Nên lựa chọn các thực phẩm tốt, an toàn cho não hơn là dùng các loại thuốc “tăng cường trí nhớ”.
“Loạn” thực phẩm chức năng giúp tăng cường trí nhớ
Áp lực học hành khiến học sinh có thể bị hoa mắt, đau đầu, chóng mặt, suy giảm trí nhớ. Các ca ôn thi dồn dập tại các “lò” luyện thi khiến lịch sinh hoạt bị đảo lộn, ảnh hưởng tới việc ăn, uống, nghỉ ngơi. Đặc biệt là trong giai đoạn “nước rút” của kỳ thi tốt nghiệp THCS, THPT, nhiều học sinh luôn phải cố gắng học “nhồi nhét”, có khi phải thức học đến 2 - 3h sáng. Đây là thời điểm não bộ phải “gồng” lên để tiếp nhận lượng kiến thức lớn, dễ rơi vào trạng thái mất thăng bằng nhất.
Để hỗ trợ sức khỏe cho con, nhiều phụ huynh tìm mua các loại thực phẩm chức năng giúp tăng cường trí nhớ. Không khó tìm các loại này, chỉ cần gõ tìm kiếm cụm từ “thuốc tăng trí nhớ” trên Google, các mạng xã hội Facebook, Tiktok hoặc tìm mua tại các hiệu thuốc. Khảo sát một số quầy thuốc tại Hà Nội, phụ huynh như lạc vào “ma trận” của nhiều loại thực phẩm chức năng được quảng cáo giúp “tăng cường trí nhớ, bổ não”. Nguồn gốc sản phẩm hết sức đa dạng, từ hàng trong nước cho đến hàng nhập khẩu, hàng “xách tay” từ Mỹ, Australia, Nhật Bản, Đức...
Đa phần các loại thực phẩm chức năng được quảng cáo có công dụng bổ não hiện nay liên quan tới sản phẩm có chứa omega 3, vitamin nhóm B... Đây là những chất cần cho sự phát triển trí não của trẻ em, tăng hoạt động của các synap thần kinh. Tuy nhiên, trên thực tế, các chất này thường được cung cấp đầy đủ từ trong thức ăn, trong sữa công thức cho trẻ; thực phẩm chức năng chỉ thực sự cần thiết khi trẻ chậm phát triển về trí tuệ, được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và kê đơn.
Đáng lo ngại hơn, nhiều loại thuốc có khả năng cải thiện trí nhớ chỉ dành cho bệnh nhân bị sa sút trí tuệ (Alzheimer) nhưng hiện cũng được chào bán. Tiếp đến là các loại thực phẩm chức năng tuần hoàn máu não, các thuốc làm tăng lưu lượng máu não và thay đổi chuyển hóa ở não bộ với một số chất như cinnarizin, piracetam, vinpocetin, ginkgo biloba (cao lá bạch quả đã được tiêu chuẩn hóa), đinh lăng... Đó là các chất tác động trên hệ thần kinh nên không được tự ý sử dụng, bởi có thể gây ra hậu quả khó lường.
Lo lắng cho con khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, chị Trần Thu Trang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Tôi cho con uống thêm nhiều thực phẩm chức năng cũng như dùng thức ăn bổ dưỡng. Trước kỳ thi con phải học rất nhiều, thức khuya thường xuyên nên sức khỏe suy giảm, tâm lý cũng rất căng thẳng”.
Ngoài việc mua yến xào, đông trùng hạ thảo để cho con dùng, chị Trang còn mua một số loại thuốc giúp tăng cường trí nhớ với giá không hề rẻ. Mang tâm lý “không bổ ngang cũng bổ dọc”, có những bà mẹ cho con uống thuốc bổ kiểu “đông tây y kết hợp” khiến có hôm con bị đau bụng, mất ngủ, gia đình kiểm tra lại mới biết những lọ thuốc bổ này là hàng “xách tay”, không có tem nhãn phụ...
Không tùy tiện dùng thuốc bổ não
Theo bác sĩ Nguyễn Công Bình, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, thực phẩm chức năng dù không phải là thuốc nhưng khi sử dụng vẫn cần tham vấn ý kiến của bác sĩ. Mọi người không nên tự dùng thuốc tại nhà vì việc tự điều trị có thể gây nguy hiểm. Việc tự ý sử dụng kết hợp giữa nhiều loại thuốc khác nhau hoặc dùng các loại thực phẩm chức năng trôi nổi trên thị trường là rất nguy hiểm.
