Tăng lương cơ sở sẽ tạo động lực mới, ngăn tình trạng công chức nghỉ việc

23/10/2022 08:36

Kinhte&Xahoi Đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,490 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng đang nhận được sự ủng hộ của chuyên gia và công chức, viên chức. Tăng lương cơ sở vừa để giảm bớt khó khăn cho người lao động, vừa tạo ra được động lực mới, giảm tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc.

Hơn 10 năm làm việc, lương hơn 4 triệu đồng/tháng

 Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang rất quan tâm đến đề xuất tăng lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng. Trong thời gian lỡ hẹn tăng lương 3 năm qua, đời sống của họ gặp rất nhiều khó khăn, mức lương hiện tại không đủ trang trải cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Hồng Phương - Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, câu chuyện khó khăn lâu nay chính là lương của cán bộ, công chức phường.

“Thời gian làm việc của cán bộ phường tôi không chỉ dừng lại ở 8 tiếng mà đôi khi còn phải làm thêm giờ bên ngoài. Một cán bộ cũng không chỉ làm một công việc mà còn kiêm nhiệm nhiều công việc khác. Như tôi, nhiều hôm cứ phải 8-9h tối mới về đến nhà. Trong khi đó, tôi làm việc đã hơn chục năm, đến nay hệ số lương là 3,3. Bản thân cán bộ quản lý còn có thêm thu nhập về trách nhiệm… nhưng thực sự không đáng bao nhiêu. Nếu không có sự hỗ trợ của gia đình sẽ không đủ tiền để sinh hoạt và nuôi con”, chị Hồng Phương tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Hồng Phương - Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, câu chuyện khó khăn lâu nay chính là lương của cán bộ, công chức phường

Theo thông kế, hiện số lượng biên chế công chức làm việc bình quân tại các phường là 15 người/phường, về cơ bản bằng mức bình quân công chức cấp xã, trong khi chưa có cơ chế chính sách đặc thù đối với các phường có quy mô dân số lớn. Hầu hết, cán bộ công chức phường ngoài các nhiệm vụ theo chuyên môn được tuyển dụng đều được giao thêm nhiệm vụ theo dõi, nắm bắt tình hình tại các tổ dân phố… Khối lượng công việc thường rất lớn. Do đó, để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác cần nghiên cứu các phương án nâng cao thu nhập cho cán bộ xã, phường.

Nhờ có gia đình ổn định về kinh tế, chị Phương vơi được phần nào gánh nặng. Theo chị Phương, nhiều đồng nghiệp của chị rất chật vật lo chi tiêu trong gia đình, chăm lo cho các con. Ngoài làm công việc chuyên môn, nhiều người phải làm thêm các công việc khác để trang trải cuộc sống.

Trước thông tin đề xuất tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023, anh Trần Xuân Ánh (Long Biên, Hà Nội) hy vọng tăng lương cho đội ngũ công chức, viên chức sớm hơn dự kiến.

"Sau 2 lần lỡ hẹn tăng lương vào tháng 7/2020 và tháng 7/2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, chúng tôi mong đợi năm 2022 sẽ tăng lương cơ sở, để cuộc sống bớt khó khăn hơn", anh Ánh chia sẻ.

Nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003.

Với cán bộ, công chức, viên chức, lần điều chỉnh tăng lương cơ sở gần nhất là từ 1/7/2019, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.390.000 đồng lên mức 1.490.000 đồng.

Công chức có mức lương cao nhất là người giữ chức danh chuyên gia cao cấp bậc 3 (trừ các chức danh lãnh đạo bầu cử, bổ nhiệm) có hệ số 10.00 nhân với mức lương cơ sở là 14,9 triệu đồng, tương đương lương bộ trưởng.

Công chức còn lại được chia thành 6 nhóm theo ngạch gồm: A3, A2, A1, A0, B và C. Tương ứng với đó là từng ngạch, bậc và mức lương cụ thể cao nhất là hệ số 8.00 với mức lương 11,92 triệu đồng/tháng và thấp nhất có hệ số 1.35 với mức lương hơn 2 triệu đồng/tháng.

Với viên chức cũng được tính lương tương tự với hệ số từ 1.50 đến 8.00 tương ứng mức lương từ 2,235 triệu đến 11,92 triệu đồng mỗi tháng...

