Hà Nội nỗ lực hoàn thành mục tiêu đưa 8 huyện lên quận

15/07/2021 09:33

Kinhte&Xahoi Hà Nội đang nỗ lực tháo gỡ "nút thắt" về nguồn lực, giải quyết các cơ chế vướng mắc về đất đai, quy hoạch, hạ tầng… để phát triển 5 huyện (Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng) thành quận trong giai đoạn 2021-2025, tạo nền tảng để tiếp tục hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 đưa 3 huyện (Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh) lên quận.

Yêu cầu tất yếu cho sự phát triển

Tiếp nối thành công của Chương trình số 02-CTr/TU về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020", Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025". Chương trình này với nhiều nét mới hướng tới mục tiêu phát triển mạnh mẽ hơn nữa "tam nông" - nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến làm việc với huyện Hoài Đức, ngày 25/2/2021. (Ảnh: Phạm Hùng)

Đáng chú ý, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình số 04 là xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển đô thị, nhất là 5 huyện (Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng) lên quận giai đoạn 2021-2025 và 3 huyện (Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh) lên quận vào giai đoạn 2026-2030.

Ngày 10/10/1954, thủ đô Hà Nội được hoàn toàn giải phóng. Ngày 4/11/1954, Hà Nội thành lập ủy ban hành chính các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Ngày 28/10/1995, Hà Nội thành lập quận Tây Hồ. Ngày 29/11/1996, thành lập các quận Thanh Xuân, quận Cầu Giấy. Ngày 6/11/2003, thành lập các quận Long Biên, Hoàng Mai.

Ngày 8/5/2009, quận Hà Đông được thành lập trên cơ sở thành phố Hà Đông (thuộc tỉnh Hà Tây cũ). Ngày 27/12/2013, huyện Từ Liêm được tách thành hai quận là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.

Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành phố trực thuộc Trung ương phải có tỷ lệ quận trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện đạt từ 60% trở lên. Nghĩa là Hà Nội phải có từ 18 quận trở lên. Thế nhưng hiện nay, Hà Nội mới chỉ có 12 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ và Thanh Xuân), một thị xã và 17 huyện, đạt 43% đơn vị hành chính đô thị.

Tháng 9/2018, thành phố Hà Nội ban hành đề án phát triển huyện Hoài Đức lên quận vào năm 2020, tuy nhiên do chưa đạt các tiêu chí nên phải lùi thời gian đến cuối năm 2021 hoặc 2022. Bốn huyện còn lại (Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng) được Thành phố phê duyệt đề án đầu tư để lên quận trong giai đoạn 2021-2025.

Tháng 4/2021, Thành ủy Hà Nội cũng đã có Quyết định số 949-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của Hà Nội, trong đó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố làm Trưởng Ban chỉ đạo. Ủy ban nhân dân các huyện cũng đã chủ động, cùng với sự phối hợp, hướng dẫn của các sở, ngành để thực hiện một số nội dung liên quan đến các tiêu chí lên quận.

Huyện Thanh Trì phấn đang gấp rút triển khai những tiêu chí còn thiếu để từng bước lên quận. (Ảnh: Hữu Duyên)

Nếu theo đúng kế hoạch, đến 2025, khi có thêm 5 quận mới, thì Hà Nội cũng chưa đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do vậy, việc tiếp tục đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa 3 huyện (Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh) lên quận là yêu cầu tất yếu trong hành trình phát triển của Thủ đô Hà Nội.

Đã bố trí trên 10.690 tỷ đồng đầu tư các dự án

Đối với 5 huyện phát triển thành quận trong giai đoạn 2021-2025, theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, trong giai đoạn 2016-2020 đã bố trí hơn 10.600 tỷ đồng để đầu tư các dự án cấp Thành phố trên địa bàn 5 huyện (không tính các dự án giao thông đi qua trên 2 địa bàn).

