Bộ Công Thương: Giá cả thị trường không 'sốt' trong ngày mùng 1 Tết

12/02/2021 23:07

Kinhte&Xahoi Mùng 1 Tết Tân Sửu (12/2), hoạt động mua bán hàng hóa vẫn chưa sôi động do phần lớn các cơ sở kinh doanh đều nghỉ và người dân chủ yếu đi chơi Tết, lễ chùa đầu năm.

 Thị trường ngày Mùng 1 Tết không có biến động về giá cả. (Ảnh minh hoạ)

Theo báo cáo nhanh của Bộ Công Thương, ngày mùng 1 Tết, tại các thành phố lớn, một số trung tâm thương mại, siêu thị mở cửa xuyên Tết phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân như Aeon Mall hay một số chuỗi hệ thống cửa hàng tiện lợi Circle K, Family Mart, B’s mart, 24h Cheers. Các siêu thị khác đã tăng thời gian hoạt động trước Tết và sẽ mở cửa sớm đầu năm Tân Sửu từ mùng 2 Tết.

Theo phong tục truyền thống, ngày Mùng 1 Tết người dân thường đi lễ đầu năm tại đền, đình, chùa nên các mặt hàng được tiểu thương bày bán và được tiêu thụ chủ yếu là các mặt hàng như hoa, quả tươi, bánh kẹo phục vụ cúng, lễ.

Tuy nhiên, năm nay nhu cầu ít hơn khá nhiều do người dân lo ngại lây nhiễm dịch COVID-19 nên cũng hạn chế đi lễ chùa. Các mặt hàng lương thực giá cả ổn định so với ngày hôm qua.

Dự báo trong ngày Mùng 2 Tết có thêm một số siêu thị mở cửa trở lại như Big C, Saigon Co.op, Aeon, MM Mega Market...Bên cạnh đó tiểu thương tại một số chợ lớn cũng bắt đầu bán hàng trở lại, chủ yếu tập trung vào mặt hàng rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống.

Về tình hình sản xuất kinh doanh hàng phục vụ Tết của các đơn vị ngành Công Thương tính đến ngày mùng 1 Tết Tân Sửu, các doanh nghiệp sản xuất ngành công nghiệp thực phẩm đã có kế hoạch sản xuất và hệ thống các nhà phân phối đã chuẩn bị dự trữ một lượng hàng hóa lớn. Nguồn cung hàng hóa vì thế dồi dào, giá cả ổn định.

Tại các siêu thị lớn như Vinmart, Big C, Lotte Mart, Co.op mart…lượng hàng hóa bánh kẹo được sản xuất trong nước bởi các Công ty như Kinh Đô, Orion, Hải Hà, Bibica… chiếm trên 80%, phần còn lại được nhập khẩu từ các nước trên thế giới.

Lượng khách hàng dịp trước tết tăng từ 35-40%, doanh thu tăng trên 30% so với ngày thường. 

Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đều tạm dừng sản xuất để nghỉ Tết, trừ một số doanh nghiệp trong ngành giấy, xi măng... vẫn duy trì sản xuất một sản lượng nhất định do đặc thù dây chuyền sản xuất phải vận hành liên tục của các ngành này.

Một số doanh nghiệp trong các ngành khác như điện tử, ô tô...duy trì vận hành một số bộ phận/dây chuyền có tính chất sản xuất liên tục (như dây chuyền sơn tĩnh điện trong các doanh nghiệp ô tô...), tuy nhiên không sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh mới...

Nguồn cung và giá cả các mặt hàng nhìn chung ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Giá cả một số hàng hoá thiết yếu có tăng nhẹ phù hợp với quy luật cung cầu thị trường song không có đột biến. 

 Minh Anh - Theo VTC News

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kinh tế đô thị - động lực phát triển của Thủ đô

Cụm từ “kinh tế đô thị” mới được đề cập trong vài năm gần đây ở Việt Nam, dù nó đã phát triển và thu được những kết quả đáng ghi nhận tại nhiều nước trên thế giới. Trong xu hướng hội nhập, Thủ đô Hà Nội cũng đứng trước cơ hội để phát huy tiềm năng sẵn có, đưa kinh tế đô thị trở thành động lực quan trọng cho phát triển.

Bản lĩnh và quyết tâm mang thương hiệu Hà Nội

Hà Nội cùng cả nước đã đi qua năm kế hoạch 2020, với nhiều thách thức, bất lợi do dịch Covid-19 gây ra. Tuy vậy, nền kinh tế Thủ đô vẫn gặt hái nhiều thành tựu đáng ghi nhận, tạo dấu ấn trên bình diện quốc gia cũng như trong khu vực. Đó cũng là hành trang để chúng ta bước vào năm 2021, với khát vọng, mục tiêu cao hơn, sự quyết tâm, cải cách, bứt phá mạnh mẽ hơn.

Link bài gốc https://vtc.vn/bo-cong-thuong-gia-ca-thi-truong-khong-sot-trong-ngay-mung-1-tet-ar596132.html