Hàng bún, phở "kín khách" mở hàng sau Tết

28/01/2023 16:48

Kinhte&Xahoi Trong ngày mồng 6 - 7 Tết Quý Mão, hầu hết các quán bún, phở tại Hà Nội đã mở cửa và thu hút rất đông thực khách.

Nhiều cửa hàng phụ thu 20%

 Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, các món đặc trưng ngày Tết như giò chả, thịt gà, bánh chưng, nem rán... khiến nhiều người cảm thấy “ngấy” nên những quán phở, bún thu hút rất đông thực khách đến thưởng thức.

Không chỉ những quán phở, bún nổi tiếng lâu năm mà kể cả những quán hàng nhỏ chỉ cần thấy biển hiệu bún riêu, bún ốc hay bánh đa cua, bún móng, phở bò đều "kín khách".

Các cửa hàng bún, phở thu hút rất đông thực khách

Chị Thu Hà (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết "Gia đình tôi năm nay về quê ăn Tết và vừa trở lại Hà Nội vào mồng 5 Tết để chuẩn bị đi làm lại. Mấy ngày Tết ở quê, ăn bánh chưng, thịt gà luộc, giò... đã quá "ngấy" nên cả gia đình lựa chọn một quán bún ốc riêu cua để thưởng thức trong buổi sáng mùng 6 Tết. Vị chua chua, mùi thơm của nước dùng hòa quyện với vị giòn giòn của ốc ăn rất vào miệng, xoá tan sự "ngấy" của các món ăn ngày Tết".

Mức giá của các loại bún, phở quà vắt có đắt hơn ngày thường khoảng 10-20% nhưng nhưng mọi người đều vui vẻ từ người bán đến người mua.

Một số chủ quán cho biết, phần lớn thực phẩm dùng chế biến như ốc, cua, móng giò... đều được tính toán và chuẩn bị từ trước Tết. Tuy nhiên, giá nguyên liệu ở thời điểm đó cũng đã cao rồi.

Thực khách phải chờ đợi để tìm một bàn trống

Cộng với các loại rau xanh ăn kèm như hành, tía tô, xà lách... giá cũng tăng cao hơn ngày thường nên mức giá bát bún có tăng đôi chút nhưng không quá cao. Chưa kể, chi phí thuê nhân viên làm thêm dịp Tết cũng tăng khoảng 20%.

Để không mang tiếng "chặt chém" khách hàng dịp đầu năm, đa phần các quán đã treo biển hiểu mức giá cả ngày Tết "nhỉnh" hơn rõ ràng, hoặc thông báo phụ thu thêm 10 - 20 %.

Giữa những bữa cỗ Tết với đủ thịt gà, giò nem, bánh chưng thì những món ăn này lại khiến người ta thèm và săn lùng tìm kiếm hơn bao giờ hết, do đó nếu mức giá được niêm yết rõ ràng có đắt hơn ngày thường 10.000 - 15.000 đồng/bát các thực khách cũng hoàn toàn thông cảm.

Thời điểm mồng 6 - 7 Tết, lượng người về quê nghỉ Tết trở lại Thủ đô làm việc đông, nhiều quán hàng ăn vặt rơi vào cảnh "quá tải", thực khách phải chờ đợi mới có bàn trống, chen chúc từ bàn ăn đến chỗ gửi xe.

Bát miến lươn có mức giá 70.000 đồng/bát chỉ lèo tèo ít miến và 4 miếng lươn khô bị thực khách tố "chặt chém"

Nhiều quán hàng bị khách hàng tố cáo vì bán giá cao nhưng thực phẩm lèo tèo không tương xứng với mức giá. Những quán bún riêu ốc sườn sụn có cả bò, giò, đậu, miến lươn có giá 70.000 đồng/bát trên khu vực phố cổ Hà Nội bị rất nhiều người phản ánh.

Thực khách chú ý vẫn đề an toàn thực phẩm

Thực phẩm những ngày Tết được tiêu thụ với số lượng lớn nhất trong năm. Đây cũng là thời điểm nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, hàng nhái, hàng giả được trà trộn đưa vào thị trường.

Cùng với đó, mỗi khi Tết đến xuân về, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng mạnh, các tổ chức, cá nhân phi pháp lợi dụng việc này để đưa vào thị trường những sản phẩm không bảo đảm chất lượng như dùng các chất phụ gia không được phép, đường hóa học, các loại bột không rõ nguồn gốc xuất xứ để sản xuất; Hoặc nhập khẩu, đưa vào tiêu thụ những loại hàng hóa chưa được kiểm định chất lượng.

Nhiều quán hàng được mở "thời vụ" kịp bán dịp Tết không có khu vực bếp đảm bảo an toàn thực phẩm

Do đó, dịp đầu năm tìm các cửa hàng ăn vặt, các thực khách cũng nên lưu ý đến vấn đề an toàn thực phẩm. Ngoài các cửa hàng đảm bảo an toàn thực phẩm, không ít hàng quán "thời vụ" được mở ra bán tranh thủ dịp Tết.

Không khó để thấy khu vực “hậu cần” những quán ăn "thời vụ" này với la liệt chén đĩa, muỗng, đũa nằm chung trong những thau nước nổi đầy dầu mỡ và được rửa sơ sài. Người mua đôi khi nhìn thấy cách rửa chén đĩa này cũng ái ngại, nhưng vì sự tiện lợi, giá thành rẻ mà nhắm mắt làm ngơ.

Không những thế, có hàng quán nằm gần điểm tập kết rác; có quán nằm ở khu vực đầy bụi, ngay gần cống rác thải…Một số quán ăn vỉa hè không đáp ứng khu vực vệ sinh, rửa dọn chén đĩa, dụng cụ cũ kỹ, đầu bếp không mang bao tay trong quá trình chế biến món ăn, thực phẩm được bảo quản sơ sài, thùng đựng rác chưa có nắp đậy.

Thực khách của các hàng quán này hầu hết là đối tượng thanh niên, học sinh, người dân lao động... Điểm chung ở họ đều là những người khá dễ tính và xuề xoà trong chuyện ăn uống, chỉ quan tâm đến sự tiện lợi, hợp khẩu vị, còn vấn đề sạch sẽ, an toàn thực phẩm thường không quan tâm.

Việc giám sát, kiểm tra của lực lượng chức năng trong dịp Tết rất khó khăn, vì các hàng quán này chỉ kinh doanh vào một vài thời điểm trong ngày, thậm chí có hàng quán chỉ bán vài ngày trong dịp Tết lại nghỉ, có hàng quán nay bán chỗ này, mai lại chuyển bán chỗ khác.

Do đó, các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân, hãy là người tiêu dùng thông thái, lựa chọn những cửa hàng có niêm yết mức giá cụ thể, có đầy đủ giấy tờ đảm bảo an toàn thực phẩm; không sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc hỏng.

Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội đảm bảo an toàn thực phẩm dịp lễ hội Xuân

Hằng năm, sau Tết Nguyên đán, nhiều địa phương trên cả nước đều tổ chức lễ hội. Để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) Lễ hội Xuân 2023, Hà Nội đã chủ động triển khai, kiểm tra, giám sát trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và du khách.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/hang-bun-pho-kin-khach-mo-hang-sau-tet-216285.html