BQL khu công nghệ cao TP. HCM mắc nhiều sai phạm tại dự án khu nhà ở và dịch vụ chuyên gia
Kinhte&Xahoi
Thanh tra TP.HCM đã chỉ ra nhiều sai phạm của BQL Khu công nghệ cao tại Dự án khu nhà ở và dịch vụ chuyên gia.
Mới đây, Phó Chánh thanh tra TP. HCM Trần Đình Trữ vừa ký ban hành Thông báo Kết luận thanh tra (KLTT) số 121/TB –TTTP-P1 ngày 25/8/2023 về thanh tra toàn diện Dự án khu nhà ở và dịch vụ chuyên gia tại khu Công nghệ cao Thành phố do Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ Công nghệ cao làm chủ đầu tư.
Theo đó, KLTT đã chỉ ra những sai phạm của Ban Quản lý (BQL) Khu công nghệ cao và chủ đầu tư là Công ty CP Thương mại - Dịch vụ Công nghệ cao, tại Dự án khu nhà ở và dịch vụ chuyên gia.
Cụ thể, đối với BQL Khu công nghệ cao, KLTT chỉ rõ đã thiếu kiểm tra, rà soát dẫn đến trong tổng diện tích đất mà BQL Khu công nghệ cao bàn giao cho Công ty CP Thương mại - Dịch vụ Công nghệ cao (gọi tắt là Công ty Công nghệ cao) để thực hiện dự án còn khoảng 1,9 ha diện tích đất của 2 hộ dân chưa được bồi thường.
Việc này có phần trách nhiệm của UBND quận 9 (nay là TP. Thủ Đức) đã không bám sát, thiếu chặt chẽ khi tiến hành kê khai, kiểm kê hiện trạng đất đai, tài sản gắn liền với đất để thực hiện công tác việc bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với toàn Khu công nghệ cao.
BQL Khu công nghệ cao chưa xác định đúng diện tích đất cho thuê, thời điểm tính tiền thuê đất dẫn đến việc xác định số tiền thuê đất phải thu (chu kỳ 5 năm từ 2014-2018) không chính xác, chậm xác định số tiền thuê đất cho chu kỳ 5 năm tiếp theo (từ năm 2019-2023) dẫn đến việc Công ty Công nghệ cao vẫn chưa nộp tiền thuê đất từ năm 2019 đến nay, làm thất thu ngân sách nhà nước.
Khu Công nghệ cao TP. HCM. Ảnh internet
KLTT cũng chỉ ra việc thực hiện thu phí an ninh trật tư đối với Công ty công nghệ cao khi chưa được sự chấp thuận của UBND Thành phố, chưa thực hiện theo hướng dẫn của Sở Tài chính là chưa đảm bảo quy định.
BQL Khu công nghệ cao phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án có một số nội dung chưa phù hợp với quy chuẩn và quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000.
Trước khi phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết 1/500, BQL Khu Công nghệ cao có lấy ý kiến và được Sở Quy hoạch - Kiến trúc thống nhất bằng văn bản (riêng đối với chỉ tiêu quy mô dân số, Sở Quy hoạch - Kiến trúc không có ý kiến do tại thời điểm đó chưa có quy định pháp luật về tiêu chí, tiêu chuẩn, chỉ tiêu quy hoạch áp dụng cho đối tượng Nhà ở chuyên gia trong Khu công nghệ cao).
Ngoài ra, BQL Khu công nghệ cao buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để chủ đầu tư ký kết hợp đồng cho thuê nhà có một số trường hợp không đúng đối tượng, không đảm bảo về thời hạn cư trú trong Khu công nghệ cao; cần phải chấn chỉnh, khắc phục ngay đảm bảo sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước….
“Các tồn tại, sai sót, vi phạm nêu trên trách nhiệm chính thuộc về Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch, xây dựng và môi trường, Trưởng BQL các dự án đầu tư - xây dựng thời kỳ có liên quan.
Trưởng BQL Khu công nghệ cao thời kỳ có liên quan chịu trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu; Sở Quy hoạch - Kiến trúc chịu trách nhiệm liên đới đối với những sai sót trong phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500”, KLTT nêu.
Với những sai phạm trên, Thanh tra TP HCM kiến nghị xử lý những sai phạm trên, cụ thể: Giao BQL Khu công nghệ cao tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý từng thời kỳ có liên quan đến những sai sót, vi phạm đã nêu; đề xuất hình thức xử lý cụ thể đối với chủ đầu tư đối với những sai phạm đã nêu tại kết luận thanh tra.
Khẩn trương xác định đơn giá, diện tích đất cho Công ty Công nghị cao thuê để thực hiện dự án làm cơ sở tính và thu tiền thuê đất (chu kỳ 5 năm tiếp theo từ 2019-2023) đảm bảo đúng, đủ, kịp thời.
Phối hợp với UBND Thành phố để có ý kiến chỉ đạo, xử lý đối với việc thu phí an ninh, trật tự chưa đảm bảo quy định….
Thanh tra TPHCM giao Chánh Thanh tra theo dõi, đôn đốc, giám sát và xử lý sau thanh tra đối với KLTT nêu trên theo quy định; báo cáo kết quả thực hiện cho UBND thành phố.
Khu công nghệ cao TP. HCM được quy hoạch năm 1998, khánh thành năm 2002, là một trong ba khu công nghệ cao quốc gia do Chính phủ thành lập. Đây là khu kinh tế, kỹ thuật có tính chất đặc biệt nhằm tập trung thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời huy động các nguồn lực trong nước về khoa học, công nghệ cao, hình thành lực lượng sản xuất hiện đại.
Được biết, quá trình xây dựng khu công nghệ cao cũng xảy ra nhiều khiếu kiện kéo dài, chủ yếu tập trung vào bồi thường và giải phóng mặt bằng.
|
N. Trường - Pháp luật Plus