Tránh manh mún, dàn trải trong đầu tư công

27/12/2021 07:07

Kinhte&Xahoi Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu trên tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang cuối tuần qua về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới và một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư

Báo cáo của Tuyên Quang và ý kiến các bộ, ngành đánh giá, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Tuyên Quang đã có bước phát triển mạnh trên nhiều lĩnh vực.

Tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) hằng năm đạt 6,45%/năm. Năm 2021, tỉnh đạt những kết quả đáng ghi nhận trong phòng chống dịch, không phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. GRDP năm 2021 ước đạt 5,67%; thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch. Giải ngân vốn đầu tư công trong 11 tháng đạt 84,62% kế hoạch. Xuất khẩu tăng đột biến (49,8% so với cùng kỳ), vượt kế hoạch 11,3%.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang và những thành tựu quan trọng tỉnh đã đạt được, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của cả nước.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, tỉnh chưa phát triển nhanh và bền vững. Tiềm năng và mong muốn lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp, nguồn lực có hạn. Năng lực cạnh tranh chưa cao, chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2020 xếp thứ 35/63. Hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông còn rất khó khăn vì chỉ có đường bộ…

Về nhiệm vụ sắp tới, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã xác định rất rõ những định hướng, giải pháp lớn, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung cần tập trung trong năm bản lề 2022 và thời gian tiếp theo.

Trước hết, trên nền tảng những thành tích cơ bản của năm 2021, tỉnh cần cố gắng nhiều hơn nữa, phát huy thật tốt những kết quả đạt được, khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập, yếu kém. Đồng thời, quán triệt và thực hiện nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, cụ thể hóa đường lối Đại hội XIII trong thực hiện các nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, phải phòng chống dịch hiệu quả, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Tuyên Quang phải hoàn thành xây dựng các quy hoạch tỉnh trong quý I/2022 để xác định tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; đồng thời nhận thấy những mâu thuẫn, khó khăn, vướng mắc, bất cập; từ đó xác định những lĩnh vực trọng tâm để phát triển vừa phát huy được tiềm năng, lợi thế, song khắc phục được khó khăn, bất cập.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện các chỉ số về cải cách hành chính và chỉ số hài lòng của người dân, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, nhất là người đứng đầu. Tỉnh góp phần cùng cả nước bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân.

Thủ tướng lưu ý thêm, việc triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn cần phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh manh mún, dàn trải, kéo dài. Điều này đòi hỏi quyết tâm chính trị, sự thống nhất rất cao, Tuyên Quang phải cố gắng, chọn lọc các dự án trọng điểm, khả thi để triển khai, các bộ, ngành cùng chung tay, chung sức với Tuyên Quang…

Về các kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng nêu rõ quan điểm phải xử lý các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách để Tuyên Quang phát huy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên, phát triển, lấy nội lực là quyết định, cơ bản, chiến lược, lâu dài, ngoại lực là quan trọng và đột phá.

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo

Cuối tuần qua, Đoàn công tác của Trung ương do Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng làm Trưởng đoàn cũng đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa.

Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, nhất là tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Khánh Hòa đã cố gắng vượt qua thách thức và đạt được một số kết quả trên các lĩnh vực như thu ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 14.034 tỷ đồng, vượt 2% dự toán, tăng 1,5% so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 53.895 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2020; lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng - an ninh được giữ vững; công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên được tập trung triển khai có hiệu quả...

Tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Võ Văn Thưởng đánh giá, trong bối cảnh khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 và một số vấn đề còn tồn tại cần khắc phục sau thanh tra, kiểm tra của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương… Tỉnh đã làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, quan tâm đến công tác xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; thu hút vốn đầu tư tăng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 90%.

Thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa tiếp tục nhận thức sâu sắc về công tác xây dựng Đảng, xác định đây là nhiệm vụ then chốt, hàng đầu của Đảng bộ và cả hệ thống chính trị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy thông qua quy chế làm việc, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tỉnh Khánh Hòa cần quan tâm đến các chỉ số năng lực cạnh tranh của địa phương, làm tốt công tác quốc phòng - an ninh, trong đó có huyện đảo Trường Sa.

Đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm đến chất lượng cuộc sống của nhân dân trong từng chủ trương, chính sách, quyết sách, Thường thực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đồng ý với kiến nghị, đề xuất của tỉnh Khánh Hòa trong việc tổng kết Kết luận số 53-KL/TW ngày 24/12/2012 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, để qua đó Bộ Chính trị tiếp tục có chỉ đạo định hướng về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu một số giải pháp để giải quyết vấn đề nguồn lực. Theo đó, ngoài nguồn vốn Trung ương, phải phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, dựa vào trí tuệ con người, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để tạo động lực phát triển mới, tăng năng suất lao động. Cùng với đó, khai thác hiệu quả nguồn lực tự nhiên. Về nguồn lực tài chính, cần đẩy mạnh hợp tác công - tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để khai thông các nguồn lực. Cuối cùng, tăng cường phối hợp, hỗ trợ giữa các bộ ngành, địa phương để tranh thủ các nguồn lực phát triển.

H.Thư – B.An - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bánh kẹo “ba không” tung hoành dịp Tết

Càng gần Tết Nguyên đán, thị trường bánh, mứt, kẹo càng sôi động. Tuy nhiên, cùng với sự đa dạng về chủng loại, mối lo về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng gia tăng khi vẫn còn nhiều sản phẩm gia công kém chất lượng trà trộn.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/tranh-manh-mun-dan-trai-trong-dau-tu-cong-d173559.html