Khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai tiềm ẩn phức tạp

24/11/2021 07:29

Kinhte&Xahoi Tình hình được ghi nhận qua công tác theo dõi của Ban Dân nguyện, nhất là sau khi tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát và các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng ở một số địa phương.

Việc tiếp nhận, xử lý đơn thư ngày càng đi vào nề nếp

Trình bày báo cáo tại phiên họp của UBTV QH xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 9, tháng 10 của QH chiều 23/11, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc UBTV QH Dương Thanh Bình cho biết, về kiến nghị cử tri tiếp xúc sau Kỳ họp thứ Nhất, trong tháng 9, qua báo cáo của 37 Đoàn đại biểu QH các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về kết quả tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ Nhất, QH khóa XV, Ban Dân nguyện tổng hợp được 536 kiến nghị của cử tri và đã chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Đến nay, đã có 306/536 kiến nghị cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ Nhất, QH khóa XV được giải quyết, trả lời đạt tỷ lệ 57,1%, số kiến nghị còn lại đang được các cơ quan xem xét, giải quyết, trả lời cử tri theo quy định.

Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày báo cáo tại phiên họp.

Về kiến nghị cử tri tiếp xúc trước Kỳ họp thứ Hai, trong tháng 10, qua báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 2 của 63 Đoàn đại biểu QH các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, Ban Dân nguyện tổng hợp được 1.707 kiến nghị của cử tri và đã kịp thời chuyển các kiến nghị trên đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Qua công tác theo dõi, nắm tình hình, Ban Dân nguyện nhận thấy tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội tuy thời gian gần đây có chiều hướng giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp và tạo thành điểm nóng sau khi tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát và các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng ở một số địa phương.

Tình hình khiếu kiện của người dân liên quan đến lĩnh vực môi trường, nhất là các khu vực, địa điểm xử lý rác thải, khu vực chăn nuôi có quy mô lớn của doanh nghiệp, hộ gia đình… diễn ra ở nhiều địa phương và tính chất, mức độ ngày càng phức tạp, gây bất ổn tình hình an ninh trật tự, đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân trong khu vực cần có giải pháp căn cơ, phù hợp, đồng bộ và kịp thời trong thời gian tới.

Về kết quả tiếp nhận, xử lý đơn thư của các cơ quan của QH, trong kỳ báo cáo, các cơ quan của QH, Ban công tác đại biểu và Ban Dân nguyện nhận được 2.578 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân chuyển đến; trong đó có 624 đơn thư đủ điều kiện xử lý, 1.166 đơn không đủ điều kiện xử lý.

Đánh giá chung, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình khẳng định, dù trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, không bố trí được việc tiếp công dân trực tiếp để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân nhưng nhiều Đoàn đại biểu QH đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo có biện pháp phù hợp, ưu tiên hình thức nhận đơn thư, phản ánh kiến nghị nên việc tiếp nhận, xử lý đơn thư được duy trì và thực hiện nghiêm túc, ngày càng đi vào nề nếp.

Đơn thư công dân gửi đến được xử lý kịp thời, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Công tác theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm, có sự chuyển biến tích cực, đảm bảo chất lượng hiệu quả, đã góp phần thúc đẩy và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài.

Thống kê, kiểm đếm các vụ việc phức tạp

Thời gian tới, Trưởng Ban Dân nguyện kiến nghị UBTV QH tiếp tục chỉ đạo các cơ quan của QH, các Đoàn đại biểu QH tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc nổi cộm, tồn đọng, phức tạp, kéo dài cả về lĩnh vực hành chính và tư pháp để phối hợp, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền có giải pháp giải quyết dứt điểm vụ việc.

Đề nghị các Đoàn đại biểu QH cần phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền giải quyết ở địa phương trong việc giải quyết các vụ việc phức tạp liên quan đến lĩnh vực môi trường, việc thực hiện thu hồi, đền bù, giải phóng mặt mặt bằng đối với dự án điện gió còn vướng mắc để cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương có giải pháp giải quyết dứt điểm vụ việc, không để phát sinh thành điểm nóng phức tạp về an ninh, trật tự xã hội.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cơ bản tán thành báo cáo công tác dân nguyện tháng 9, tháng 10.

Nhất trí với các kiến nghị của Ban Dân nguyện, Chủ tịch QH đề nghị cần rút kinh nghiệm trong công tác dân nguyện; rà soát lại quy chế làm việc, phân công, lựa chọn các vụ việc có tính chất phức tạp, đại diện để tập trung giải quyết.

Cùng với đó, Chủ tịch QH đề nghị chú ý cách thức phân loại đơn thư, quản lý, theo dõi việc giải quyết đơn thư đã chuyển lên các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

Về giải quyết khiếu nại, tố cáo và kết quả tiếp công dân, Chủ tịch QH đề nghị Ban Dân nguyện tham mưu, làm việc với các đoàn giám sát, nhất là đoàn giám sát tối cao về giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp công dân, thống kê, kiểm đếm các vụ việc của Trung ương, các tỉnh, TP và các bộ ngành, nhất là các vụ việc về đất đai, môi trường và các vấn đề phức tạp khác; lập danh mục, phân loại các vụ việc này và cần có kết quả giải quyết các vụ việc, nêu rõ trách nhiệm giải quyết.

 Minh Khôi - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cuối năm, không để thiếu hàng, sốt giá

Nhằm bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán sắp tới, ngành Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp đang tăng cường dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, không để xảy ra khan hàng, tăng giá đột biến.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/khieu-nai-to-cao-lien-quan-den-dat-dai-tiem-an-phuc-tap-d171313.html