Thời gian phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris có thể lên tới hàng thập kỷ
Kinhte&Xahoi
Giới chuyên gia cảnh báo Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ không thể được phục dựng chính xác như nguyên bản trước
Cảnh tượng ngổn ngang tại Nhà thờ Đức Bà Paris sau vụ hỏa hoạn. (Ảnh: Reuters)
Vụ hỏa hoạn xảy ra vào tối 15/4 tại Nhà thờ Đức Bà Paris, một di sản văn hóa thế giới ở thủ đô của Pháp, đã khiến phần tháp nhọn và mái vòm của nhà thờ bị thiêu rụi và đổ sập.
Khi được hỏi cần bao lâu để xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris sau vụ cháy tối 15/4, Eric Fischer, người đứng đầu tổ chức chịu trách nhiệm phục dựng nhà thờ Strasbourg 1.000 năm tuổi ở Pháp, cho rằng sẽ mất tới "hàng thập kỷ".
"Thiệt hại rất đáng kể, nhưng may mắn là Pháp có mạng lưới công ty phục hồi di sản tuyệt vời, dù là nghệ nhân bình thường hay các nhóm lớn", Fischer cho biết. Ông nói thêm rằng khả năng xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris mà vẫn giữ nguyên hình thức và đặc tính ban đầu phụ thuộc vào kế hoạch, sơ đồ cùng những vật liệu có được.
"Các kiến trúc sư cần dữ liệu lịch sử ở mức tối đa, hoặc những dữ liệu gần đây được thu thập bằng công nghệ hiện đại như quét 3D, giống như kỹ thuật dùng để phục hồi nhà thờ Strasbourg", Fischer nói.
Theo ông Bertrand de Feydeau, phó chủ tịch Quỹ Di sản Pháp, phần mái vòm của Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ không thể được phục dựng chính xác như nguyên bản trước khi xảy ra vụ hỏa hoạn.
Ông Feydeau nhận định quá trình phục dựng nhà thờ sau hỏa hoạn sẽ phải sử dụng tới những công nghệ mới để làm lại phần mái bị phá hủy.
“Hiện tại, trên lãnh thổ Pháp, chúng ta không còn những cây gỗ với kích cỡ tương đương những cây từng được chặt vào thế kỷ 12 và 13 (để làm mái vòm nhà thờ)”, ông Feydeau cho biết.
Phần tháp nhọn của Nhà thờ Đức Bà Paris bị thiêu rụi trong vụ cháy. (Ảnh: Reuters)
Các chuyên gia cho rằng nhiệm vụ khó nhất là phục hồi mái của nhà thờ, bộ phận được làm từ những thân gỗ lớn bọc chì để tránh tác động của môi trường và thời gian. Theo ước tính, 1.300 cây gỗ đã được dùng để làm dầm cho công trình.
Nhà thờ Đức Bà Paris là một trong những công trình gỗ lâu đời nhất còn sót lại tại Paris. Số cây bị chặt vào thế kỷ 12 để xây dựng nhà thờ bao phủ diện tích khoảng 21 hecta đất.
Theo Phapluatplus