Tăng càng sớm càng tốt để công chức, viên chức giảm khó khăn

 Chia sẻ với báo chí, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, tiền lương là một chính sách rất quan trọng của hệ thống kinh tế, xã hội. Đảng và Nhà nước đã thể hiện rất rõ quan điểm về tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức ở Nghị quyết 27. Theo đó, tiền lương phải đảm bảo cuộc sống, người lao động; người hưởng lương phải sống bằng chính tiền lương.

Tăng lương giúp công chức, viên chức yên tâm làm việc

Theo ông Quảng, trước đây, mức lương cơ sở được điều chỉnh hằng năm. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, do dịch bệnh COVID-19, điều kiện kinh tế, xã hội gặp khó khăn nên vẫn chỉ áp dụng mức lương cơ sở 1.490.000 đồng theo Nghị định 8/2019/NĐ-CP. Với mức lương này, cán bộ, công chức, viên chức chưa sống được bằng lương, đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Vừa qua, Bộ Nội vụ cho hay, theo báo cáo của 28 cơ quan Trung ương và 63 tỉnh, thành, từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2022 có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc.

Ông Quảng cũng cho rằng, với quan điểm tiền lương đảm bảo được cuộc sống của người hưởng lương, đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho phát triển để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả làm việc, giữ chân cán bộ công chức, và phát triển được năng lực của người lao động; đồng thời trong bối cảnh hiện nay đã khống chế được dịch COVID-9, điều kiện kinh tế xã hội có bước phát triển nhất định thì việc đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở là hết sức cần thiết.

Tăng lương cơ sở và thực trạng hàng loạt cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc là hai nhóm vấn đề lớn được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề cập trong phiên thảo luận tổ sáng 22/10, về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022.

Về tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông tin, thống kê của 63 địa phương và các bộ, ngành cho thấy từ 1/1 đến 30/6, số công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người. Trong đó chủ yếu là viên chức (hơn 35.500 người), còn số công chức nghỉ việc chỉ có hơn 4.000 người (chiếm 1,98%).

Số cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, chủ yếu rơi vào 2 ngành giáo dục và y tế. Trong ngành giáo dục, hơn 2 năm qua có gần 16.5000 người xin nghỉ, trong đó 49% có trình độ đại học. Với y tế, cũng trong thời gian đó, có hơn 12.100 người xin thôi việc, trong đó có hơn 56% là trình độ đại học.

Nhắc đến nghị quyết của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, Bộ trưởng Nội vụ giải thích do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét rất kỹ lưỡng, thận trọng và quyết định lùi thời điểm cải cách tiền lương trong thời hạn nhất định, thay vì năm 2021 như dự kiến.

Khi chưa thực hiện được chính sách cải cách tiền lương, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết sẽ điều chỉnh mức lương cơ sở. Thực tế 3 năm qua (2019-2021), đại dịch COVID-19 gây tác động nặng nề đến nền kinh tế, khiến việc tăng lương cơ sở chưa thực hiện được.

Lần này, Chính phủ đề xuất trình Quốc hội phương án tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng, Bộ trưởng Nội vụ đánh giá là rất hợp lý. Việc này sẽ tạo ra được động lực mới, giảm tình trạng công chức, viên chức xin thôi việc.

Bà Trà cho rằng mức điều chỉnh tiền lương cơ sở khoảng 20,8% tiệm cận dần với cải cách chính sách tiền lương. Bởi khung cải cách tiền lương dự kiến thấp nhất so với mức lương hiện hành tăng khoảng 29%, mức cao nhất khoảng trên 40%.

Nếu điều kiện đất nước năm 2023 có sự phát triển kinh tế - xã hội tốt và năm 2024 tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững, không bị tác động bởi các yếu tố khách quan, Bộ trưởng Bộ Nội vụ dự đoán khi đó có thể triển khai chính sách cải cách tiền lương.

Ánh Dương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Tăng cường quản lý, kiểm soát giá xăng dầu, lạm phát

Thành phố Hà Nội sẽ thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường quản lý, kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, kinh doanh và đời sống, nhất là xăng, dầu...

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tang-luong-co-so-se-tao-dong-luc-moi-ngan-tinh-trang-cong-chuc-nghi-viec-208607.html