Tuy nhiên, để tăng cường sức hút đối với nguồn vốn rất quan trọng này, các cấp, ngành liên quan cần tiếp tục cải cách, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp FDI.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Panasonic System Networks Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh). Ảnh: Quang Thái
Yêu cầu từ thực tế
Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), các thủ tục hành chính phức tạp, như cấp giấy phép, được coi là rủi ro lớn nhất tại môi trường đầu tư của Việt Nam đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam Muto Shiro cho biết, mặc dù đã thực hiện nhiều cải cách, đơn giản hóa luật và các quy định, số hóa thủ tục hành chính, nhưng doanh nghiệp vẫn mong muốn được thấy nhiều nỗ lực hơn nữa trong tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng.
Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ cho rằng, một số doanh nghiệp đang đối mặt với sự chậm trễ trong việc phê duyệt thủ tục, tạo ra gánh nặng hành chính, tốn thời gian. Điều này cản trở quá trình triển khai dự án, do đó, cần có sự phê duyệt kịp thời đối với giấy phép liên quan đến quy hoạch, kinh doanh, đầu tư; đơn giản hóa và giảm thời gian thực hiện thủ tục liên quan đến phát triển bất động sản, thị thực cho người lao động nước ngoài… Còn Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam khuyến nghị mở rộng danh sách miễn thị thực cho tất cả các nước châu Âu và có lộ trình để thực hiện thủ tục này.
Một số doanh nghiệp FDI cũng lo ngại trước tình trạng chậm trễ trong thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng, gây khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp do dòng tiền eo hẹp. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn thủ tục hành chính được thực hiện suôn sẻ, kịp thời, không đạt ra các điều kiện hoặc yêu cầu nộp hồ sơ ngoài quy định của pháp luật.
Giám đốc điều hành Liên đoàn Các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) Ichiro Hara nêu tổng quát, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đương nhiên, các kiến nghị đến từ cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động tại các lĩnh vực khác nhau và rất đa dạng. Tuy nhiên, nổi lên là sự e ngại về vấn đề thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của dự án FDI. Mặt khác, những nhận định, ý kiến từ phía nhà đầu tư về môi trường kinh doanh là rất đáng suy ngẫm, cho thấy việc thu hút đầu tư của nước ta chưa thật sự bền vững.
Tăng tốc áp dụng chính phủ điện tử
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, Việt Nam luôn chủ động cải cách, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư theo hướng minh bạch và hấp dẫn hơn. Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục rà soát, phân tích, đánh giá những việc đã làm được cũng như chưa làm được để khắc phục, hiện thực hóa mục tiêu này, cũng như thể hiện sự đồng hành với doanh nghiệp FDI.
Đại diện Bộ Công Thương mới đây cũng tái khẳng định, việc bảo đảm duy trì cấp điện liên tục cho sản xuất, không để xảy ra đứt đoạn trong cung ứng năng lượng, có thể gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Trong khi đó, ngành Thuế cam kết theo sát tình hình, tiếp thu thông tin và ý kiến từ phía doanh nghiệp để làm tốt các thủ tục liên quan đến nghĩa vụ, quyền lợi của doanh nghiệp kịp thời và chính xác hơn.
Thực tế, Chính phủ, các cơ quan chức năng đang tập trung đẩy mạnh cải cách nhằm duy trì và tăng cường sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh về môi trường đầu tư mà chủ yếu là nâng cao chất lượng hợp tác, phục vụ doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cần tăng tốc áp dụng và tăng cường hiệu quả của chính phủ điện tử, phê duyệt thủ tục thông qua hình thức điện tử cần sự tin cậy, liên thông và nhất quán hơn.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn FDI trong quý I-2024 vào Việt Nam đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài đạt khoảng 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Các con số trên thể hiện đà tăng tiến về thu hút, sử dụng vốn FDI - điểm sáng của nền kinh tế. Nhiều đối tác, nhà đầu tư nước ngoài công nhận sức hấp dẫn và năng lực cạnh tranh về môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam và cho biết sẽ duy trì hoặc gia tăng các khoản đầu tư trong tương lai.
Do đó, việc cải thiện, nâng cao sức cạnh tranh, sự thông thoáng của môi trường đầu tư trong đó chủ yếu là những cải cách hành chính sẽ tiếp tục củng cố, vun đắp thêm niềm tin đối với nhà đầu tư nước ngoài. Trong các sự kiện quốc tế cũng như gặp gỡ đại diện giới đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đều khẳng định tinh thần hợp tác, đồng hành với nhà đầu tư; quan tâm và đáp ứng những nhu cầu của nhà đầu tư trên tinh thần chia sẻ, vì lợi ích lâu dài và khu vực kinh tế có vốn FDI luôn là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế Việt Nam.
Hồng Sơn - Hà Nội mới