Nhiều người trẻ làm việc không dám nghỉ phép

12/07/2022 19:18

Kinhte&Xahoi Dù được thoải mái trong việc xin nghỉ làm mỗi khi có nhu cầu nhưng nhiều người trẻ vẫn cố gắng làm việc, không dám nghỉ phép vì e ngại ảnh hưởng đến thu nhập, hình ảnh cá nhân hoặc mối quan hệ với sếp, đồng nghiệp…

Nỗi sợ… bỏ lỡ

Gần 10 tháng làm việc liên tiếp tại công ty, Phạm Thu Phương (24 tuổi, kế toán) chưa nghỉ phép một ngày nào ngoại trừ lịch nghỉ theo đúng quy định dù gia đình có việc bận hoặc bản thân ốm, mệt.

Là nhân sự mới, cô lo sợ việc xin nghỉ có thể gây ảnh hưởng đến thu nhập và bị sếp đánh giá. Nhân viên này cho rằng sau năm làm việc đầu tiên, khi được ký hợp đồng chính thức, cô mới có thể thoải mái để nghỉ phép.

Thu Phương rất ít khi xin nghỉ phép dù có những việc riêng phải giải quyết

"Mình không dám xin nghỉ khi thấy đồng nghiệp ai nấy đều bận rộn. Mới vào công ty, bản thân mình cũng mong muốn được “thể hiện” một chút nên mình sợ sếp và đồng nghiệp nhận xét là không hiệu quả bằng người khác", Thu Phương nói.

Thu Phương không phải nhân sự duy nhất không dám xin nghỉ dù nhiều công ty có chính sách nghỉ việc có lương. Đại dịch COVID-19 càng khiến văn hoá nghỉ phép trở nên mong manh hơn khi thời gian làm việc dường như không chỉ bó buộc trong khoảng thời gian hành chính từ 8 - 17h. Theo đó, dù xin nghỉ phép vào giờ hành chính, nhiều nhân viên vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ ngoài khung giờ này.

Thủy Tiên (25 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng là một nhân sự rất ít khi xin nghỉ phép dù có nhiều năm thực tập và làm việc cho công ty hiện tại của mình. Theo cô, đặc thù nhiệm vụ của mình rất khó để bàn giao cho đồng nghiệp.

Cô gái trẻ cho biết, các công việc của mình luôn cần chuẩn bị trước 2 - 3 tuần và cô gái 25 tuổi sẽ là đầu mối chính liên quan đến nhiều phòng ban. Việc xin nghỉ không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân cô mà còn tác động đến nhiều bộ phận khác.

Nhiều người trẻ lo sợ việc xin nghỉ phép có thể gây ảnh hưởng đến thu nhập và bị sếp đánh giá

Mỗi lần xin nghỉ phép đột xuất, cô luôn cảm thấy e ngại và khó mở lời với sếp. Cô chỉ xin nghỉ trong tình huống bất đắc dĩ, chạy deadline trước hoặc chấp nhận "trả nợ" công việc cho đồng nghiệp và sếp sau khi kết thúc kỳ nghỉ.

"Có một lần, gia đình có việc gấp nhưng mình không thể về ngay vì vẫn còn vướng lịch trình đã được lên kế hoạch sẵn từ trước đó. Vậy là mình đành làm việc xuyên đêm để hoàn tất mọi thứ rồi vội vã về quê ", Thủy Tiên nhớ lại.

Áp lực nặng nề

Giống như Thu Phương hay Thủy Tiên, Vương Đức (24 tuổi, sống tại quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng thường mang tâm lý e ngại khi xin nghỉ phép. Từng là quản lý của một cửa hàng quần áo có lượng khách khá đông đúc, suốt 2 năm làm công việc này, chàng trai trẻ chỉ xin nghỉ vài ngày/năm, hầu hết đều vì gia đình có việc quan trọng như hiếu hỷ, người thân ốm. Còn trong những chuyến du lịch cùng bạn bè, anh chắc chắc không dám xin nghỉ hoặc có thì luôn mang theo laptop để làm việc từ xa.

