Dạy học trực tuyến, trên truyền hình cho học sinh tiểu học: Kết hợp nhiều giải pháp

24/03/2020 20:00

Kinhte&Xahoi Nhiều giáo viên cho rằng, việc dạy học trực tuyến tăng tính tương tác hơn truyền hình. Với cấp tiểu học, dạy trực tuyến giúp uốn nắn học sinh thuận lợi hơn việc tiếp cận bài giảng trên truyền hình.

Chuẩn bị kỹ mọi mặt

 Theo bà Đinh Thị Bích Hảo – Hiệu trưởng trường Tiểu học Biên Giang, quận Hà Đông, việc triển khai các lớp ôn, dạy học trực tuyến, trên truyền hình cho các cấp học là cần thiết vào thời điểm này.

Tuy vậy, với cấp tiểu học sẽ gặp nhiều trở ngại. “Ở lứa tuổi tiểu học, các con chưa hình thành nền nếp, công tác quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, hầu hết các phần mềm hiện tại chưa giúp giáo viên quan sát được toàn bộ học sinh. Như vậy, dễ dẫn tới tình trạng các con làm việc riêng hoặc mất tập trung trong các giờ giảng” – bà Hảo cho biết.

 Học sinh tiểu học Hà Nội học trực tuyến qua mạng. Ảnh: Mạnh Thắng

Còn theo bà Nguyễn Thị Vân Hồng – Hiệu trưởng trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, với lứa tuổi tiểu học, nếu không có biện pháp giám sát chặt chẽ, rất khó để các bài giảng đạt hiệu quả. “Học sinh ở độ tuổi này phải uốn nắn từng nét chữ, từng tư thế ngồi, dạy dỗ từng câu chào, lời nói, do vậy, nếu không kiểm soát tốt, nội dung bài giảng sẽ không đạt được mục đích đào tạo” – bà Vân Hồng nói thêm.

Đồng tình với những chia sẻ trên, bà Phạm Thị Lệ Hằng – Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông nhận định: “Việc dạy học cần có người lớn kèm, ngoài ra, muốn phổ cập rộng rãi, cần chuẩn bị chu đáo mọi mặt. Trong khi đó, không phải gia đình nào cũng có thể sắm cho con được máy tính, ipad, điện thoại thông minh để các con học tập, chưa kể đến hạ tầng kỹ thuật, công nghệ”.

Phân khối lớp để áp dụng riêng

Đưa ra những giải pháp cho mô hình dạy học trực tuyến cấp tiểu học, bà Lệ Hằng cho hay, có thể phân khối lớp để áp dụng riêng. Ví dụ, ở khối lớp 1, 2, 3, là lứa tuổi hầu như chưa va chạm kiến thức nhiều, chủ yếu tập đọc, tập viết, giáo viên có thể chọn hình thức giao bài về nhà cho học sinh tự ôn, sau đó phối hợp cùng phụ huynh để kiểm tra kết quả qua hệ thống phần mềm Zalo, Viber... Còn ở khối 4, 5, có thể tổ chức dạy trực tuyến nhưng cũng chỉ nên dạy vài môn cơ bản và có giám sát chặt chẽ từ nhà trường, giáo viên, phụ huynh.

Theo bà Hằng, hiện có 3 hình thức có thể áp dụng ôn luyện, dạy học. Các trường sẽ căn cứ tình hình cụ thể để lựa chọn phù hợp.
Trước hết, với mô hình dạy học trên truyền hình, là mô hình phủ sóng được rộng rãi nhất, với tuyệt đại đa số học sinh toàn quốc. Thế nhưng, mô hình này điển hình là đào tạo một chiều, sau mỗi tiết học không có sự trao đổi của giáo viên với từng học sinh. Mô hình dạy học trực tuyến hiệu quả nhưng phải trên một phần mềm tối ưu, giáo viên phải quan sát, kiểm soát được toàn bộ học sinh và học sinh phải đáp ứng đầy đủ trang thiết bị. Ở mô hình thứ ba, dùng kho dữ liệu có sẵn (ngân hàng bài giảng), học sinh có thể tham khảo bài giảng, bài ôn tập nhưng cũng sẽ là một chiều khi áp dụng.

Tham gia “hiến kế” cho mô hình lớp học trực tuyến, Hiệu trưởng trường THCS Chương Dương Nguyễn Thị Vân Hồng cung cấp: “Chọn múi giờ chuẩn chính là yếu tố dẫn tới thành công của lớp học. Ví dụ, khung giờ đó từ 17 giờ 30 đến 19 giờ 30 hàng ngày là hợp lý nhất. Khi ấy, phụ huynh đã kết thúc giờ làm việc, có thể kèm cặp các con trong mỗi bài giảng”. Ngoài ra, nhận định việc nghỉ học kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chương trình đào tạo, bà Hồng phân tích, nếu áp dụng dạy học theo chủ đề, có thể gộp 4, 5 tiết thành 2 thì sẽ giảm tải cho học sinh và giúp đảm bảo đủ nội dung đào tạo theo yêu cầu.

Theo đánh giá ban đầu, hiện các thầy, cô giáo dạy trên truyền hình nói hơi nhanh so với khả năng tiếp cận của học sinh tiểu học. Cô Nguyễn Thu Hà, trường Tiểu học Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân chia sẻ, khi giáo viên dạy trực tuyến thấy bất cập gì sẽ điều chỉnh được ngay, qua đó sẽ nâng cao chất lượng đào tạo.

Còn với việc dạy học trên truyền hình, khung giờ (buổi tối) phù hợp, học sinh có thể có bố mẹ kèm cùng. Tuy nhiên, không phải gia đình nào bố mẹ cũng tham gia được vào khung giờ đó. “Nhiều bố mẹ học sinh là bác sĩ, công nhân phải thường xuyên trực, tăng ca, do đó, khó tham gia kèm con vào các giờ học trên truyền hình” – cô Hà nói thêm.

Với tình thế hiện tại, theo chia sẻ của ông Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT, việc dạy học trên truyền hình hay trực tuyến là những giải pháp hữu ích. Tuy nhiên, sau khi học sinh trở lại lớp, vẫn phải đánh giá lại toàn bộ quá trình này để đưa ra phương án phù hợp trong đào tạo.

"Việc dạy học trực tuyến có phần thuận lợi hơn khi giáo viên thấy học sinh sai, cần uốn nắn chỗ nào hoặc những thắc mắc về bài giảng có thể xử lý ngay lập tức. Còn dạy học trên truyền hình, kết quả học tập liên quan khá nhiều đến tư chất học sinh.' - Cô giáo Đặng Thúy Nguyệt - trường Tiểu học Nguyễn Trãi, quận Hà Đông 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

‘Ma trận’ nấm linh chi giả, mối nguy hại cho người tiêu dùng

Nấm linh chi là một trong những vị thuốc quý, nên nhiều người dân chịu chi một số tiền không nhỏ để mua về sử dụng bởi công dụng tốt, bồi bổ sức khoẻ… Lợi dụng điều này, nhiều tiểu thương đã đánh tráo nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, gây mối nguy hại đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/day-hoc-truc-tuyen-tren-truyen-hinh-cho-hoc-sinh-tieu-hoc-ket-hop-nhieu-giai-phap-378677.html