Bất động sản sau COVID-19: Chuyên gia nhận định gì?

16/04/2020 10:13

Kinhte&Xahoi Các chuyên gia kinh tế cho rằng sau COVID-19, bất động sản vẫn là tài sản tích trữ an toàn, thậm chí còn tăng giá và thanh khoản cao do nhu cầu nhà ở còn rất lớn.

Sự bùng phát của COVID-19 đã tạo ra nhiều gián đoạn trong nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Nhiều dự án dự kiến được mở bán, tổ chức sự kiện quảng bá ra mắt rầm rộ nhưng phải huỷ để tránh tập trung đông người.

Giám đốc một công ty bất động sản tại Hà Đông, Hà Nội cho biết, dự kiến tháng 3 vừa qua, công ty ra mắt một dự án, nhưng vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên buộc phải lùi lại khoảng 1 - 2 tháng và sẽ bung hàng ngay khi có thể.

Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng được dự đoán bùng nổ sau dịch COVID-19.

Nhận định về diễn biến thị trường, giới chuyên gia cho rằng, khi dịch bệnh được khống chế, khả năng các chủ đầu tư sẽ đồng loạt đẩy sản phẩm, điều này sẽ khiến thị trường sôi động trở lại.

GS. Đặng Hùng Võ phân tích, hiện tại, do ảnh hưởng của dịch bệnh và chính sách giãn cách xã hội nên nhiều người có nhu cầu mua nhà cũng không thể đi ra ngoài để giao dịch. Ngoài ra, nhiều dự án có dự định mở bán trong quý I/2020 nhưng do dịch bệnh phải hoãn lại. Vì vậy, khi hết dịch, các dự án này sẽ bung ra thị trường và chắc chắn lượng giao dịch sẽ tăng lên nhanh chóng.

Cũng theo ông Võ, hiện nay các doanh nghiệp bất động sản đang được hỗ trợ bởi nhiều chính sách của Chính phủ, nên họ cũng sẽ bớt một phần khó khăn khi phải gồng mình chống dịch. Mới đây nhất, Nghị định 41 đã được thông qua, theo đó doanh nghiệp bất động sẽ được giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam - cũng cho biết, năm 2019, thị trường bất động sản được hỗ trợ bởi nhiều thông tin tốt như lượng cầu cao, dòng vốn vào Việt Nam cao, thu nhập bình quân đầu người gia tăng...

“Tôi không nghĩ rằng lực cầu rất tốt này có thể mất đi trong một chốc một lát được. Nhu cầu nhà ở chắc chắn còn tăng vì thực tế nó vẫn chưa được giải quyết tốt trong thời gian qua. Giờ việc cần làm là kiểm soát dịch bệnh thật tốt, tạo niềm tin cho thị trường. Bên cạnh đó, Nhà nước và doanh nghiệp cùng ngồi lại với nhau, tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, ách tắc, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, đầu tư”, ông Đính nói.

Dự đoán về thị trường bất động sản Hà Nội sau dịch COVID-19, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Việt Nam, Chi nhánh Hà Nội cho rằng, khu phía Tây dự kiến tiếp tục là trọng tâm phát triển của thành phố, khu phía Đông (huyện Gia Lâm hoặc Văn Giang, Hưng Yên) sẽ là khu vực tập trung nguồn cung lớn thứ hai trong năm.

Về các phân khúc bất động sản, ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho rằng bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn là những mảng có tiềm năng lớn.

Việt Nam hiện có tỷ trọng lớn về nguồn khách nội địa (chiếm khoảng 82,5% tổng lượt khách trong năm 2019) cũng như các nguồn khách từ thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc. Đây được xem là những yếu tố có lợi cho Việt Nam, bởi sau đại dịch họ có thể sẽ là những nhóm khách đầu tiên phục hồi trở lại.

“Đầu tư vào các dự án thương mại và du lịch, đặc biệt là khách sạn và khu nghỉ dưỡng thường mang tầm nhìn dài hạn. Do vậy, có thể nói những khó khăn hay biến động thị trường trong ngắn hạn chính là thử thách giúp sàng lọc, tìm kiếm nhà đầu tư thật sự có năng lực quản trị và tài chính cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, vốn được đánh giá có nhiều tiềm năng”, ông Mauro Gasparotti đánh giá.

Đưa ra những dự đoán về thị trường sau đại dịch COVID-19, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc CTCP BĐS EZ Việt Nam cho rằng, bất động sản chắc chắn sẽ phục hồi. Nhiều phân khúc sẽ có giao dịch tốt, đó chính là đất nền hoặc bất động sản thương mại có thể khai thác kinh doanh hoặc cho thuê. Đây là những tài sản tích trữ an toàn, thậm chí còn tăng giá và thanh khoản cao.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội giao 650 tỷ đồng vốn ủy thác giúp người nghèo vượt khó

Thường trực HĐND thành phố Hà Nội vừa đồng ý về nguyên tắc với đề xuất của UBND thành phố bổ sung 650 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác (đợt 1) qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn nhằm hỗ trợ phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do dịch Covid-19.

Theo VTC News/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/bat-dong-san-sau-covid-19-chuyen-gia-nhan-dinh-gi-d122034.html