"Thú thật, mình là người khá kỹ tính và có tâm lý ôm đồm, tham công tiếc việc. Mình sợ việc mình nghỉ có thể ảnh hưởng đến đồng nghiệp hoặc cấp dưới. Do sợ bỏ lỡ công việc hay thông báo quan trọng, mình gần như luôn cầm điện thoại trên tay vì không muốn không theo dõi được tin nhắn từ sếp hay đối tác", Vương Đức nói.

Việc ôm đồm quá nhiều phần việc khiến Vương Đức và nhiều người trẻ khác không dám xin nghỉ phép

Chàng trai 24 tuổi cho biết, tại công ty của mình, công việc quản lý cửa hàng của anh khá khó để nghỉ phép trọn vẹn. Vương Đức luôn phải tới cửa hàng mình quản lý mỗi ngày để giám sát nhân sự, đồng thời mang tâm lý phải làm gương về sự chăm chỉ và trách nhiệm.

"Trong mắt nhiều người, mình là người rất chịu khó, cẩn thận và “cuồng” công việc. Nhưng có lẽ chỉ bản thân mình mới cảm nhận được sự mệt mỏi, kiệt sức thế nào. Đến bây giờ, mình vẫn không thể hiểu tại sao bản thân lại ôm đồm nhiều thứ đến vậy", Vương Đức tâm sự.

Đỗ Thảo Trang (27 tuổi, sống tại quận Long Biên, Hà Nội) cũng từng đuối sức sau thời gian dài làm việc mà hiếm khi nghỉ phép. Cô cho biết công việc của mình như dòng chảy không bao giờ có hồi kết. Công ty có chế độ nghỉ phép 20 ngày/năm nhưng cô sử dụng chỉ tới 1/3. Trên thực tế, dù mệt đến đâu cô gái trẻ cũng cố làm vì lo sợ ảnh hưởng đến bộ phận.

"Ngày trước, mình rất ngại xin nghỉ. Nếu có, mình vẫn sẽ ở nhà làm việc và quan sát mọi người. Khối lượng công việc lớn, mình lại còn là leader của nhóm nên chỉ cần xao nhãng một hôm, mình sẽ khó kiểm soát được hiệu quả chung. Mỗi lần nghỉ, mình thậm chí còn mệt hơn chứ không hề thoải mái", Thảo Trang chia sẻ.

Sau thời gian "quá tải", Thảo Trang đã cho phép cơ thể nghỉ ngơi nhiều hơn bằng cách xin nghỉ phép

Hiện tại, sau khoảng thời gian dài cơ thể có dấu hiệu "quá tải", cô gái 27 tuổi đã cho phép mình nghỉ ngơi điều độ hơn bởi hiểu rõ sức khỏe và năng lượng luôn cần thời gian để tái tạo. Ngoài ra, cô cũng cố gắng tạo môi trường thoải mái, khuyến khích nhân viên của mình tận dụng hết ngày nghỉ phép.

"Từ những gì trải qua trước đây, mình biết rằng nghỉ phép không chỉ là quyền lợi mà còn là điều cần làm để chúng ta bảo đảm sức khỏe, tinh thần. Mình luôn động viên nhân sự nghỉ phép tối đa, mình sẽ chủ động sắp xếp công việc hợp lý vào mỗi thời điểm. Mình tin đây là điều nhà quản lý cần thực hiện để tạo cảm hứng giúp nhân viên cống hiến hết mình hơn cho công ty”, Thảo Trang bày tỏ.

Phạm Thành - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phụ gia "phù phép" nước giải khát sinh tố từ hoa quả dập thối

Các quầy bán nước ép trái cây, sinh tố luôn "đắt khách" dịp hè nắng nóng. Tuy nhiên, những cốc sinh tố trái cây thơm ngon này đôi khi có nguồn gốc từ những loại trái cây dập nát, hỏng được bán với giá siêu rẻ ngoài chợ "cộng" thêm các chất phụ gia.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nhieu-nguoi-tre-lam-viec-khong-dam-nghi-phep-200886.html