Tỉnh Vĩnh Phúc trình Chính phủ sáp nhập 28 đơn vị hành chính cấp xã

12/05/2024 11:46

Kinhte&Xahoi Đến nay, 28/28 đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn thành việc tổ chức lấy ý kiến cử tri. Tổng số cử tri đồng ý chủ trương sắp xếp đạt 91,63%.

Đoàn khảo sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã Trung ương vừa có buổi làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Vĩnh Phúc không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp.

Toàn tỉnh có 6 huyện, thành phố có đơn vị hành chính cấp xã phải sắp xếp, gồm: Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Sông Lô, Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp là 22 đơn vị; trong đó có 6 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện sắp xếp.

Như vậy, giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh thực hiện sắp xếp 28 đơn vị hành chính cấp xã gồm 16 đơn vị hành chính không bảo đảm tiêu chuẩn và không có yếu tố đặc thù sáp nhập với 12 đơn vị hành chính cấp xã liền kề, để thành lập 13 đơn vị hành chính mới gồm: 9 xã, 1 phường, 3 thị trấn.

Thành phố Phúc Yên, Vĩnh Phúc dự kiến sáp nhập phường Trưng Trắc và phường Trưng Nhị thành phường mới Hai Bà Trưng (Ảnh: Bách Xanh).

Sau sáp nhập, toàn tỉnh có 121 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 88 xã, 15 phường, 18 thị trấn), giảm 15 đơn vị hành chính cấp xã. Đến nay, 28/28 đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp đã hoàn thành việc tổ chức lấy ý kiến cử tri.

Hiện tỉnh đang gặp khó khăn trong việc bố trí cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, đặc biệt là bố trí đội ngũ cán bộ cấp xã vì khó sắp xếp. Trưởng các tổ chức chính trị, xã hội sau sắp xếp chỉ được bố trí 1 người, trong khi đó trưởng một số tổ chức chính trị, xã hội chưa bảo đảm điều kiện để sát hạch, tiếp nhận sang công chức theo quy định.

Các thành viên Đoàn công tác đã đề nghị tỉnh làm rõ hơn một số vấn đề như yếu tố đặc thù của các đơn vị hành chính được đề nghị lùi thời gian sắp xếp; các vấn đề phù hợp, bảo đảm về quy hoạch, phát triển đô thị giữa xã và thị trấn; việc sắp xếp đội ngũ cán bộ dôi dư sau khi sắp xếp…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang cho biết, để xây dựng thành công Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Vĩnh Phúc chủ động xin ý kiến tham vấn từ các bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính để có sự điều chỉnh phù hợp.

Cùng với nhiều lợi thế và sự đồng thuận của người dân, thuận lợi về vị trí địa lý và các điều kiện bảo đảm khác, tỉnh đã đạt được kết quả tích cực như hiện nay. Với mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện Đề án một cách bài bản, khoa học nhất, tạo nền tảng vững chắc, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đề ra.

Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh, thành phố ban hành đề án sớm nhất của cả nước, tạo thuận lợi để các bộ, ngành nghiên cứu, xem xét và tham gia góp ý kiến. Bà Oanh đề nghị tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao hơn nữa trong các tầng lớp nhân dân. Kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, nhất là về chế độ, chính sách đối với cán bộ dôi dư sau sắp xếp.

Ngoài ra, tỉnh cần rà soát, lập danh sách cụ thể các công trình trụ sở công, từ đó có kế hoạch đầu tư, sửa chữa, nâng cấp phù hợp với thực tế của từng địa phương sau sáp nhập.

Quốc Bảo - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Làm gì để giảm hóa đơn tiền điện?

Ngay những ngày đầu mùa hè năm 2024, các cơ quan quản lý, nhà cung cấp điện đã đưa ra cảnh báo về nhu cầu sử dụng điện gia tăng. Trên thực tế, các cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp cũng đã và đang áp dụng nhiều biện pháp tiết kiệm điện, giúp cắt giảm đáng kể hóa đơn tiền điện.

link bài gốc https://phapluatplus.vn/tinh-vinh-phuc-trinh-chinh-phu-sap-nhap-28-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-198891.html