Người đàn bà “thép” đứng sau dự án bất động sản nghìn tỷ được chỉ định ở Thái Nguyên

05/06/2020 15:10

Kinhte&Xahoi Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Cải được biết đến như “chị đại” của ngành thép ở Thái Nguyên. Dưới sự điều hành của bà Cải, doanh nghiệp của gia đình bà đã có những thời điểm gần như sở hữu doanh nghiệp lớn trong ngành thép Việt Nam…

“Chị đại” ngành thép
 
Hai vợ chồng ông bà Nguyễn Quốc Thái, Nguyễn Thị Cải thành lập Công ty kinh doanh thép từ năm 1993, và rồi trở thành doanh nghiệp ngành thép có tiếng ở miền Bắc.

Ba mảng kinh doanh chính doanh nghiệp vợ của vợ chồng bà Cải là sản xuất (phôi thép, cốp pha thép, chế biến lâm sản, kết cấu, xây dựng), kinh doanh (thép xây dựng, phôi thép, phế liệu kim loại, sách văn hóa phẩm, kinh doanh lâm sản) và dịch vụ (vận tải, khách sạn, nhà hàng…). Trong đó, hai lĩnh vực đầu tỏ ra nổi trội hơn.

Công ty của gia đình bà Cải là cổ đông lớn ở Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco) chỉ sau Tổng công ty thép Việt Nam, và chiếm cổ phần lớn ở thép Việt Ý. Ông Nguyễn Quốc Thái làm chủ tịch hội đồng quản trị và bà Nguyễn Thị Cải là tổng giám đốc cho đến năm 2015, chuyển giao cho các con.

Theo Báo cáo thường niên năm 2019 của Tisco, ông Nguyễn Văn Tuấn, con trai của bà Cải, giữ chức chủ tịch HĐQT công ty CP Thái Hưng, đồng thời là chủ tịch HĐQT công ty CP Gang Thép Thái Nguyên từ 29/6/2017. Tuy nhiên, tháng 4/2019, ông Tuấn đã bị miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Tisco. Còn bà Nguyễn Thị Vinh, con gái của bà Cải, thay mẹ làm Tổng Giám đốc công ty của gia đình.

Riêng bà Cải được biết đến là người “đàn bà thép” có khả năng làm khuynh đảo thị trường nơi “đất thép” Thái Nguyên, với những quyết định táo bạo và nước đi mạo hiểm nhưng đã giúp doanh nghiệp của gia đình bà từ một công ty chỉ có 9 lao động với cơ sở vật chất là một ngôi nhà cấp bốn rộng 32m2 vừa làm kho chứa hàng, vừa làm văn phòng giao dịch được “thay áo” mới.

Dưới sự quản lý, lãnh đạo nhanh nhạy của Giám đốc Nguyễn Thị Cải, sau nhiều năm hoạt động, doanh nghiệp đã phát triển lớn mạnh không ngừng.

Từ một công ty nhỏ với nhân công ít ỏi, Công ty gia đình bà Cải vươn mình trở thành “ông lớn” trong ngành thép khi là nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào chủ yếu cho các nhà máy thép tên tuổi như: CTCP Gang Thép Thái Nguyên, CTCP Thép Việt Ý, Công ty TNHH NatSteelVina (NSV, liên doanh giữa Tập đoàn NatSteel – Singapore và Tổng công ty thép Việt Nam, nhà máy tại Thái Nguyên), Công ty sản xuất Thép Úc SSE (Hải Phòng), Công ty thép VSC-POSCO (VPS, Thép Việt –Hàn, là liên doanh giữa Tổng Công ty thép Việt Nam với Tập đoàn POSCO của Hàn Quốc, tại Hải Phòng)…

Ngoài lĩnh vực thép thương mại, Công ty của gia đình bà Cải sau khi được chuyển cho thế hệ sau quản lý đã lấn sân ở nhiều lĩnh vực khác, nổi bật là mảng bất động sản. Trong đó có thể kể đến dự án Khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng với quy mô hơn 35 ha, tổng mức đầu tư là 2.100 tỷ đồng.

22,6ha “đất vàng” Gia Sàng về tay Công ty gia đình bà Cải như thế nào?

Từng được kỳ vọng là “cánh chim” đầu đàn của ngành thép, tuy nhiên, sau nhiều năm làm ăn thua lỗ không có khả năng trả nợ được vốn vay, đến tháng 3/2016, Chi cục Thi hành án dân sự  TP.Thái Nguyên ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định về thi hành án, theo đó, bổ sung quyết định cưỡng chế kê biên tài sản gồm: máy móc, thiết bị dây truyền sản xuất của Công ty Cổ phần Luyện Cán Thép Gia Sàng. Các tài sản sau đó được thẩm định giá có giá trị là 56,77 tỷ đồng.

Ngày 24/5/2016, Chi cục Thi hành án dân sự TP.Thái Nguyên và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Thái Nguyên ký Hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản. Đơn vị tổ chức đấu giá sau đó đã ban hành quy chế đấu giá. Quá trình bán đấu giá có 1 khách hàng đăng ký và trúng đấu giá là Công ty gia đình bà Cải với giá 56,82 tỷ đồng (cao hơn giá khởi điểm 50 triệu đồng).

Công ty gia đình bà Cải cam kết: “Sẽ thực hiện đúng các điều kiện khi tham gia đấu giá, bao gồm đầu tư xây dựng cải tạo và khôi phục sản xuất Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng, tạo công ăn việc làm cho người lao động và đảm bảo an ninh trật tự trên địa phương”.

Tiếp đó, tháng 4/2017, Công ty gia đình bà Cải hoàn tất thương vụ mua vào 17.817.900 cổ phiếu TIS từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), với giá bình quân 11.216 đồng/cổ phiếu và mua thêm 290.000 cổ phiếu qua sàn, nâng lượng sở hữu tại Tisco từ 14,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 7,72%) lên 32,3 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 17,55%.

