Vẫn phải là người tiêu dùng thông thái!

17/03/2022 10:59

Kinhte&Xahoi Ngày 10-7-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1035/QĐ-TTg lấy ngày 15-3 hằng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Từ đó đến nay, hoạt động bảo vệ quyền của người tiêu dùng đã được quan tâm hơn và có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, để phát huy tối đa quyền của mình, mỗi người tiêu dùng cần phải có nhận thức đúng, đầy đủ để tự bảo vệ bản thân, nhất là trong bối cảnh hội nhập, giao thương kỹ thuật số phát triển nhanh, mạnh, không ngừng thay đổi.

Một môi trường tiêu dùng lành mạnh sẽ tạo động lực phát triển cho nền kinh tế đất nước. Ảnh: Minh Trang

Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng

Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới (15-3) được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1983. Ngày Quyền của người tiêu dùng được ra đời nhằm cổ vũ cho những quyền cơ bản của người tiêu dùng, phản đối các hành vi vi phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, qua đó đề cao vai trò và vị thế của người tiêu dùng, đẩy mạnh công cuộc bảo vệ người tiêu dùng trên toàn thế giới.

Trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều cơ hội mở ra, trong đó có quyền tiếp cận với nhiều sản phẩm và dịch vụ với chất lượng đảm bảo và giá cả phù hợp cho người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình này cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro liên quan tới chất lượng hàng hóa, dịch vụ, ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng.

Nhận thức rõ điều đó, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm và ngày càng hoàn thiện về cơ sở pháp lý để tạo thuận lợi cho người dân. Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa 1999 (sau đó là Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa 2007) và Pháp lệnh Đo lường 1999 đã đề cập tới những điều khoản để người tiêu dùng không bị thiệt thòi khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ.

Đặc biệt, Luật Cạnh tranh năm 2004 đã có quy định cụ thể nhằm chống lại các tác động tiêu cực từ hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh làm phương hại đến quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, người tiêu dùng. Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng quy định cụ thể về việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Đó là chưa kể nhiều quy định chuyên ngành, đặc biệt là quy định về an toàn thực phẩm, đều có những điều khoản chặt chẽ nhằm ràng buộc trách nhiệm của nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ với người tiêu dùng…

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15-3), kể từ đó, nhiều hoạt động tích cực đã được tổ chức liên tục nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước.

Ngày Quyền của người tiêu dùng không chỉ hướng tới tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà còn tạo cơ sở huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trên cơ sở đó xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh cho cả người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; giữ ổn định và tạo động lực phát triển, đổi mới, sáng tạo cho nền kinh tế đất nước. Đây cũng là dịp để nâng cao trách nhiệm, khuyến khích sự hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Mới đây, Bộ Công Thương đã giới thiệu Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) để lấy ý kiến góp ý. So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (2010), dự thảo có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là về khái niệm người tiêu dùng, người tiêu dùng dễ bị tổn thương, quyền của người tiêu dùng, giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng… nhằm bảo vệ hiệu quả hơn quyền của người tiêu dùng trong tình hình mới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, những năm qua, bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ Trung ương tới địa phương không ngừng được hoàn thiện, đồng thời, có sự hỗ trợ nhằm phát triển mạnh mẽ mạng lưới các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên cả nước. Hệ thống Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 tại Bộ Công Thương đã được kết nối với trên 50% số tỉnh, thành phố để tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ giải quyết cho hàng nghìn phản ánh, khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng trên cả nước.

Nâng cao nhận thức để tự bảo vệ

Rõ ràng, các hành lang pháp lý, căn cứ để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã và đang ngày càng được hoàn thiện, thế nhưng, theo phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, vẫn xuất hiện không ít vụ việc xâm hại quyền của người tiêu dùng. Liên tiếp các vụ tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, thực phẩm không bảo đảm an toàn bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Đặc biệt, khi thương mại điện tử, bán hàng qua mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến, thì càng khó kiểm soát chất lượng, nguồn gốc hàng hóa. Và những lời phàn nàn, kêu ca cũng tăng lên khi gặp phải tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”, bán hàng theo địa chỉ ảo dẫn tới người tiêu dùng không biết tìm đâu để khiếu nại…

Nhiều người nói vui là mua hàng rong, mua ở chợ cóc, chợ tạm còn có thể gặp lại người bán để phản ánh chứ nhiều trường hợp mua hàng trên mạng rồi tìm người bán như “tìm kim đáy bể”. Trong những tình huống như vậy, người tiêu dùng luôn “cầm đằng lưỡi”, việc khiếu nại rất khó khăn và có tẩy chay sản phẩm thì cũng đã “được vạ, má sưng”.

Ở quy mô rộng hơn, những vụ việc lớn như kittest Việt Á hay chiêu trò đấu giá đất rồi bỏ cọc… có tác động rất lớn tới khách hàng là người tiêu dùng cuối cùng dù ai cũng nghĩ nó “chẳng liên quan tới mình”. Tất nhiên, những vụ việc lớn, đại án đó sẽ được các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm khắc nhưng việc khắc phục triệt để hậu quả sẽ không dễ dàng.

Để bảo vệ quyền lợi của chính mình, bên cạnh nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng chuyên ngành, mỗi người dân cần chủ động tìm hiểu, nâng cao nhận thức về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của bản thân. Đặc biệt, cần tìm hiểu kỹ lưỡng về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm thay vì chỉ nghe “người nổi tiếng” quảng cáo trên mạng xã hội. Đã có không ít sản phẩm kém chất lượng được “thổi” công dụng thông qua việc nhờ nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo trên mạng xã hội. Tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, thông tin về doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đơn vị cung ứng sản phẩm… chính là cách để không rơi vào “sự đã rồi”. Mà muốn làm được điều đó, không có cách gì khác là luôn cập nhật kiến thức pháp luật, kiểm tra, đối chiếu thông tin.

Được biết, cuối năm 2020, Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 5718/QĐ-UBND về việc đẩy mạnh triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Thành phố khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đưa chính sách, quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp... Cùng với đó là cảnh báo và hướng dẫn người tiêu dùng về cách thức mua hàng, các dấu hiệu nhận biết hàng thật, hàng giả; quy trình phản ánh, khiếu nại khi quyền của người tiêu dùng bị xâm hại hoặc khi phát hiện vi phạm. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng hàng hóa, dịch vụ; xây dựng cơ chế phối hợp, xử lý vi phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Rõ ràng, nếu người tiêu dùng tìm hiểu kỹ, quyền lợi sẽ không bị xâm hại.

 Song Linh - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cẩn trọng với thực phẩm chức năng bổ phổi trên chợ “ảo”

Lợi dụng tâm lý các F0 sau khi khỏi bệnh lo ngại bị hậu Covid-19, phổi và hệ hô hấp suy yếu, nhiều chợ thuốc “ảo” quảng cáo tràn lan các loại thực phẩm chức năng theo dạng hàng “xách tay”. Đáng lo hơn, người bán hàng cũng “kê đơn online” dù không qua trường lớp đào tạo về y khoa, dược phẩm nào.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1026986/van-phai-la-nguoi-tieu-dung-thong-thai