Hậu họa tin giả thời “sốt đất”

02/03/2021 15:47

Kinhte&Xahoi Cuộc sốt đất “điên cuồng” tại khu vực quanh sân bay Técníc đã nhanh chóng xẹp xuống như bong bóng xì hơi chỉ ít ngày sau khi nó xảy ra, nhưng để lại cho giới truyền thông cũng như chính quyền địa phương nhiều bài học phải suy ngẫm.

"Cò" đất dẫn khách tới khu vực dự kiến làm sân bay ở huyện Hớn Quản.

Técníc (đúng danh từ trong văn bản do Văn phòng Chính phủ phát đi) là một sân bay do thực dân Pháp lập ra để phục vụ các đồn điền cao su thời xưa, nay chỉ còn vài đoạn đường băng nham nhở, gần như bị bỏ hoang gần thế kỷ nay ở huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước; hiện do quân đội quản lý.

Sự việc khởi nguồn từ việc ngày 14/1/2021, tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Phước, một trong số các ý kiến Bình Phước đưa ra là kiến nghị Thủ tướng, Bộ Quốc phòng, Giao thông vận tải “giao sân bay Técníc Hớn Quản khoảng hơn 100 ha cho Bình Phước. Tỉnh sẽ mở rộng 400 - 500 ha để thực hiện sân bay lưỡng dụng theo hình thức đối tác công tư PPP”.

Theo Thông báo số 20/TB-VPCP do Văn phòng Chính phủ phát hành ngày 26/1/2021, trước kiến nghị trên của Bình Phước, Thủ tướng đã có ý kiến rõ ràng: “Về việc xây dựng sân bay Técníc Hớn Quản thành sân bay lưỡng dụng theo hình thức PPP: Bộ GTVT chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng, các Bộ, ngành liên quan xem xét kiến nghị của tỉnh để nghiên cứu trong quá trình lập Quy hoạch hệ thống cảng hàng không theo quy định của Luật Quy hoạch”.

Thông tin chỉ đạo từ người đứng đầu Chính phủ rất rõ ràng như thế. Đề xuất của Bình Phước cũng giống như của Cao Bằng, Ninh Bình, Bắc Giang, Ninh Thuận, Hà Tĩnh… trước đó, muốn có sân bay tại địa phương. Đề xuất này có được chấp nhận hay không, còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quy hoạch ra sao, các Bộ, ngành có ý kiến thế nào, có phù hợp thực tế hay không. Đề xuất nếu không thực tế, có thể mãi mãi chỉ là đề xuất.

Thế nhưng ý kiến chỉ đạo của Chính phủ đã bị một website của Bình Phước phản ánh không chính xác. Cuộc làm việc ngày 14/1 được ghi lại là “để nghe, giải quyết các kiến nghị, đề xuất chủ trương đầu tư của tỉnh đối với các dự án giao thông kết nối, mở rộng, thành lập thêm các khu công nghiệp để đón làn sóng đầu tư mới”.

Chỉ đạo của Thủ tướng “xem xét kiến nghị của tỉnh để nghiên cứu trong quá trình lập Quy hoạch hệ thống cảng hàng không” được trang mạng này phản ánh sai lệch là “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với kiến nghị của tỉnh là giao sân bay Técníc Hớn Quản cho Bình Phước để mở rộng 400 - 500 ha để thực hiện sân bay lưỡng dụng theo hình thức đối tác công tư PPP”.

Cùng với thông tin sai lệch đó, trang mạng này đồng thời phản ánh sáng 19/2, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành; Huyện ủy, UBND huyện Hớn Quản “đã đi khảo sát vị trí để lập dự án xây dựng sân bay lưỡng dụng”, “Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan nghiên cứu và cùng với đơn vị tư vấn lập quy hoạch một sân bay”, “đề nghị các sở, ngành, đơn vị nhanh chóng thực hiện những phần việc được giao. Ngay trong tháng 3/2021 có kết quả báo cáo Thường trực Tỉnh ủy”…    

Những thông tin sai lệch này được đưa ra đúng thời điểm đội ngũ “cò” chuyên "thổi giá" đất tại Bình Dương, TP HCM… đang “đói” việc, cũng đúng thời điểm ảnh hưởng dịch bệnh Covi-19, nhiều người dân có tiền nhàn rỗi không biết đổ vào đâu. Vậy là giá đất nông nghiệp tại Hớn Quản, huyện thuần nông hiện chỉ có 212 doanh nghiệp, có xã có tới hơn 62% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số… bị “thổi giá” kinh hoàng, gấp tới 20 lần so với thực tế trước đó. Đội ngũ “cò” ào tới làm giá, sang tay nhau kiếm một mớ và nhanh chóng rút đi, có thể đã bỏ lại không ít “nhà đầu tư” cả tin ôm trái đắng ở khu vực vùng sâu, vùng xa này.

Chưa rõ sự việc thông tin sai lệch như trên là vô tình hay hữu ý, nhưng hậu quả xảy ra đã là thật. Nếu đây là những thông tin sai lệch được phản ánh cố ý, thì Chính phủ và Bình Phước cần xử lý nghiêm, không để tái diễn tình trạng bóp méo chỉ đạo điều hành của lãnh đạo để trục lợi, gây lộn xộn bất ổn xã hội như thế.

 Minh Khang - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Xăng dầu tăng giá: Người dân, doanh nghiệp thêm nỗi lo

Trong bối cảnh nhiều ngành nghề, đối tượng vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, thì việc cơ quan quản lý Nhà nước điều chỉnh tăng giá xăng dầu gây ảnh hưởng không nhỏ, khiến người lao động, DN đã khó nay còn khó hơn.

Chỉ số giá tiêu dùng cả nước tăng 1,52%

Ngày 28-2, Theo Tổng cục Thống kê, việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam kết thúc chương trình hỗ trợ giảm giá điện cho khách hàng; giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 1,52% so với tháng trước, mức tăng cao nhất của tháng 2 trong 8 năm gần đây và tăng 1,58% so với tháng 12-2020.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/hau-hoa-tin-gia-thoi-sot-dat-d149903.html