Chỉ sau đó ít ngày, đầu tháng 5/2017, công ty này lại tiếp tục mua vào 4,5 triệu cổ phiếu TIS, nâng lượng sở hữu sau giao dịch lên 36,8 triệu cổ phiếu, chiếm 20% vốn điều lệ của Tisco.

Thời điểm đó, nhiều người đặt kỳ vọng Thép Gia Sàng dưới sự điều hành của Công ty gia đình bà Cải sẽ vực dậy và tọa công ăn việc làm cho nhiều lao động gắn bó với công ty.

Thế nhưng, chỉ tái hoạt động được vài tháng, đến tháng 6/2017, thép Gia Sàng một lần nữa lại ngừng sản xuất khiến gần 300 công nhân không có việc làm.

Về lô đất 22,6ha của thép Gia Sàng nằm trên đường Cách mạng tháng 8 được coi là “đất vàng” tại TP.Thái Nguyên, UBND tỉnh Thái Nguyên tỏ rõ quan điểm chỉ tiếp tục cho tổ chức, cá nhân thuê trên 22,6ha đất đã giao quyền sử dụng cho thép Gia Sàng khi tổ chức, cá nhân trúng đấu giá khối tài sản trên cam kết không được tháo dỡ nhà xưởng, dây chuyền sản xuất mà phải đầu tư để tái sản xuất, đảm bảo quyền lợi cho người lao động và các bên liên quan.

Trong một diễn biến liên quan, Công ty gia đình bà Cải đã xin chuyển đổi lô đất 22,6ha của thép Gia Sàng đang xây dựng nhà xưởng, hoạt động kém hiệu quả để xây dựng dự án bất động sản.

Gần như ngay lập tức, UBND tỉnh Thái Nguyên giao luôn 4 bìa đỏ của lô đất trên để doanh nghiệp gia đình bà Cải thực hiện dự án Khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng.

Từ việc thuê đất để tái sản xuất kinh doanh, bằng một cách “thần kỳ” nào đó lại thành sở hữu đất vàng xây dựng dự án nghìn tỷ, đến lúc này, dư luận không khỏi hoài nghi, phải chăng, mục đích thực sự của doanh nghiệp trong những thương vụ trước đó tại Gang thép Thái Nguyên và Luyện Cán thép Gia Sàng không phải là vực dậy kinh doanh sản xuất tại 2 doanh nghiệp này mà là lô đất vàng 22,6ha Thép Gia Sàng đang sở hữu?

“Khai tử” nhà máy để làm “siêu đô thị” nghìn tỷ?

Ngày 20/9/2017, trên cơ sở đề xuất chuyển mục đích sử dụng đất của Công ty gia đình bà Cải, UBND tỉnh Thái Nguyên có Văn bản số 4086/UBND-TH đồng ý cho doanh nghiệp này được thực hiện nghiên cứu, đề xuất phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ mục đích xây dựng Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng, sân thể thao phục vụ sản xuất – kinh doanh sang mục đích xây dựng khu đô thị kiểu mẫu.

Ngày 25/12/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp của gia đình bà Cải lập Quy hoạch chi tiết xây dựng, tỷ lệ 1/500 dự án Khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng. Chỉ sau đó 2 ngày (tức ngày 27/12/2017) Quy hoạch chi tiết dự án Khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng chính thức được phê duyệt.

Ngày 16/10/2018, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 3007/QĐ-UBND chấp thuận đầu tư giai đoạn 1 dự án Khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng.

Đến ngày 29/10/2018, UBND tỉnh Thái Nguyên chính thức cho phép Công ty gia đình bà Cải chuyển mục đích sử dụng gần 21,4ha đất của Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng sang mục đích xây dựng khu đô thị mới, hoàn tất thương vụ “thâu tóm” đất nhà máy thép để xây dựng dự án bất động sản nghìn tỷ.

Tháng 6/2019, doanh nghiệp này đã sử dụng các quyền sử dụng đất thuộc các tiểu khu Iris, Hermes, Hellios của dựán này làm tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu 350 tỷ đồng phát hành cho Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB). Số trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, lãi suất cho kỳ đầu tiên là 11%/năm.

Tuy nhiên, chỉ ít tháng sau khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu cho MSB, đến tháng 8/2019, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có văn bản yêu cầu Thanh tra Chính phủ thanh tra quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại dự án Khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng, bổ sung nội dung thanh tra, xử lý những phảnánh, kiến nghị liên quan đến việc thu hồi đất của Công ty Cổ phần luyện cán thép Gia Sàng cho Công ty gia đình bà Cải thuê để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà máy luyện cán thép nhưng sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng dự án Khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng.

Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã có báo cáo kiểm toán quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2018, trong đó, có các nội dung nổi bật như: dự toán thu chi Ngân sách Nhà nước, tiền thuê đất, thuế đất, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công,…

Trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước có nhắc đến việc UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ định doanh nghiệp làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại trong khi doanh nghiệp chưa có quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định; cho phép doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp sang thực hiện Dự án khu đô thị không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Dự án được Kiểm toán Nhà nước nhắc đến chính là dựng dự án Khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng do Công ty của gia đình bà Cải làm chủ đầu tư.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kích hoạt tín dụng tiêu dùng hậu Covid-19

Kích cầu thị trường nội địa thông qua thúc đẩy tiêu dùng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên trong giai đoạn khởi động lại nền kinh tế hiện nay.

Link bài gốc https://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/thi-truong/nguoi-dan-ba-thep-dung-sau-du-an-bat-dong-san-nghin-ty-duoc-chi-dinh-o-thai-nguyen-a325724.html