Hỗ trợ doanh nghiệp ngành vận tải vượt khó

04/06/2020 16:31

Kinhte&Xahoi Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 hoạt động vận tải hành khách đường bộ đã gặp phải không ít khó khăn. Bộ Giao thông Vận tải dự kiến phải từ 1 đến 2 tháng nữa, các hoạt động kinh doanh của các DN này mới trở lại bình thường.

Một số DN vận tải mong muốn có thêm những hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn vượt qua giai đoạn khó khăn. Ảnh: N.Đăng

Từ thời điểm xảy ra dịch Covid-19, vận tải khách bị ảnh hưởng trực tiếp, sản lượng vận chuyển khách, doanh thu giảm đến 75% so với cùng kỳ năm 2019. Cùng đó, số lượng phương tiện hoạt động vận chuyển hàng hóa cũng giảm từ 30-40% so với trước khi xảy ra dịch. Tuy nhiên, sản lượng vận tải hàng hóa chỉ giảm 4% so với cùng kỳ tháng 3-2019.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, các đơn vị vận tải đường bộ rất phấn khởi khi Chính phủ có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 như giãn nợ ngân hàng, giảm lãi suất, cho vay lãi suất 0% để trả lương, giãn thuế, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội... Tuy nhiên, Hiệp hội vẫn nhận được rất nhiều ý kiến của các DN cho rằng, những giải pháp hỗ trợ đó chỉ có thể giúp tháo gỡ khó khăn cho DN ở lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng như bị giảm doanh thu từ khoảng 50% trở xuống do dịch bệnh. Về vay vốn và nợ ngân hàng, ông Nguyễn Văn Quyền nhìn nhận, hiện nay lãi suất ngân hàng đang áp dụng cho các DN vận tải vẫn ở mức cao. Thời gian qua, mặc dù các ngân hàng đã giảm lãi suất, nhưng số giảm vẫn rất ít và chưa hỗ trợ thực sự cho DN.

Đối với DN hành vận tải, taxi mặc dù từ đầu tháng 5 đến nay đã được nới lỏng về giãn cách xã hội, song lượng khách tham gia rất hạn chế, doanh thu rất thấp. Do đó, Hiệp hội đề xuất giảm mức phí sử dụng đường bộ thu trên đầu phương tiện. Vận tải hành khách, taxi, trong tháng 3 và tháng 5 đề nghị giảm 70%, tháng 4 giảm 100%. Đối với vận tải hàng hóa, đề nghị giảm 50% chung cho các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa trong các tháng 3, 4 và 5. Đối với nhóm xe tải nhỏ, xe tải lớn, xe đầu kéo sơmi rơmooc mức giảm 50% chung cho các tháng 3, 4 và 5. Một số DN vận tải đường bộ khác cho rằng giải pháp thiết thực nhất để hỗ trợ các DN vận tải lúc này là tạo điều kiện để DN tiếp tục ổn định sản xuất kinh doanh, giúp hạn chế việc mất việc làm của người lao động trong các DN.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), hiện nay các DN nói chung và DN vận tải nói riêng khó tiếp cận các nguồn vốn vay ngân hàng với lãi suất thấp; chỉ những DN có khả năng thanh toán và thu hồi được vốn thì mới có triển vọng thực thi được chính sách tiền tệ. Do vậy, ông Long đề xuất: “Ngoài những chính sách của Nhà nước về thuế như: Miễn, giãn thuế, chính sách tiền tệ là giảm lãi suất cho vay thì Chính phủ nên xem xét một số loại thuế, phí cho ngành vận tải vì đây là một ngành mạch máu rất quan trọng và có sự tác động rất lớn đến nhiều lĩnh vực khác”.

Đại diện một số DN vận tải đánh giá, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ cho DN nói chung và DN vận tải nói riêng. Tuy nhiên, để sự hỗ trợ này đến tận tay DN, người lao động, các cơ quan liên quan cần sớm có những văn bản hướng dẫn cụ thể tới từng địa phương, từng DN; giảm bớt những thủ tục quy định không cần thiết. Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách giảm chi phí, tăng doanh thu và lợi nhuận để từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh, Bộ GTVT vừa có văn bản đề xuất Bộ Tài chính về miễn, giảm phí bảo trì đường bộ cho những đơn vị có phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô được Sở Giao thông Vận tải các địa phương cấp phù hiệu, biển hiệu theo quy định.

Đại diện lãnh đạo Bộ GTVT chia sẻ, để tiếp tục hỗ trợ các DN ngành giao thông, trong thời gian tới, Bộ sẽ rà soát cắt giảm thủ tục hành chính, tập trung tái cấu trúc nghiệp vụ các thủ tục hành chính cấp độ 3, 4 tích hợp với Cổng dịch vụ công Quốc gia theo hướng cắt giảm mạnh chi phí và tạo thuận lợi cho người dân, DN. Bộ cũng đẩy mạnh đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kích hoạt tín dụng tiêu dùng hậu Covid-19

Kích cầu thị trường nội địa thông qua thúc đẩy tiêu dùng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên trong giai đoạn khởi động lại nền kinh tế hiện nay.

Link bài gốc https://phapluatxahoi.vn/ho-tro-doanh-nghiep-nganh-van-tai-vuot-kho-195886.html