Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành tại lễ khởi công. Ảnh: Lương Tuấn Hùng
Cùng dự lễ khởi công có Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị liên quan.
Không thể chậm trễ
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, những năm qua Nhà nước đã tập trung nhiều nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa các dự án giao thông, bao gồm Dự án Sân bay Long Thành hoặc một số sân bay vừa được khánh thành như Điện Biên, Phú Bài và tiếp tục nghiên cứu mở rộng sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận), Cà Mau, Chu Lai (Quảng Nam)… bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công dự án. Ảnh: Lương Tuấn Hùng
“Các sân bay được đầu tư, nâng cấp, mở rộng sẽ mở ra không gian phát triển gắn với kinh tế - du lịch, do vậy cần thiết nhanh chóng hoàn thiện thủ tục pháp lý để thu hút nguồn vốn đầu tư, góp phần giảm chi phí logistics...” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi lễ khởi công. Ảnh: Lương Tuấn Hùng
Nhìn nhận các sân bay lớn quá tải cả bầu trời và mặt đất như Tân Sơn Nhất và Nội Bài, theo Thủ tướng, cần có giải pháp, kế hoạch đầu tư để không ảnh hưởng đến khai thác hiện tại và tương lai. Năm 2023, sản lượng Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài đạt 30 triệu hành khách, là sân bay lớn thứ 2 cả nước và có sản lượng hàng hóa lớn nhất nước khi đạt 700.000 tấn; phục vụ chuyên cơ, có vị trí đặc biệt là cửa ngõ Thủ đô đón nhiều đoàn khách quốc tế. Theo quy hoạch tổng thể cảng hàng không, sân bay, đến năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài có sản lượng 60 triệu khách/năm, giai đoạn 2050 trên 100 triệu khách/năm và cơ quan chức năng nghiên cứu sân bay thứ 2 Thủ đô. Trong khi đó, Nhà ga hành khách T2 được đưa vào khai thác từ năm 2015 với công suất 10 triệu hành khách/năm, đến năm 2018 đã mãn tải nên việc mở rộng dự án là rất cần thiết và không thể chậm trễ.
Thủ tướng ghi nhận và biểu dương các bộ, ngành, đặc biệt là Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã chủ động phối hợp tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt, ACV đã tích cực, nỗ lực hoàn thành nhiều dự án sân bay quan trọng 2 năm vừa qua trong điều kiện đã và đang triển khai dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, Nhà ga hành khách T3 - Tân Sơn Nhất nhưng vẫn huy động nguồn vốn hợp pháp 5.000 tỷ đồng để xây dựng Nhà ga hành khách T2 - Nội Bài, giúp nâng công suất lên 30 triệu hành khách/năm và có khả năng khai thác 40 triệu hành khách/năm.
Do dự án xây dựng trong điều kiện vừa thi công, vừa bảo đảm hoạt động an toàn tuyệt đối khai thác bay, Thủ tướng lưu ý, chủ đầu tư cần lường trước mọi phương án để không bị động, bất ngờ.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo chủ đầu tư và Ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ; chỉ đạo thi công đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình.
Thủ tướng cũng yêu cầu nhà thầu huy động đủ máy móc, nhân lực để thi công bảo đảm kỹ, mỹ thuật, nghiêm cấm sử dụng nguồn vật liệu không theo thiết kế, không bảo đảm chất lượng. ACV chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng công trình. Nhà thầu phải thực hiện đúng tiến độ, chất lượng, không để xảy ra tiêu cực.
Thủ tướng cũng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo sát sao các sở, ban, ngành, UBND huyện Sóc Sơn tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện giúp đỡ chủ đầu tư, nhà thầu và đơn vị thi công thực hiện, hoàn thành dự án đạt hiệu quả cao nhất.
Vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng
Trước đó, báo cáo tại lễ khởi công, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV cho biết: Dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài được nghiên cứu xây dựng trong phạm vi phần đất có diện tích 412.203m2 (bao gồm diện tích hiện hữu và phần mở rộng).
Công trình có 2 phần, gồm thi công mở rộng nhà ga và các công trình phụ trợ (thi công mở rộng cánh Tây, cánh Đông và khu vực trung tâm); thi công từ kết cấu đến hoàn thiện kiến trúc, cơ điện và lắp đặt công trình, bổ sung hệ thống cầu ống lồng; cải tạo và chuyển đổi công năng bên trong nhà ga hiện hữu từ tầng 1 đến tầng 4 nhằm nâng cao năng lực khai thác của dây chuyền hàng không.
Dự án có tổng mức đầu tư 4.996 tỷ đồng, trong đó gói thầu chính thi công xây lắp có giá trị 4.600 tỷ đồng thực hiện hoàn toàn bằng nguồn vốn của ACV.
“ACV cam kết tập trung mọi nguồn lực để triển khai gói thầu bảo đảm an toàn, chất lượng và vượt tiến độ trước 31-12-2025 để đủ điều kiện đăng ký công trình khánh thành, đưa vào khai thác, chào mừng Đại hội lần thứ XIV của Đảng” – ông Lại Xuân Thanh khẳng định.
Là đơn vị được lựa chọn thi công gói thầu xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị công trình, đại diện Liên danh nhà thầu Việt Bắc (Tổng công ty cổ phần Vinaconex, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai) cho biết đây là gói thầu khó, phức tạp, yêu cầu rất cao về năng lực tổ chức điều hành, thi công, lắp đặt kết nối...
Liên danh nhà thầu sẽ tập trung nhân lực, thiết bị và áp dụng triệt để hệ thống quản trị chuyên nghiệp, nỗ lực vượt qua mọi thách thức, hoàn thành dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, an ninh và an toàn lao động.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà đại diện các đơn vị nhà thầu. Ảnh: Lương Tuấn Hùng
Cũng tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ đã thăm hỏi, trao quà tặng cán bộ, kỹ sư, công nhân tham gia Dự án mở rộng Nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài.
Tuấn Lương - Hà Nội mới