Về chính sách và bố trí vốn đầu tư, Thành phố đã phê duyệt đầu tư 6 tuyến đường nhiệm vụ chi cấp Thành phố cho huyện Hoài Đức; đã giao cho huyện Thanh Trì làm chủ đầu tư đối với 5 dự án nhiệm vụ chi ngân sách cấp Thành phố; giao cho huyện Đan Phượng làm chủ đầu tư đối với 6 dự án nhiệm vụ chi ngân sách cấp Thành phố; giao huyện Đông Anh làm chủ đầu tư và đầu tư bằng ngân sách của huyện 4 dự án. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết nghị cơ chế nguồn vốn đầu tư và cơ chế thu hồi hoàn trả ngân sách Thành phố tương ứng số kinh phí đã bố trí cho 12 dự án hạ tầng khung huyện Gia Lâm.

Theo các Đề án đã ban hành, để xây dựng huyện thành quận, có 27 tiêu chuẩn đạt quận, trong đó có 6 tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế xã hội; 21 tiêu chuẩn về trình độ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị (gồm 8 nhóm các tiêu chuẩn về hệ thống công trình hạ tầng xã hội, 4 nhóm các tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật đô thị, 05 nhóm các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường, 4 nhóm các tiêu chuẩn về kiến trúc cảnh quan đô thị).

Tại huyện Hoài Đức, theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nguyễn Hoàng Trường, đến nay, thực hiện đề án phát triển lên quận, huyện đã tập trung làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch để triển khai một số dự án hạ tầng khung như: Xây dựng 8 tuyến đường giao thông khung với chiều dài 40,52km; xây dựng 9 tuyến đường trục chính, đường bao các khu dân cư với chiều dài 16km; xây dựng mới 18 trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp 16 trạm y tế, xây dựng mới 15 bãi trung chuyển rác thải. 100% số xã, thị trấn có hệ thống cung cấp nước sạch, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 90%... Hiện đã đạt 22/27 tiêu chí để trở thành quận.

Cầu Đông Trù kết nối huyện Đông Anh với Trung tâm Hà Nội. (Ảnh: NC)

Đối với huyện Đông Anh, tháng 11/2020, Bộ tiêu chí hợp nhất xây dựng huyện thành quận, huyện Nông thôn mới nâng cao đã được triển khai, áp dụng trên toàn địa bàn gồm 10 nhóm chỉ tiêu với 32 chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, đã hoàn thành 18/32 chỉ tiêu, chưa hoàn thành 14/32 chỉ tiêu. Huyện thống nhất triển khai thực hiện trên địa bàn ngay từ năm 2021 đối với 7/14 tiêu chí chưa đạt để dần hoàn thành các chỉ tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong khi đó, huyện Gia Lâm cũng đã đạt 24/27 tiêu chí, còn 03 tiêu chí chưa đạt, gồm: Cân đối thu ngân sách, cơ sở y tế cấp đô thị, mật độ đường giao thông đô thị.

Còn đối với huyện Thanh Trì, theo định hướng quy hoạch là khu vực phát triển đô thị phía Nam Thủ đô. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nguyễn Tiến Cường cho hay, Thanh Trì đã đạt 24/27 tiêu chí xây dựng huyện thành quận, còn 3 tiêu chí chưa đạt là cân đối thu chi ngân sách, mật độ đường giao thông đô thị và đất cây xanh công cộng. Để hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng huyện lên quận vào năm 2023, huyện Thanh Trì phấn đấu tốc độ tăng thu ngân sách huyện bình quân 12%-14% và đến năm 2023, tỷ lệ cân đối thu chi ngân sách của huyện đạt 99,8%, cơ bản đáp ứng tiêu chí của quận.

Xây dựng rõ lộ trình, giải pháp thực hiện

Qua đánh giá chung có thể thấy cả 5 huyện đều có từ 3 đến 6 tiêu chí chưa đạt. Đáng chú ý, cả 5 huyện đều chưa đạt 2 tiêu chí quan trọng là cân đối thu, chi ngân sách và mật độ đường giao thông đô thị. Do vậy, trong các buổi làm việc của lãnh đạo thành phố Hà Nội với các huyện này, bàn về mục tiêu, định hướng phát triển, lãnh đạo các huyện đều kiến nghị Thành phố có cơ chế, chính sách "đặc thù", để tạo điều kiện cho huyện sớm hoàn thành mục tiêu phát triển lên quận.

