Rùng mình quy trình sản xuất miến đến mâm cơm người tiêu dùng

26/03/2020 09:30

Kinhte&Xahoi Nổi tiếng từ những năm 1960 với khoảng hơn 2.800 hộ tham gia sản xuất, nằm bên bờ tả sông Đáy, Xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức TP Hà Nội với nghề làm miến truyền thống. Tuy nhiên, với nhu cầu tiêu thụ ngày một tăng nhiều hộ sản xuất tại đây đang dần bỏ đi phương pháp sản xuất truyền thống mà thay vào đó là những công nghệ miến khiến người tiêu dùng không thể không nghi ngờ về chất lượng miến hiện nay.

Mục sở thị cơ sở sản xuất miến 

Dương Liễu là làng nghề chuyên làm mì, bún, miến, phở… có tiếng tại huyện Hoài Đức, Hà Nội. Nhu cầu từ thị trường lớn nên cả làng lúc nào cũng có việc, đắt hàng quanh năm. Tuy nhiên, chính vì như cầu quá lớn nên phương thức sản xuất miến cũng dần thay đổi.

Chứng kiến “công nghệ” sản xuất miến ở đây, nhiều người sẽ không khỏi giật mình bởi tình trạng mất vệ sinh đi kèm với đó là việc sử dụng hoá chất gây hại sức khỏe người tiêu dùng của một số cơ sở miến. 

Trong vai một người tìm mua miến về bán hàng, tôi đã được một chủ cơ sở sản xuất miến ở đội 3, xã Dương Liễu không ngần ngại chia sẻ về những “thủ thuật” trong nghề. 

“Tham quan” một vòng tại cơ sở miến, điều đầu tiên mà phóng viên ghi nhận được là quy trình làm miến không đảm bảo an toàn thực phẩm. Mùi chua nồng nặc của bột ủ nước và mùi hôi thối khó chịu từ các rãnh nước thải. Những chiếc máy sản xuất miến hoen gỉ, cáu bẩn, bám đầy bụi nhưng vẫn được sử dụng để tạo ra hàng tấn miến, những chiếc thùng phi và dụng cụ khuấy bột, gáo múc đều có nhiều mảng bám mất vệ sinh màu đen vón cục tích tụ thành từng lớp dày.

Công nhân trong xưởng thường dùng chân trần để đạp lên miến làm cho bụi bẩn và nước dính đầy lên miến. Chưa hết, trên những sân nhỏ, miến còn được vứt ngổn ngang, tất cả đều vội vàng…

Theo vị chủ cơ sở, để làm miến dong sau khi nghiền bột dong và lọc lấy tinh bột, tùy vào yêu cầu về màu sắc miến mà chủ hàng sẽ dùng các loại hóa chất mà người ta vẫn gọi là thuốc trắng và thuốc tím hòa với axít để tẩy trắng bột. Thay vì cách làm truyền thống rửa bột nhiều lần cho hết cặn đen mất nhiều thời gian, năng suất thấp, nhiều hộ dân đã tìm sử dụng các loại hóa chất tẩy rửa, phẩm màu để tạo ra nhiều màu sắc cho miến, từ trắng đến thâm đất hoặc vàng óng.

Chủ cơ sở còn chia sẻ thêm: “Muốn làm hàng trắng thì phải dùng thuốc tẩy chứ không thể có màu trắng dùng để nó thay thế được. Nếu muốn làm trắng thì nó có mấy loại cơ, nó gồm một thằng thuốc tẩy trắng của Ý, bột thuốc tím với axit loãng. Ba cái ấy kết hợp thì mới có màu trắng tinh.”

Quy trình sản xuất miến 2 siêu “siêu bẩn” và “siêu độc”

Tiếp tục tìm đến một cơ sở sản xuất khác, cơ sở sản xuất của anh N.Q.D, xã Dường Liễu, mà theo như được người dân trong đội giới thiệu cơ sở làm miến của anh là cơ sở nổi tiếng về miến sạch. 

Trò chuyện cũng anh D, phóng viên được cho biết "Đây là miến tẩy, gia đình đang sản xuất cho một người đặt hàng vài tạ để chuyển vào Thanh Hóa. Những loại miến này muốn mua nhiều phải đặt trước không thì không có. Nếu như cô muốn đặt, thì cứ liên hệ trước với tôi khoảng một tuần, để tôi sắp hàng".

Theo tìm hiểu, gia đình anh D đang sản xuất hai loại miến đó là miến tẩy và miến mộc. Miến mộc là loại không sử dụng thuốc tẩy nên có màu xám đục còn miến có màu vàng hanh là miến sau khi được tẩy trắng sẽ nhuộm vàng cho miến bằng bột màu thực phẩm hay chính xác hơn là bột sắt vàng.

Loại nước được chủ cơ sở sản xuất miến sử dụng để ngâm tẩy miến

Anh Dũng tiết lộ: "Để tẩy miến thì chỉ cần mua thuốc tẩy có giá vài chục nghìn đồng/1kg. Lúc quấy bột thì cho chất tẩy và cho thêm ít phẩm màu vào, khi ra miến thành phẩm sẽ có màu vàng rất hấp dẫn. Mỗi thùng bột chỉ cần cho một thìa nhỏ bột tẩy vào là sợi miến nhìn đã khác miến mộc rất nhiều. Thông thường người mua cũng thích miến có màu vàng tươi hơn là miến mộc. Anh cũng cho biết thêm, ngoài hai loại miến trên, nhiều hộ sản xuất miến khác còn nhuộm phẩm màu đen, thậm chí thích miến màu gì có màu đó."

