Mua bán tài khoản ngân hàng có thể bị phạt tù tới 7 năm

19/06/2023 15:10

Kinhte&Xahoi Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo, việc mua bán tài khoản ngân hàng là hành vi tiếp tay cho tội phạm đặc biệt nguy hiểm.

Trước tình trạng thời gian gần đây, trên mạng xã hội đăng nội dung về việc thu mua, thuê mượn thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân hoặc tài khoản ngân hàng, Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo, việc mua bán tài khoản ngân hàng là hành vi tiếp tay cho tội phạm đặc biệt nguy hiểm.

Hình minh họa.

Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Thanh Hóa, các đối tượng thường lợi dụng danh nghĩa nhân viên ngân hàng đang chạy chỉ tiêu mở thẻ ngân hàng, tài khoản thanh toán để vận động học sinh, sinh viên hoặc công nhân, người lao động có thu nhập thấp, hiểu biết hạn chế về pháp luật để mở tài khoản miễn phí hoặc mức phí thấp.

Sau đó, thỏa thuận mua hoặc thuê lại của chủ tài khoản, từ đó phân phối lại trên không gian mạng để kiếm lời bất chính. Đối tượng còn sử dụng giấy tờ tùy thân của người khác (thu mua từ cửa hàng cầm đồ, nhà nghỉ hoặc nhặt được...), thay ảnh để mở tài khoản thanh toán tại các ngân hàng.

Hầu hết các tài khoản này được sử dụng chủ yếu cho mục đích luân chuyển dòng tiền trong các vụ án, vụ việc liên quan đến tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao, tội phạm đánh bạc trên không gian mạng, gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh, xử lý của lực lượng chức năng.

Về chế tài xử lý, người cho thuê, cho mượn, mua bán tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 291 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng” với mức phạt lên tới 200 triệu đồng hoặc phạt tù lên tới 7 năm.

Đối với trường hợp thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 1 đến dưới 10 tài khoản thanh toán thì sẽ bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng, từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Do vậy, Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo, người dân cần nâng cao ý thức trong việc mở, sử dụng, quản lý tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân, tuyệt đối không thực hiện các hành vi mua bán, trao đổi, cho tặng, cho mượn, cho thuê tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân;

Người dân cần hạn chế chia sẻ các thông tin, dữ liệu cá nhân như: hình ảnh căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản thanh toán... trên môi trường mạng để tránh bị các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;

Công an tỉnh Thanh Hóa cũng lưu ý, khi phát hiện bị mất giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng, người dân cần trình báo cho cơ quan chức năng để làm lại giấy tờ, thông báo cho ngân hàng để khóa thẻ. Đây là căn cứ để chứng minh chủ sở hữu của giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng không liên quan đến các giao dịch trong thời gian bị mất.

Nguyễn Xinh - Pháp luật Plus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thực hư công dụng thuốc bổ não cho các sĩ tử

Vào mùa thi, thị trường thuốc bổ não - còn gọi là thuốc “tăng cường trí nhớ”, lại sôi nổi hẳn lên. Tuy nhiên, các vị phụ huynh cần nhớ, đây là các loại thực phẩm chức năng, thuốc “bổ” nhưng nếu lạm dụng hoặc tự ý sử dụng khi không có hướng dẫn của bác sĩ thì có thể gây ảnh hưởng không có lợi cho sức khỏe của sĩ tử trước kỳ thi.

link bài gốc://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/mua-ban-tai-khoan-ngan-hang-co-the-bi-phat-tu-toi-7-nam-d195120.html