Não bộ được cấu thành từ nhiều chất khác nhau, trong đó các chất quan trọng nhất là omega 3 hay còn gọi là DHA, vitamin nhóm B, vitamin E... Khi bị thiếu chất do chế độ dinh dưỡng không đảm bảo hay do hoạt động với cường độ lớn, áp lực cao, não bộ sẽ hoạt động kém hiệu quả, đi kèm là triệu chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, thiếu minh mẫn. Vì thế, thay vì sử dụng các loại thực phẩm chức năng bổ não không rõ nguồn gốc, phụ huynh nên áp dụng chế độ ăn uống bổ sung omega, vitamin cho con, nhắc nhở con sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý để bộ não được nghỉ ngơi. Ngủ đủ giấc sẽ khiến não bộ tăng khả năng ghi nhớ, đáp ứng cho việc thu nạp kiến thức.
Thực tế, thực phẩm chức năng bổ não không phải là loại thực phẩm có thể dùng tùy ý. Nhiều loại thực phẩm chức năng hay thuốc chỉ được cấp phép để điều trị các chứng rối loạn như tăng động giảm chú ý, chứng ngủ rũ, Alzheimer...
PGS.TS.BS Trần Hữu Bình, nguyên Phụ trách Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, dù khoa học đã rất phát triển nhưng vẫn không có loại thuốc nào được chứng minh là có khả năng giúp tăng cường trí nhớ, có chăng chỉ là những loại thuốc dùng để điều trị bệnh suy giảm trí nhớ cho người bị bệnh chứ không có tác dụng với người bình thường. Việc cha mẹ tự tiện mua thuốc bổ não nhằm giúp con tăng cường trí nhớ là điều hoàn toàn sai lầm, không những không giúp con có trí nhớ tốt hơn mà còn có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Nếu các bậc phụ huynh không tìm hiểu kỹ mà cứ cho con mình uống các loại thuốc được quảng cáo là bổ não, tăng cường trí nhớ, thông minh hơn... thì về lâu dài sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe trí não của người uống thuốc.
“Tuy chúng được coi là thuốc bổ thần kinh nhưng các thuốc này chỉ có tác động rõ nét với trường hợp bệnh lý điển hình, ít tác dụng trên người bình thường. Thậm chí, nếu việc uống thuốc diễn ra thường xuyên hằng ngày có thể dẫn đến những tác dụng phụ nghiêm trọng như hệ thần kinh bị kích động, làm thay đổi hoạt động của hệ tim mạch, hệ cơ vận động, làm thay đổi hoạt động của ruột - tiêu hóa...” - PGS.TS.BS Trần Hữu Bình khuyến cáo.
Thực phẩm “vàng” cho trí não
Nhiều loại thực phẩm giúp trí não của con người phát triển khỏe mạnh hơn. Do vậy, các phụ huynh nên thêm những loại thực phẩm này vào chế độ ăn uống hằng ngày để giúp các sĩ tử duy trì một não bộ khỏe mạnh.
Rau xanh, trái cây và ngũ cốc là thực phẩm giàu các thành phần có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là hỗ trợ sức khỏe não bộ như axit béo omega 3, vitamin B và chất chống oxy hóa. Kết hợp nhiều loại thực phẩm này vào chế độ ăn uống lành mạnh một cách thường xuyên có thể giúp cải thiện sức khỏe của não bộ, tăng cường trí nhớ, tinh thần lạc quan.
Người xưa thường có quan niệm “ăn đậu thi đậu” và trên thực tế các loại đậu cung cấp các chất vitamin nhóm B rất cần thiết cho cơ thể và não bộ.
Các loại cá béo như cá hồi và cá mòi... chứa nguồn axit béo omega 3 phong phú. Khoảng 60% bộ não được hình thành từ chất béo và một nửa số chất béo đó là loại omega 3. Não bộ sử dụng omega 3 để xây dựng các tế bào não và thần kinh. Những chất béo này rất cần thiết cho việc học tập và tăng cường trí nhớ.
Omega 3 giúp làm chậm sự suy giảm tinh thần liên quan đến tuổi tác và giúp phòng bệnh Alzheimer. Việc thiếu omega 3 dẫn đến suy giảm khả năng học tập, làm tăng khả năng trầm cảm.
Để tỉnh táo, tránh buồn ngủ, học sinh cần có chế độ ăn giàu đạm (thịt, cá, trứng, đậu nành, sữa), ăn tăng cường rau và trái cây. Dù bận học nhưng trẻ cần ăn đủ 3 bữa chính trong ngày và các bữa ăn phụ (bánh, cháo đậu, nước trái cây, trái cây...).
Chất đạm giúp cung cấp acid amin để tái tạo tế bào, tạo chất dẫn truyền thần kinh giúp tăng cường hoạt động trí não. Nếu chỉ ăn tinh bột mà thiếu đạm thì sẽ dễ buồn ngủ, trí óc kém linh hoạt và cũng mau đói. Chất xơ có trong rau giúp làm chậm sự hấp thu đường vào máu. Vitamin và chất khoáng từ trái cây giúp tạo cảm giác khỏe khoắn. Bên cạnh đó, cơ thể cần được bổ sung đủ 1,5 - 2 lít nước/ngày.
Thanh Phong
|
Bảo Ngọc - Hà Nội mới