Vải thiều Bắc Giang “thần tốc” lên sàn thương mại điện tử

07/06/2021 16:24

Kinhte&Xahoi Tất cả các sàn thương mại điện tử lớn nhất trong nước đã cùng vào cuộc hỗ trợ người nông dân Bắc Giang tiêu thụ vải thiều chính vụ.

Đây là chương trình huy động tổng lực, do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với các sàn thương mại điện tử thực hiện.

Giao hàng nhanh

11h trưa qua, 6/6/2021, lần đầu tiên những người nông dân Bắc Giang đã live stream bán vải thiều từ vườn vải của mình trên fanpage và ứng dụng của Sendo.vn. Đại diện sàn thương mại điện tử (TMĐT) Sendo gọi đây là cuộc chuyển giao “công nghệ bán hàng” đặc biệt và thần tốc nhất từ trước đến nay.

Sendo sẽ trực tiếp mang những kinh nghiệm và sáng kiến mới cho chuyển đổi số nông nghiệp đến các hợp tác xã (HTX) tại Bắc Giang. Đây là cách thức Sendo lựa chọn nhằm tiêu thụ khoảng 100 tấn vải thiều Lục Ngạn - đặc sản Bắc Giang trong đợt bán đầu tiên.

Được biết, vải được bán qua sàn được canh tác theo tiêu chuẩn VietGap và cấp chứng nhận OCOP. Sau khi khách chốt đơn trên sàn, vải mới được hái xuống, đóng vào thùng xốp giữ lạnh đúng quy cách, dán tem truy xuất nguồn gốc và theo xe lạnh về Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh trong vòng 48 tiếng để giữ đủ độ tươi ngon khi đến tay khách hàng.

Vải thiều Bắc Giang xuất hiện đồng loạt trên tất cả các sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh các sàn có thế mạnh và đã có số lượng khách hàng lớn nhất định, 2 sàn TMĐT “sinh sau đẻ muộn” là Postmart - postmart.vn (của Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam) và Vỏ sò - voso.vn (Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel - Viettel Post) cũng chính thức kết hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ Bắc Giang tiêu thụ vải thiều.

Đại diện Vỏ sò cho biết, với mục tiêu tiêu thụ 100 tấn vải/ngày, tương đương khoảng 3.000 tấn trong vụ vải thiều năm nay thông qua kết hợp online và offline ở các Bưu cục khắp cả nước, sàn TMĐT Voso và Viettel Post đã lên kế hoạch từ sớm về việc chuẩn bị nguồn hàng cũng như nguồn lực về công nghệ, nhân sự và phương án triển khai trên toàn quốc.

Để có nguồn hàng sớm, có sản lượng lớn và chất lượng tốt nhất, sàn này đã phối hợp cùng Cục TMĐT & KTS, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang sớm làm việc với các nhà vườn, các HTX tại các địa phương trên toàn tỉnh để bao tiêu toàn bộ sản lượng.

Đáng chú ý, sàn Voso sẽ cho phép khách hàng lựa chọn nhận sản phẩm theo ngày (đặt đơn trước khi thu hoạch). Điều này sẽ giúp Voso chủ động phương án thu mua, đảm bảo chất lượng sản phẩm (sáng thu hoạch, chiều đến tay khách hàng) và tránh trường hợp ùn ứ khi sản phẩm vào mùa chính vụ.

Tương tự, sàn TMĐT Shopee cũng đã quyết định hỗ trợ các HTX, DN của Bắc Giang quảng bá và tiêu thụ mặt hàng vải thiều Lục Ngạn trên nền tảng của mình.

Cũng từ hôm qua (6/6/2021) Shopee đã tổ chức các chương trình khuyến mãi, hỗ trợ các chi phí vận hành kho và chi phí vận chuyển sản phẩm vải thiều giao ngay trong ngày tới tay người tiêu dùng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Shopee cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan, triển khai các hoạt động như đào tạo kinh doanh trực tuyến, các tiêu chuẩn về vận hành và đóng gói hàng hóa, các kỹ năng về quảng bá giới thiệu sản phẩm cho người nông dân.

