Phát động Giải báo chí về chủ đề 'Văn hóa ứng xử'

20/08/2019 10:42

Kinhte&Xahoi Ngày 19/8, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động Giải báo chí về chủ đề “Văn hóa ứng xử”.

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại lễ phát động.

Theo đó, các tác phẩm tham gia Giải báo chí lần này thuộc bài phản ánh, phóng sự, điều tra, bút ký, chương trình tọa đàm và ảnh báo chí… được đăng, phát trên các loại hình: báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình từ ngày 1/1/2019 đến ngày 30/6/2020. Lễ tổng kết và trao Giải sẽ được tổ chức vào dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạnh tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm 2020. 

Các tác phẩm tham dự Giải phải đảm bảo tính chân thực, người thật, việc thật, sự kiện thật có tính chính xác, khách quan… Đối tượng được phản ánh là những tấm gương tập thể và cá nhân tiêu biểu, những kinh nghiệm hay, mô hình tốt trong văn hóa ứng xử trên các lĩnh vực: văn hóa ứng xử trong gia đình, trường học, bệnh viện, công sở… trên cả nước.

Thông qua đó nâng cao nhận thức, trách nhệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nếp sống văn hóa, con người Việt Nam phù hợp với các chuẩn mực ứng xử văn minh, hiện đại trong tiến trình hội nhập quốc tế và phát triển của đất nước. 

Tại Lễ phát động, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Trưởng ban tổ chức nhấn mạnh: “Đảng và Nhà nước ta đã xác định, văn hóa là nền tảng tinh thần, động lực phát triển kinh tế - xã hội. Báo chí là một bộ phận của văn hóa, mỗi tác phẩm báo chí là một sản phẩm văn hóa và mỗi nhà báo là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.

Do vậy, Ban tổ chức mong muốn nhận được sự tham gia nhiệt tình của các cơ quan báo chí, phóng viên, biên tập viên và người làm báo viết các tác phẩm báo chí về “Văn hóa ứng xử”. Bên cạnh đó là các bài viết nghiên cứu văn hóa của các nhà văn hóa, nhà khoa học để nghiên cứu, phân tích một cách dễ hiểu, có sức thuyết phục.

Vận dụng những phương thức truyền thông mới để những hành vi ứng xử có văn hóa dần dần đi vào đời sống, những hành vi thiếu văn hóa, chưa phù hợp được tránh và loại bỏ…”. 


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đừng để người Việt tự hào hàng Việt… “gốc” ngoại

Điện thoại thông minh SAMSUNG, bột giặt OMO hay sữa tắm DOVE… đều được sản xuất ở Việt Nam, nhưng nó là sản phẩm của những tập đoàn đa quốc gia. Liệu người Việt có thể tự hào gọi đó là “hàng Việt Nam”? Điều này đòi hỏi Bộ Công Thương phải tính toán kỹ trước khi công bố chính thức Thông tư quy định về hàng Việt trong thời gian sắp tới.

Nguồn: Pháp luật Plus