Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị ở Hà Nội: Nâng cao giá trị sản xuất, kiến tạo không gian xanh

27/09/2024 09:41

Kinhte&Xahoi Thành phố Hà Nội không có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn như nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước nhưng lại có lợi thế rất lớn, đó là Thủ đô của cả nước, đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về khoa học và công nghệ, nơi có thị trường khoảng 10 triệu dân, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rất lớn.

Tận dụng những lợi thế này, Hà Nội đã và đang xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị nhằm tạo sức bật tăng trưởng, nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích đất chật hẹp, kiến tạo không gian xanh cho đô thị...

Mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Ảnh: Ánh Dương

Diện tích nhỏ, lợi nhuận lớn

Từ trên đê sông Đáy nhìn xuống, cánh đồng rau thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) xanh mướt. Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ Nguyễn Văn Hào, hợp tác xã có 33ha rau trồng theo quy trình VietGAP. Rau của hợp tác xã chủ yếu cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng rau sạch trên địa bàn thành phố.

“Một năm người Tiền Lệ có thể quay vòng được 8 vụ rau ăn lá, mỗi vụ thu được từ 12 đến 15 triệu đồng/sào, cao hơn nhiều so với trồng lúa, ngô... Ở Tiền Lệ, nhiều gia đình làm từ 3 đến 5 sào rau, kinh tế gia đình ổn định, đóng góp vào kết quả xây dựng nông thôn mới của địa phương”, ông Nguyễn Văn Hào chia sẻ.

Cách Tiền Yên không xa, xã Đắc Sở là vùng trồng phật thủ lớn của huyện Hoài Đức và thành phố Hà Nội. Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Phật thủ Đắc Sở Nguyễn Quang Định thông tin, phật thủ là cây trồng ưa đất lạ. Những năm gần đây, người dân xã Đắc Sở phải đi khắp nơi thuê đất sản xuất. Hết chu kỳ 5-6 năm lại phải phá bỏ vườn, đi thuê chỗ mới để trồng, rất vất vả. Vì thế, một số người đã chuyển từ phật thủ lấy quả sang phật thủ làm cảnh.

“Trồng phật thủ cảnh, chúng tôi làm cây nhỏ, đưa vào chậu nên không tốn nhiều diện tích, có thể trồng ngay tại địa phương. Tính ra, mỗi sào trồng phật thủ cảnh nếu cắt tỉa, tạo dáng thế tốt, thu nhập bằng cả mẫu trồng phật thủ lấy quả, rất phù hợp với nông nghiệp đô thị”, ông Nguyễn Quang Định nói.

Tương tự, tại huyện Đan Phượng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Nguyễn Viết Ðạt cho biết, sản phẩm nông nghiệp của huyện có thị trường chính là nội thành. Khi đất đai bị thu hẹp, người dân tập trung sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu, nâng cao giá trị sản xuất. Hiện toàn huyện còn khoảng 2.000ha đất nông nghiệp, trong đó có 520ha trồng lúa, còn lại được chuyển sang trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả, rau màu chất lượng cao.

Nâng cao hiệu quả đất sản xuất nông nghiệp

Đến thời điểm này, thành phố Hà Nội đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 188/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thành phố cũng có 5 huyện đang xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển lên quận. Do đó, đô thị hóa là xu hướng tất yếu và thời gian tới, diện tích đất sản xuất nông nghiệp tiếp tục thu hẹp.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, thành phố hiện có khoảng 198.000ha đất nông nghiệp. Do tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Tuy nhiên, nông nghiệp Hà Nội lại có lợi thế lớn, khi có thị trường khoảng 10 triệu dân, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rất lớn. Trong bối cảnh đó, Hà Nội tập trung phát triển nông nghiệp đô thị với các giải pháp về công nghệ, sinh thái để nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích chật hẹp, tạo không gian xanh cho đô thị, tận dụng thị trường tại chỗ, tăng thu bằng kết hợp du lịch. Ðây là chiến lược để phát triển nông nghiệp Hà Nội theo hướng bền vững.

Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, sinh vật cảnh đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh tại Hà Nội. Hiện thành phố Hà Nội có hơn 8.100ha chuyên canh hoa, cây cảnh, đạt giá trị sản xuất khoảng 7.000 tỷ đồng. Trong đó, 70% diện tích được canh tác tập trung tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín. Nhiều mô hình trồng hoa, cây cảnh ứng dụng tiến bộ mới về giống, quy trình chăm sóc, nên năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Hoa, cây cảnh là cây trồng giá trị kinh tế cao, vừa tăng thu nhập cho nông dân, giúp tăng mảng xanh thực vật, làm đẹp cho Thủ đô, vừa kết hợp được với du lịch cho chính người dân đô thị.

Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra về xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" đã và đang chỉ đạo tiếp tục thực hiện cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm diện tích trồng lúa, tập trung phát triển lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng; mở rộng diện tích trồng rau, tăng diện tích hoa, cây cảnh.

Đồng thời, chuyển đổi các diện tích sản xuất lúa tại các vùng khó khăn về tưới tiêu sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất con giống, cơ cấu lại đàn vật nuôi, tập trung phát triển con giống chất lượng cao trên cơ sở lưu giữ và bảo tồn các giống bản địa chất lượng cao. Thành phố tiếp tục phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, phù hợp với từng vùng và định hướng phát triển của thành phố; từng bước giảm chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư…

hanoimoi.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Giá vàng nhẫn vượt vàng miếng SJC

Giá vàng hôm nay 12/7/2024 trên thị trường quốc tế tăng mạnh, vượt mốc 2.400 USD/ounce. Trong nước vàng nhẫn đã vượt vàng miếng SJC.

https://hanoimoi.vn/xay-dung-nong-thon-moi-gan-voi-phat-trien-do-thi-o-ha-noi-nang-cao-gia-tri-san-xuat-kien-tao-khong-gian-xanh-679436.html