Hệ thống siêu thị lớn vào cuộc

Trong vụ tiêu thụ vải thiều năm nay, các hệ thống siêu thị không chỉ thực hiện các chương trình bán hàng kích cầu truyền thống (offline) mà còn kết hợp với các sàn TMĐT để có thể mở rộng nhiều kênh tiêu thụ cho người dân.

Với thế mạnh có một hệ thống siêu thị rộng khắp Việt Nam (bao gồm Big C và Go Maket), Tập đoàn Central Retail đã hợp tác với sàn TMĐT Tiki tổ chức chương trình Ngày hội vải thiều từ ngày 5-20/6/2021 với phạm vi giao hàng toàn quốc. Tổng sản lượng Big C dự kiến tiêu thụ qua kênh online trong đợt đầu vào khoảng 100 tấn.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, cho biết, nhiều tháng qua, đội ngũ mua hàng của Tập đoàn đã đến thăm vườn vải của các hộ nông dân và HTX tại huyện Lục Ngạn, Bắc Giang và huyện Thanh Hà, Hải Dương, để cùng lên kế hoạch thu mua và phân phối. Các quy trình thu hoạch và vận chuyển bảo đảm an toàn phòng dịch theo dướng dẫn của các Bộ Y tế và Giao thông Vận tải.

Đại diện Cục TMĐT & KTS vừa cập nhật thông tin mới nhất, Vinmart cũng chính thức kết hợp với Lazada để tiêu thụ vải thiều online. Theo đại diện đơn vị này, với thế mạnh là một trong những sàn TMĐT có lượng người truy cập mua sắm cao tại Việt Nam, Lazada đang rất tích cực phối hợp đối tác FOODMAP (chuyên phân phối hàng nông sản) và Vinmart triển khai Chương trình phân phối vải thiều Bắc Giang trên Lazada ở khu vực Hà Nội và các tỉnh miền Nam, các thành phố lớn thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đại diện Lazada cho biết, các khâu chuẩn bị hàng hóa đã cơ bản hoàn tất, hiện Lazada, FOODMAP, Vinmart đang chuẩn bị phương án logistic cuối cùng để đồng thời mở bán trên Lazada từ ngày mai 8/6/2021.

Dự kiến xuất khẩu 300 - 400 tấn vải thiều Bắc Giang sang Nhật Bản

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Anh Dương, ngay sau Lễ xuất hành chuyến vải thiều sớm đầu tiên tại huyện Tân Yên đi thị trường Nhật Bản hôm 26/5 đến nay, Bắc Giang đã xuất khẩu (XK) sang thị trường Nhật Bản được 40 tấn vải thiều tươi, dự kiến từ nay đến cuối vụ XK được từ 300-400 tấn. Giá bán tại hệ thống siêu thị Aeon và một số điểm bán tại thị trường Nhật Bản dao động từ 1.650 yên - 1.800 yên (từ 350.000-400.000đ/kg) và được bán gần hết ngay từ những ngày đầu tiên.

Cũng theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, các lô vải thiều XK đều được phía Nhật Bản kiểm tra 100% đạt yêu cầu về kiểm dịch thực vật và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật dưới ngưỡng cho phép, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã được người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá cao và tin tưởng lựa chọn với giá bán rất cao.

Đặc biệt, ngày 12/3/2021, Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản đã chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang). Đây là sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, là điều kiện thuận lợi để vải thiều Bắc Giang XK sang thị trường Nhật Bản.

Năm nay, vùng sản xuất vải thiều sang thị trường Nhật Bản của Bắc Giang có 30 mã số vùng trồng, diện tích 219 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn.

 Tô My

 Nhật Thu - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chưa thể mở lại rạp chiếu phim

Mới đây, 4 đơn vị kinh doanh điện ảnh gồm CGV, Lotte, Galaxy và BHD vừa cùng ký vào văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất hỗ trợ thuế, lãi vay, các loại bảo hiểm, dịch vụ và đề nghị ghi nhận chiếu phim là hoạt động thiết yếu. Đề xuất này đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối do tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/vai-thieu-bac-giang-than-toc-len-san-thuong-mai-dien-tu-d157641.html