Cuối năm, không để thiếu hàng, sốt giá

18/11/2021 17:34

Kinhte&Xahoi Nhằm bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán sắp tới, ngành Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp đang tăng cường dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, không để xảy ra khan hàng, tăng giá đột biến.

Các siêu thị chuẩn bị hàng hóa phong phú phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân Thủ đô.

Doanh nghiệp tích cực chuẩn bị hàng Tết

Để chủ động nguồn lương thực, thực phẩm phục vụ tốt nhu cầu của người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các doanh nghiệp bán lẻ đang tích cực chuẩn bị hàng hóa cho giai đoạn kinh doanh cao điểm này.

Bà Đỗ Tuệ Tâm, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, Hapro đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 với giá trị hàng hóa tương đương Tết Nguyên đán 2021. Ngoài nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu của thành phố, doanh nghiệp đã chuẩn bị các sản phẩm thực phẩm chế biến mang thương hiệu Hapro như hạt điều rang muối, xúc xích, chân giò hun khói, gạo Hapro Đồng Tháp… Bên cạnh đó là các loại đặc sản vùng miền như bưởi Diễn, miến dong, bún khô, mì gạo, mộc nhĩ, nấm hương của Sơn La, Yên Bái, Hà Giang… cũng được chuẩn bị đầy đủ.

“Để hạn chế tập trung đông người mua sắm, góp phần ngăn chặn dịch Covid-19, bảo đảm an toàn cho người dân, Hapro đã thúc đẩy kênh bán hàng trực tuyến qua ứng dụng BRG Shopping, hay trang tương tác (Fanpage), đường dây nóng (hotline)” - bà Đỗ Tuệ Tâm thông tin.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG cho biết, doanh nghiệp đã lên kế hoạch chuẩn bị mùa mua sắm cuối năm và Tết Nguyên đán từ tháng 9. Dự kiến, lượng hàng dự trữ tăng 25% so với năm ngoái. Ông Dũng đặt kỳ vọng việc mở rộng tiêm chủng vắc xin phòng ngừa Covid-19 sẽ ổn định hoạt động giao thương và mua bán, không lo ngại thị trường đóng băng. Năm ngoái, thời điểm gần Tết, dịch bệnh bùng phát ở Hải Dương và một số tỉnh, thành đã ảnh hưởng lớn tới sức mua. Tuy nhiên, doanh nghiệp tin rằng, tình trạng này sẽ không xảy ra vào năm nay.

Theo đó, hệ thống các siêu thị của BRG đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu. Siêu thị đã làm việc với nhà cung cấp triển khai các chương trình tặng kèm cho mùa mua sắm cuối năm nhằm kích cầu, giúp khách hàng mua sắm dễ dàng.

"Để tăng doanh số, doanh nghiệp bán lẻ cũng đang đẩy mạnh bán hàng đa kênh. Thời điểm nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, doanh số bán qua các kênh online tăng gấp 5-7 lần so với trước. Tuy nhiên, sau khi kết thúc giãn cách lại suy giảm. Do vậy, đây sẽ là mục tiêu mà chúng tôi cần phải đẩy mạnh trong mùa mua sắm cuối năm", ông Nguyễn Thái Dũng nói.

Tương tự, Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Nội (quận Hà Đông) Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, để chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, doanh nghiệp đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị kế hoạch tăng cường lượng hàng thiết yếu lên gấp đôi, qua đó chủ động nguồn cung dự trữ điều tiết giá hàng hóa Tết. Đồng thời, đơn vị tăng cường tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa lên thêm 5-10 lần so với các tháng trong năm, nhất là nhóm hàng thực phẩm Tết, nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm. 

“Tại thị trường Hà Nội, hệ thống siêu thị Co.opmart sẽ cố gắng đạt doanh số hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, với tổng trị giá 104 tỷ đồng, tăng 5% so với Tết Nguyên đán 2021” - bà Nguyễn Thị Kim Dung thông tin.

Còn theo Giám đốc Vùng Hà Nội (Tập đoàn Central Group) Lê Mạnh Phong, lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 của hệ thống siêu thị Big C dự kiến tăng khoảng 5-7% so với kế hoạch Tết 2021, trong đó, tập trung vào nguồn hàng trong nước, đặc biệt chú trọng đến các mặt hàng truyền thống.

