Xây dựng người Hà Nội tiêu biểu về phong cách ứng xử

07/09/2023 10:50

Kinhte&Xahoi Với vị thế là kinh đô lâu đời, Thủ đô của cả nước, Hà Nội mang trong mình đặc trưng hội tụ tinh hoa, kết tinh, lan tỏa phẩm chất, văn hóa của cả dân tộc. Thành phố hôm nay đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giao lưu hợp tác quốc tế sâu rộng.

Phần thi của các gia đình quận Ba Đình tại vòng sơ khảo liên hoan “Gia đình văn hóa tiêu biểu” thành phố Hà Nội lần thứ II năm 2023. Ảnh: Thư Ngọc

Trong dòng chảy ấy, thành phố xác định nhiệm vụ xây dựng người Thủ đô thanh lịch, văn minh là yếu tố cốt lõi góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển văn hóa, để Hà Nội thực sự tiêu biểu về lối sống, phong cách ứng xử.

Nêu gương - giải pháp lan tỏa văn hóa

Chương trình “Cùng áo dài kết nối di sản Hà Nội” diễn ra ngày 1-9 đã thực sự trở thành điểm nhấn trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9 của đất nước. Chia sẻ về chương trình, Họa sĩ, Nhà nghiên cứu văn hóa đồng thời là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt Nguyễn Đức Bình cho biết: "Hình ảnh người dân mặc áo dài đạp xe quanh những con phố cổ góp phần tôn vinh giá trị di sản văn hóa của Thủ đô, nét đẹp của áo dài giúp người dân, du khách nước ngoài có cái nhìn và hiểu biết rõ nét hơn về trang phục truyền thống của Việt Nam nói riêng, vẻ đẹp cũng như giá trị của di sản Hà Nội nói chung, từ đó lan tỏa nét đẹp văn hóa ứng xử trong cộng đồng”.

Cùng mong muốn lan tỏa nét đẹp văn hóa ứng xử, nhiều năm nay, Thành đoàn Hà Nội đã tích cực phối hợp với nhiều đơn vị nhân rộng mô hình đám cưới tập thể theo nếp sống mới. Với cách làm chủ động, sáng tạo, nhiều cấp bộ đoàn thành phố đã chung tay lan tỏa mô hình đám cưới tập thể, tiết kiệm, văn minh cho hàng ngàn cặp đôi trên địa bàn. Theo Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Nguyễn Đức Tiến, việc người trẻ chủ động, tích cực đăng ký tham gia đám cưới tập thể do Đoàn thanh niên tổ chức đồng nghĩa với việc chương trình, hoạt động của Đoàn đã thực sự lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng và xã hội, mang lại lợi ích chính đáng, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên thanh niên. Từ hoạt động này, nhiều cặp đôi sau khi tham gia đám cưới tập thể đã trở thành tuyên truyền viên tích cực cho phong trào của Đoàn.

Khó có thể kể hết những việc làm, hành động góp phần nêu gương, lan tỏa văn hóa ứng xử tốt đẹp trong suốt những năm qua. Đó có thể là phong trào giữ gìn ngõ phố xanh sạch đẹp, ngày hội sáng mãi nét đẹp thanh lịch - văn minh, mô hình chợ văn minh, tổ dân phố kiểu mẫu, văn hóa cúi chào, tuổi trẻ tuyên truyền trực quan quy tắc ứng xử nơi công cộng hay chung cư - cầu thang văn hóa. Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương cho biết, từ mô hình đầu tiên tại Trường Trung học cơ sở đô thị Việt Hưng, quận Long Biên đã đưa “văn hóa cúi chào” tới tất cả các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn trong năm học 2022-2023, phát huy vai trò “vườn ươm” nuôi dưỡng văn hóa ứng xử cho lớp trẻ...

Lan tỏa mạnh mẽ và đi vào thực chất hơn

Kiên trì mục tiêu xây dựng thành phố Hà Nội tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa, những năm qua, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. Theo đó, từ thành phố tới cơ sở đã nở rộ các hoạt động hưởng ứng, góp phần làm sâu sắc hơn các phong trào phát triển văn hóa. Tiêu biểu như: Phong trào cán bộ, công chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng; Hội thi Trưởng thôn thân thiện; Liên hoan gia đình văn hóa; Cuộc thi giữ gìn ngõ phố xanh, sạch, đẹp; Cuộc thi vẽ tranh cổ động về Quy tắc ứng xử nơi công cộng...

Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng cho biết, Cuộc thi giữ gìn ngõ phố xanh, sạch, đẹp là một trong những hoạt động được duy trì nhiều năm qua, đã và đang tạo nên không khí thi đua sôi nổi, thực chất ở cơ sở, với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả. Bằng quyết tâm thay đổi và sự vào cuộc của cả cộng đồng, phong trào giữ gìn ngõ phố xanh, sạch, đẹp không còn dừng ở một cuộc thi, mà đã thực sự được duy trì, nhân rộng, tạo thành nét văn hóa tích cực, đúng với mục tiêu thành phố đang hướng tới.

Để phong trào xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh ngày càng lan tỏa mạnh mẽ và đi vào thực chất hơn nữa, theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, trong năm 2023, cùng với các hoạt động, sự kiện được tổ chức thường niên, ngành Văn hóa Thủ đô đã phối hợp với nhiều đơn vị liên quan phát động Cuộc thi ảnh về cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội thực hiện Quy tắc ứng xử và Hội thi tuyên truyền viên trong vận động thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Cùng với đó, hoạt động kiểm tra, giám sát tiếp tục được tăng cường nhằm kịp thời biểu dương, khích lệ những mô hình hiệu quả, chỉnh đốn những vi phạm hay hỗ trợ cơ sở gỡ khó trong triển khai, thực hiện các phong trào xây dựng môi trường văn hóa, văn minh, lành mạnh.

 Nguyễn Thanh - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Giá hàng hóa, thực phẩm không “té nước" theo xăng

Ảnh hưởng từ thị trường thế giới, giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều chỉnh ngày 5-9 tăng nhẹ. Cụ thể, giá xăng tăng cao nhất là 270 đồng/lít (lần tăng thứ 6 liên tiếp), giá dầu tăng cao nhất 505 đồng/lít.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/xay-dung-nguoi-ha-noi-tieu-bieu-ve-phong-cach-ung-xu-640186.html