Gấp rút chuẩn bị nguồn thực phẩm phục vụ Nhân dân Thủ đô dịp Tết

19/01/2022 07:37

Kinhte&Xahoi Chỉ còn khoảng hai tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thời điểm này, các đơn vị sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội đang gấp rút chuẩn bị sẵn sàng các nguồn hàng để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp trước, trong và sau Tết.

Dồi dào nguồn cung thực phẩm

Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường Hà Nội vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022, ngành Nông nghiệp Hà Nội yêu cầu các địa phương có giải pháp khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tăng tốc sản xuất; phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi...

Theo đó, ngay từ tháng 9/2021, gia đình ông Vũ Văn Thư tại thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã vào đàn gà, vịt mới để phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán.

Ông Thư cho biết: "Hiện gia đình tôi có 5 trại gà và vịt. Do số lượng chuồng nhiều nên phương thức chăn nuôi là luân phiên, cứ xuất chuồng hết đàn này, tôi lại khử trùng rồi vào đàn mới. Để chuẩn bị nguồn cung cho Tết, tôi đã vào đàn gà mới từ tháng 9 (với khoảng 1.500 con gà), vịt từ tháng 11 (với khoảng 2.000 con vịt). Thời điểm này, gia đình tôi đã ký hợp đồng xuất bán với các doanh nghiệp tiêu thụ trên địa bàn khoảng 50% tổng số đàn; Dự kiến lượng tiêu thụ sẽ tăng thêm trong những ngày tiếp theo", ông Thư chia sẻ.

Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai) đẩy mạnh chăn nuôi và sơ chế thịt lợn phục vụ thị trường

Hiện nay, các trang trại, hộ chăn nuôi lợn và bò cũng chuẩn bị sẵn sàng để đưa nguồn cung ra thị trường dịp cuối năm. Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai, Hà Nội) luôn duy trì 5.000 con lợn thịt. Đại diện Hợp tác xã cho biết, năm nay số lượng lợn xuất bán ra thị trường sẽ cao hơn năm 2021.

Ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai) thông tin. Hợp tác xã đang nuôi 500 lợn nái, 5.000 lợn thịt, trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường hơn 2 tấn thịt lợn và 5 tấn sản phẩm chế biến từ thịt lợn. Dự kiến trong tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, hợp tác xã có thể cung cấp 100-150 tấn thịt cho người tiêu dùng Thủ đô.

Không chỉ các đơn vị sản xuất, các doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm của Hà Nội cũng đang tập trung ký kết hợp đồng với hợp tác xã, trang trại để chuẩn bị nguồn cung cho thị trường cuối năm.

Theo ông Đào Quang Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín), lò giết mổ của công ty đang hoạt động với công suất 100 con/ngày, trung bình mỗi ngày cung cấp hơn 10 tấn thịt lợn cho thị trường và các tháng cuối năm có thể tăng thêm 20-30%.

Không lo thiếu rau xanh trong dịp Tết

 Những ngày này, nông dân trên địa bàn Hà Nội đang tập trung chăm sóc cây trồng, vật nuôi để bảo đảm đơn hàng cho nhà cung cấp. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) cho biết: Hiện hợp tác xã có 250 ha rau vụ đông trồng các loại rau như: Su hào, bắp cải, cà chua... đang sinh trưởng, phát triển tốt.

“Việc trồng và chăm sóc các loại rau, củ tại hợp tác xã khá thuận lợi. Theo đó, bà con thu hoạch đến đâu, sẽ trồng gối vụ đến đó, mỗi ngày đưa ra thị trường 30-50 tấn rau xanh các loại. Trong đó, 70% cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội, còn lại tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố.

Nông dân huyện Gia Lâm tập trung sản xuất rau vụ đông để cung cấpcho thị trường dịp cuối năm

Về năng lực sản xuất của Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường nhận định: Trong các tháng cuối năm, Hà Nội cơ bản có thể bảo đảm được nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô.

Cụ thể, sản lượng thu hoạch vụ mùa 2021 ước đạt khoảng 265.000 tấn gạo. Mỗi ngày, thành phố cung ứng được 1.400 - 1.500 tấn rau, củ các loại cho tiêu dùng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hướng dẫn các địa phương trồng thêm 1.000 ha chuối, bưởi, ổi... (diện tích đang có là 12.347ha).

Đồng thời, Hà Nội sẽ duy trì, phát triển tổng đàn vật nuôi trâu, bò 27.000 con; Lợn 1,6 triệu con trở lên; Gia cầm 40 triệu con, phát triển thêm 600ha nuôi trồng thủy sản (lên 24.000 ha). Nhìn chung, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cơ bản được kiểm soát, nên chưa có thiệt hại lớn trong quá trình sản xuất.

Theo Cục Chăn nuôi, riêng tháng Tết, nhu cầu thịt gà cần khoảng 110.000 tấn, thịt lợn cần khoảng 270.000 tấn, còn thịt bò là 30.000 tấn. Hiện tổng đàn gia cầm của cả nước đạt trên 510 triệu con, tăng khoảng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng đàn lợn cả nước đạt khoảng 28 triệu con; Đàn trâu, bò giữ ổn định ở mức trên 8,6 triệu con.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi sẽ là yếu tố quan trọng nhằm ổn định nguồn cung các sản phẩm chăn nuôi cuối năm.

 Khắc Nam- TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quảng Ninh: Xác minh, làm rõ việc siêu thị Lan Chi Mart bị “tố” bán hàng kém chất lượng

Sau khi nhận được thông tin phản ánh từ các đơn vị báo chí về việc siêu thị Lan Chi Mart Quảng Yên và Lan Chi Mart Đông Triều xuất hiện một số lượng lớn hàng hóa có dấu hiệu giả, nhái, không rõ nguồn gốc, thực phẩm hết hạn sử dụng vẫn được bày bán và tiêu thụ… Cục Quản lí thị trường tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành xác minh, làm rõ.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/gap-rut-chuan-bi-nguon-thuc-pham-phuc-vu-nhan-dan-thu-do-dip-tet-188273.html