39.000 tỷ đồng hàng phục vụ Tết

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trong quý IV-2021 đến hết quý I-2022, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp phải khó khăn, như dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trên địa bàn Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh khu vực phía Bắc dẫn đến sản xuất, kinh doanh phục hồi chậm, lưu thông, vận chuyển hàng hóa bị ảnh hưởng.

Một số sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi bị ảnh hưởng của dịch bệnh nên dễ ảnh hưởng tới nguồn cung. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào như thức ăn chăn nuôi, con giống tăng mạnh, trong khi giá bán sản phẩm giảm, ảnh hưởng tới quyết định tái đàn, trồng trọt...

Để bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch tìm kiếm, khai thác nguồn hàng của Hà Nội, từ các tỉnh như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình…, triển khai phương án dự trữ hàng hóa đảm bảo đủ nguồn hàng phục vụ Tết, ưu tiên hàng hóa Việt Nam; tổ chức các điểm bán, các chương trình bán hàng phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đồng thời, tiếp tục duy trì, thực hiện phương án bảo đảm sản phẩm thiết yếu đã xây dựng (lượng hàng hóa ký kết tăng 2-3 lần so với ngày thường) để sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.000 tỷ đồng (tương đương với kế hoạch phục vụ Tết năm 2021).

Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã yêu cầu các đơn vị cần chủ động nắm bắt nguồn hàng từ các đơn vị cung ứng trên địa bàn và các tỉnh, thành phố để bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa phục vụ nhân dân. 

Thực tế cho thấy, diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp, hoạt động mua sắm hàng hóa trong dịp Tết 2022 luôn thu hút đông người dân, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch. Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại kênh bán hàng truyền thồng gồm: Hệ thống 28 trung tâm thương mại; 123 siêu thị; 449 chợ; 1.800 cửa hàng tiện lợi; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 141 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn, có thể kết nối với 1.130 đầu mối, chuỗi, cơ sở cung ứng nông, lâm, thủy sản của 45 tỉnh, thành phố trên cả nước. Chủ động bố trí thêm lực lượng nhân viên phục vụ, mở thêm quầy thanh toán, mở rộng các hình thức thanh toán trực tuyến (QR code, thẻ thanh toán, ví điện tử…), bố trí nhân viên phân luồng khách đến mua hàng, thanh toán để phục vụ nhân dân nhanh chóng, đồng thời hạn chế lây nhiễm dịch tại điểm bán.

Bên cạnh đó, bán hàng qua kênh đa phương tiện như website, hotline, app… với khoảng 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu bán hàng theo hình thức trực tuyến.

“Trong trường hợp cần thiết khi xảy ra dịch trên địa bàn, có thể sử dụng 2.500 địa điểm tại các quận, huyện, thị xã sẵn sàng bố trí làm kho và điểm bán hàng lưu động; các điểm trung chuyển hàng hóa đã dự kiến; chuyển các địa điểm bán các mặt hàng không thiết yếu (siêu thị, cửa hàng, nhà hàng) sang bán hàng hóa thiết yếu…”, bà Trần Thị Phương Lan thông tin.

 Thanh Hiền - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cận Tết Nguyên đán, TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác chống hàng giả

Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh, đơn vị đang đẩy mạnh hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại những tháng cuối năm 2021, cận Tết Nguyên đán 2022. Trong đó, các đội QLTT sẽ tăng cường giám sát trực tuyến, lập danh sách và phân loại các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử.

Giới trẻ “thức trắng đêm” săn sale nhân ngày độc thân 11/11

Ngày độc thân (11/11) là sự kiện mua sắm khuyến mãi lớn nhất trên các nền tảng thương mại điện tử, được người tiêu dùng mong chờ. Đây cũng là cơ hội để nhiều bạn trẻ "mua sắm trả đũa", bù lại những ngày "nhịn" tiêu dùng chờ giảm giá.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1017722/cuoi-nam-khong-de-thieu-hang-sot-gia?