 

Tuy nhiên, khi hỏi về thành phần của chất tẩy này thế nào, có gây hại cho sức khoẻ không thì anh D khẳng định ngay với tôi rằng: "Chắc là không ảnh hưởng gì vì gia đình tôi làm nghề, động đến loại chất tẩy này bao nhiêu năm nay mà có làm sao đâu, còn phẩm màu nhuộm là phẩm màu an toàn sử dụng cho thực phẩm".

Lạc vào ma trận “màu miến”

Theo lời chỉ dẫn của những người bán hàng ở chợ, nhóm phóng viên đã có mặt tại phố Hàng Buồm (Hà Nội). Chủ một cửa hàng cho phóng viên xem chất bột mà người làm miến sử dụng để tạo màu trước khi đưa ra thị trường. Người đàn ông này chia sẻ có các màu: đỏ, xanh, vàng cam, tím nho… 250.000 đồng một hộp 500g, bán lẻ là 70.000 đồng/lạng. Hộp phẩm màu mà phóng viên mua được có nguồn gốc Trung Quốc nhưng được in cả tiếng Việt ở phần hướng dẫn sử dụng.  

 

Trước khi ra về, chị chủ quán còn nhiệt tình mời chào tôi, nếu muốn mua với số lượng nhiều cứ đến chỗ chị, chị có thể đáp ứng lượng hàng với số lượng lớn.

Mang theo những gói bột mà phóng viên mua được tại các cửa hàng trên phố Hàng Buồm đến gặp các chuyên ra, phóng viên đã có câu trả lời cuối cùng cho những chất được gọi là “phù thuỷ” biến hình cho những sợi miến.

Chuyên gia Anh Lê Công Yên – Chuyên gia Ẩm thực

Chuyên gia Anh Lê Công Yên – Chuyên gia Ẩm thực khẳng định: “Rõ ràng là những cái phẩm màu, cũng giống như hàn the thôi thì hoàn toàn nó đều có hại cho sức khỏe và Bộ Y tế nghiêm cấm chúng ta sử dụng hoặc hoàn toàn không được sử dụng. Đó là cái chất tạo giòn thì chất tạo màu cũng vậy có thể nhìn rất là đẹp mắt nhưng mà cái nguy cơ tiềm ẩn về bệnh tật, về những cái căn bệnh cho cơ thể chúng ta là khôn lường. Những sản phẩm mà không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ bao bì. Bạn có thể mua bất kỳ đâu trên thị trường với một cái giá rất là rẻ thì đó là những cái sản phẩm không an toàn cho sức khỏe của chúng ta, bởi những cái màu thực sự là an toàn ấy nó phải được chế biến, phải được làm rất là công phu, nó không chỉ đắt về giá thành mà đắt cả cái công người ta làm ra nữa. Chính vì vậy đó là những sản phẩm nó tốt cho sức khỏe thì chúng ta mới tin dùng, còn đối với những sản phầm mà nó không có nguồn gốc xuất xứ, không có hạn sử dụng cũng như không có những cái thành phần như những sản phẩm tôi đang cầm trên tay như thế này thì hoàn toàn chúng ta không sử dụng để đảm bảo cho chính chúng ta cũng như sức khỏe cho cộng đồng nữa.”

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm; Việc sử dụng tôi chưa nói đến chuyện cho màu vào có độc hay không, cho màu vào miến là một hành động không hợp lý. Miến của chúng ta lâu nay, bản chất là làm từ bột dong giềng; đôi khi có một số nước, một số nơi người ta làm từ bột gạo ấy người ta vẫn gọi là miến, người dân người ta gọi thế. Trước kia cái chữ miến của chúng ta ấy là người Trung Quốc người ta làm từ bột của đậu xanh , dần dần bột đậu xanh đắt, người ta thấy bột dong nó có thể làm được sợi rất tốt sợi, dai người ta làm miến rất tốt, bao giờ nó cũng có cái trong cái đục tự nhiên, cái miến tự nhiên ấy. Nhưng lâu nay nó nảy lòi ra cái thứ mà, nó quái đản nào là miến màu vàng, miến màu xanh, miến màu đỏ ... tự nhiên là để cho nó vui mắt người ta có thể tạo được cái màu như vậy.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm.

Trước thực trạng sản xuất không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và những bất cập về môi trường cũng như về chất lượng sản phậm, rất mong các cơ sở sản xuất chú trọng về mặt vệ sinh trong dây chuyền sản xuất, đồng thời kính mong các cơ quan chức năng có những quy định về sử dụng các hoá chất đối với quy trình làm miến tránh gây ra những ảnh hưởng không đáng có đến người tiêu dùng.

Hà Thảo

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

‘Ma trận’ nấm linh chi giả, mối nguy hại cho người tiêu dùng

Nấm linh chi là một trong những vị thuốc quý, nên nhiều người dân chịu chi một số tiền không nhỏ để mua về sử dụng bởi công dụng tốt, bồi bổ sức khoẻ… Lợi dụng điều này, nhiều tiểu thương đã đánh tráo nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, gây mối nguy hại đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Nguồn: HATAP