Cụ thể như đề xuất điều chỉnh tỷ lệ phân cấp nguồn thu và tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa cấp Thành phố với cấp huyện, cấp xã theo hướng tăng cường phân cấp cho cấp huyện, cấp xã nhằm sớm hoàn thiện tiêu chí cân đối thu chi và tạo nguồn đầu tư xây dựng các dự án. Các huyện cũng kiến nghị Thành phố sớm ban hành phân cấp quản lý một số lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn Thành phố, trong đó có cơ chế đặc thù đối với các huyện đang triển khai xây dựng thành quận nhằm tạo điều kiện, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án…

Huyện Thanh Oai đặt mục tiêu lên quận vào năm 2028. (Ảnh: Hồng Quang)

Bên cạnh đó, cả 5 huyện đều đề xuất Thành phố sớm triển khai thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các tuyến đường trục chính, tuyến đường hạ tầng khung tạo tiền đề thu hút, xúc tiến đầu tư và đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, sớm hoàn thành các tiêu chí còn chưa đạt.

Theo tính toán của Sở Tài chính Hà Nội, nếu phân cấp cho 5 huyện toàn bộ nguồn thu thì chỉ có huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm bảo đảm cân đối thu - chi, còn lại tỷ lệ thu chi của huyện Thanh Trì đạt 75%, huyện Hoài Đức 47% và huyện Đan Phượng đạt 27%. Đối với tiêu chí về mật độ giao thông, cần xem xét đến thu hút nguồn lực ngoài ngân sách.

Theo nhận định của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, đến thời điểm hiện nay, để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành các tiêu chí để 5 huyện thành lập quận còn nhiều khó khăn, thách thức. Đối với tiêu chí "Mật độ đường giao thông đô thị", kết quả tính đến 31/01/2021, một số huyện có mật độ đường giao thông đô thị thấp và nhu cầu phải có thêm số km đường là huyện Đông Anh, Đan Phượng. Do vậy, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các huyện cần bám sát theo Đề án đã được duyệt, tiến hành rà soát lại, từ đó xây dựng rõ lộ trình, giải pháp thực hiện để đạt được các tiêu chí còn chưa đạt hiện nay.

Huyện mạnh hơn sẽ về đích sớm hơn

Trong cuộc họp gần đây nhất để thúc đẩy 5 huyện phát triển lên quận giai đoạn 2021-2025, bà Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, việc xây dựng 5 huyện thành quận không chỉ là nhiệm vụ của các huyện, của Ban Chỉ đạo, mà là trách nhiệm của Ban Thường vụ Thành ủy.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận, ngày 1/6/2021. (Ảnh: Lê Hải)

Từ đó, bà Nguyễn Thị Tuyến đề nghị Thành phố nên ban hành 1 nghị quyết riêng dành cho 5 huyện để có những cơ chế chính sách đặc thù tháo gỡ nút thắt về nguồn lực, giải quyết một loạt các cơ chế vướng mắc về đất đai, quy hoạch, hạ tầng, chuẩn bị đội ngũ cán bộ. "Trong quá trình thực hiện phải có lộ trình cụ thể và ưu tiên cho từng huyện, không thể xếp hàng ngang, huyện mạnh hơn sẽ về đích sớm hơn", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng khẳng định, phát triển 5 huyện lên quận là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của Thành phố trong giai đoạn 2021-2025.

"Điều này đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố và Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025". Các huyện phải xác định quyết tâm và trách nhiệm cao hơn trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này", ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan và các huyện trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố tháo gỡ khó khăn cho các huyện để thực hiện mục tiêu 5 huyện lên quận đối với các tiêu chí đã có.

 Hoàng Phúc - LĐTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021 – 2025 nhằm đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử, kinh tế số và kinh tế chia sẻ; khuyến khích kinh doanh, tiêu dùng bền vững.

link bài gốc https://laodongthudo.vn/ha-noi-no-luc-hoan-thanh-muc-tieu-dua-8-huyen-len-quan-126236.html?fbclid=IwAR0tVxoZVEhSkVaFZ3Po6876SCrr2-SAcFYLjrCWzvLgH3WxDxq-12V1wfQ