sinh phải chuẩn bị hướng đi trong tương lai như chọn tổ hợp môn học (ở các trường THPT), chọn nghề học (ở các trường nghề, trường giáo dục thường xuyên - GDTX).
Việc học sinh cần tiếp cận thông tin về các trường THPT công lập, tư thục, trường nghề, trung tâm GDTX là rất cần thiết. Nhưng phụ huynh, giáo viên cần phải trao đổi một cách công bằng, đặt quyền lợi, tương lai của các em lên hàng đầu thay vì thành tích, thể diện của cha mẹ, giáo viên, nhà trường. Vì mỗi em học sinh sẽ có hoàn cảnh, nhu cầu, khả năng, sở trường khác nhau.
Học sinh cần được biết thông tin khách quan, chân thực, chính xác về môi trường học trong tương lai của các em. Ví dụ, hiện nay, thông tin về các trường công lập, tư thục thường rất phổ biến, dễ tiếp cận. Ngược lại, rất nhiều học sinh, phụ huynh có quan niệm trường nghề, trung tâm GDTX là môi trường dành cho học sinh yếu kém cả về kiến thức và kỷ luật. Điều này gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng của học sinh vì sợ trượt lớp 10 trường công lập. Thực tế, có không ít học sinh giỏi, phẩm chất tốt đã lựa chọn trường nghề, trung tâm GDTX để theo học vì nhiều lý do khác nhau.
Thầy Dương Minh Ngọc - giáo viên Trung tâm GDTX thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Chương trình GDPT 2018 định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Vì vậy, ở môi trường nào các em cũng có thể tỏa sáng theo cách của riêng mình, miễn là học sinh đủ kiên trì để phấn đấu học tập, rèn luyện”. Thầy Ngọc chia sẻ thêm, các trung tâm GDTX là trường cấp III công lập, thuộc quản lý của Nhà nước, vì vậy luôn bảo đảm chất lượng giảng dạy, kỷ luật và chọn lọc học sinh theo đúng tiêu chuẩn đã được đặt ra.
“Cấp III là “bước chuyển” quan trọng, vì vậy, cần truyền thông từ sớm cho học sinh, phụ huynh hiểu rõ hơn về tất cả các môi trường: trường công lập, trung tâm GDTX, trường nghề, trường tư thục để học sinh tự đưa ra quyết định về nơi học tập phù hợp với năng lực, sở trường của mình. Hiện nay, phụ huynh học sinh thường có suy nghĩ tiêu cực về các trường nghề, trung tâm GDTX. Thực tế, những môi trường này vẫn đào tạo ra các học sinh giỏi, nhiều em đã thi cấp tỉnh, cấp thành phố và đỗ đại học. Đặc biệt, các em còn được tích hợp học nghề miễn phí, đây là một trải nghiệm sớm giúp học sinh lựa chọn được hướng đi đúng đắn trong tương lai”, theo thầy Ngọc.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm nay có 133.000 học sinh tốt nghiệp THCS, tăng 4.000 em so với năm học trước, trong đó dự kiến có gần 110.000 thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024 - 2025. Trong khi đó, các trường THPT công lập năm nay tuyển khoảng 81.000 học sinh. Như vậy, sẽ có khoảng gần 30.000 học sinh không có cơ hội vào trường THPT công lập trong kỳ thi căng thẳng này. Ngày 15/5 tới, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố số lượng học sinh dự tuyển vào từng trường THPT để học sinh, phụ huynh được biết.
Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, số học sinh được tuyển vào THPT chiếm 61% trong tổng số thí sinh tốt nghiệp THCS. Số còn lại phân luồng theo học tại trường tư thục, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, GDTX, trường trung cấp, cao đẳng.
Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý các đơn vị, việc học tập và đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 các trường THPT là quyền, nhu cầu của học sinh, cha mẹ học sinh. Các trường phải định hướng cho học sinh rõ để có lựa chọn phù hợp, không mang tính ép buộc. Theo đó, Sở đã yêu cầu rà soát, kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm nếu có tình trạng thầy cô định hướng cho một số học sinh lớp 9 có kết quả học tập chưa cao không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường công lập năm học 2024 - 2025. |
Hương Ngọc - Pháp luật Plus