Bộ Công Thương ra Chỉ thị khẩn tạo thuận lợi lưu thông, hỗ trợ tiêu thụ nông sản

26/05/2021 22:38

Kinhte&Xahoi Bộ Công Thương vừa có Chỉ thị yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông, tăng cường hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản tại thị trường trong nước.

Để bảo đảm mục tiêu kép vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong vận chuyển, lưu thông để tiêu thụ hàng hóa, Bộ Công Thương mới có Chỉ thị yêu cầu Vụ Thị trường trong nước làm đầu mối, phối hợp các đơn vị của Bộ chỉ đạo, hỗ trợ hệ thống phân phối, tăng lượng tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh.

 Hà Nội hỗ trợ tiêu thụ nông sản Hải Dương do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hồi tháng 3/2021

Phối hợp Cục Xúc tiến thương mại, thông qua Sở Công Thương tăng cường các hoạt động kết nối các DN phân phối lớn với các địa phương, thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường. Triển khai, đề xuất các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân được lưu thông thông suốt.

Phối hợp với Sở Công Thương các địa phương để theo dõi sát diễn biến thị trường, có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị hướng xử lý các bất ổn của thị trường, đặc biệt là một số mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu và điều phối giữa các địa phương khi cần.

Cục Xúc tiến Thương mại làm đầu mối chủ trì, phối hợp các đơn vị thuộc Bộ, hỗ trợ và đôn đốc các Hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, ngành hàng, tìm kiếm mở rộng thị trường trong nước, để nhanh chóng đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn đã vào vụ hoặc sắp thu hoạch ở các địa phương.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chỉ đạo, hướng dẫn các sàn giao dịch thương mại điện tử tạo điều kiện cho người bán, thương nhân kinh doanh nông sản tham gia sàn, đào tạo kỹ năng và vận hành hoạt động kinh doanh trực tuyến; hỗ trợ vận chuyển; thanh toán trực tuyến; hỗ trợ và ưu tiên các thương nhân kinh doanh nông sản tham gia các Chương trình ngày mua sắm trực tuyến; Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia…

Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường, kế hoạch cao điểm; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính; kinh doanh hàng nông sản nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và các hành vi gian lận thương mại khác.

Phối hợp với Vụ Thị trường trong nước, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho các Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, tiêu thụ hàng hóa nông sản; tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng khi lưu thông qua các tỉnh, thành phố.

Sở Công Thương các tỉnh, thành phố thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người vừ phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu. Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các DN, hợp tác xã phân phối, có giải pháp ưu tiên, khuyến khích các DN sản xuất, chế biến, phân phối trên địa bàn chủ động, tăng khả năng tiêu thụ các mặt hàng nông sản của các địa phương từ hai lần trở lên so với năm 2020…

Các Hiệp hội ngành hàng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương chỉ đạo các thành viên Hiệp hội tăng khả năng tiêu thụ các mặt hàng nông sản của các địa phương, chủ động tổng hợp, đề xuất các biện pháp hỗ trợ DN phân phối ứng phó kịp thời với những biến động bất thường để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh.

Chỉ đạo, vận động các thành viên Hiệp hội mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động (theo đúng quy định của pháp luật) tại các khu công nghiệp, khu đông dân cư để mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, kịp thời phục vụ người tiêu dùng cả trong điều kiện bình thường hay giãn cách, cách ly xã hội.

Các đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và báo cáo tình hình triển khai, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị và gửi về Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) vào ngày 12 và ngày 25 hàng tháng.

 Ánh Ngọc - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Dừng hoạt động nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ, chỉ cho phép bán hàng mang về

Từ 12h00 ngày 25/5/2021: Tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đến khi có thông báo mới của Thành phố, cụ thể: Nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người; các cửa hàng cắt tóc, gội đầu.

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/bo-cong-thuong-ra-chi-thi-khan-tao-thuan-loi-luu-thong-ho-tro-tieu-thu-nong-san-421159.html