Nhiều người Mỹ đang nghĩ rằng tại sao rồi tự nhiễm biến thể Omicron để khỏi bệnh cho xong? Các triệu chứng rất nhẹ mà. Qua đó còn có thể tăng cường miễn dịch nữa?
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết đây là một ý tưởng “không thể chấp nhận được”. Tiến sĩ Paul Offit, Giám đốc Trung tâm vắc xin tại Bệnh viện Nhi Philadelphia, Mỹ cho biết có thể biến thể Omicron có thể gây ra khả năng ít nhập viện hơn, ít khả năng phải đến ICU (khu chăm sóc đặc biệt).
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nó không thể là một căn bệnh nghiêm trọng. “Nó chỉ là ít nghiêm trọng hơn. Người mắc hoàn toàn có khả năng tử vong. Do vậy, hãy từ bỏ ý nghĩ cố tình nhiễm COVID-19”
Mỹ vẫn là quốc gia có nhiều ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới (Ảnh: Getty)
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Robert Murphy, Giám đốc điều hành viện Havey về Sức khỏe toàn cầu tại Đại học Y khoa Northwestern Feinberg (Mỹ), cho rằng Omicron là biến thể lây lan mạnh, có thể xâm nhập và tấn công mọi đối tượng, từ những người bài vắc xin cho tới người tiêm hai mũi, người tiêm mũi tăng cường.
“Thật là điên rồ nếu cố tìm cách để nhiễm Omicron. Điều đó chẳng khác nào việc chơi với thuốc nổ cả”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Ông Murphy nói thêm: “Mọi người đang nói về Omicron giống như là một cơn cảm lạnh. Tuy nhiên, đây không phải là một cơn cảm lạnh thông thường, đó là một căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng”.
Theo các chuyên gia, có nhiều lý do không bao giờ nên cố tình để nhiễm biến thể Omicron.
Thứ nhất Omicron không phải là một “cơn cảm lạnh tồi tệ”. Theo tiến sĩ Murphy, sốt cao, đau nhức toàn thân, sưng hạch bạch huyết, đau họng, nghẹt mũi thường là những triệu chứng được ghi nhận ở người nhiễm Omicron dù chỉ là thể trung bình, nhẹ, khiến người bệnh suy nhược trong nhiều ngày.
Một nghiên cứu gần đây do Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy những người nhiễm COVID-19 từ 65 tuổi trở lên, hệ miễn dịch suy yếu hoặc mắc bệnh nền có nguy cơ cao chuyển nặng sau nhiễm virus.
Bên cạnh đó, COVID-19 có thể vẫn để lại di chứng lâu dài đối với người đã khỏi bệnh. Mất khứu giác, mất vị giác đã trở thành triệu chứng ngày một phổ biến ở người mắc COVID-19. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoảng 80% số bệnh nhân sẽ hồi phục được khứu giác và vị giác trong vòng một tháng.
Tuy nhiên, một số có thể rơi vào tình trạng mất mùi, mất vị sau hơn 6 tháng, thậm chí một số có thể không bao giờ lấy lại được hai giác quan này.
Nhiều người Mỹ đang có tâm lý cố tình nhiễm Omicron cho xong chuyện (Ảnh: VCG)
Một mối nguy khác là hội chứng COVID-19 kéo dài. Đó là tình trạng xảy ra ở người hồi phục sau khi mắc COVID-19 nhưng vẫn chịu những tác động dai dẳng như khó thở, mệt mỏi, sốt, chóng mặt, đánh chống ngực, đau cơ, đau bụng, mất ngủ. Một số dạng COVID-19 kéo dài có thể gây tổn thương phổi, tim, thận và sức khỏe thần kinh.
Mặt khác nếu cố tình lây nhiễm virus SARS-CoV-2, tỷ lệ lây nhiễm cho trẻ em sẽ gia tăng. Dữ liệu từ Học viện Nhi khoa Mỹ cho thấy số ca mắc Covid-19 ở trẻ em đang gia tăng, vượt xa cả mức đỉnh điểm trong các đợt bùng phát dịch trước đây.
Theo CDC Mỹ, trẻ em thường có triệu chứng nhẹ sau khi nhiễm COVID-19, song biến chủng Omicron lan nhanh khiến số người dưới 18 tuổi nhập viện đạt kỷ lục. “Cách tốt nhất để bảo vệ con em là đưa chúng đi tiêm chủng khi đủ điều kiện, đồng thời tiêm vắc-xin cho bản thân để không làm lây lan virus”, Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc CDC, cho biết.
Mặt khác, tiến sĩ Murphy cũng cho biết việc cố tình nhiễm bất kỳ biến thể nào của SARS-CoV-2, cũng sẽ khiến đại dịch trở nên dai dẳng và gây căng thẳng cho hệ thống y tế.
Cuối tuần qua, gần một phần tư trong số hơn 5.000 bệnh viện ở Mỹ đã báo cáo với Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) nước này cho biết họ đang bị thiếu hụt nhân viên y tế nghiêm trọng. Đó là một con số lớn hơn bất kỳ thời điểm nào khác kể từ khi đại dịch bùng phát.
Ngoài ra, dữ liệu HHS cho thấy các ICU các giường chăm sóc đặc biệt trên toàn quốc đã được lấp đầy hơn 80%, với gần 30% số giường được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Bác sĩ buộc phải cắt giảm nhiều ca phẫu thuật tự chọn, giới chức lo ngại hệ thống y tế quốc gia không còn sức làm nhiệm vụ.
Trước đây trên ý tưởng cố tình nhiễm virus để miễn dịch đã từng xuất hiện. Theo đó, các bậc phụ huynh ở Mỹ đã từng tổ chức tiệc thủy đậu để cho con mình tiếp xúc với một đứa trẻ bị nhiễm bệnh với ý nghĩ triệu chứng bệnh khi lớn sẽ nặng hơn. Do đó họ muốn con cái họ nhiễm sớm để cho xong chuyện.
Tiến sĩ Offit cho rằng đó là ý tưởng tồi và cho rằng “đừng đùa với mẹ thiên nhiên”. Ông cho biết một người thân của ông đã đưa con đến một bữa tiệc thủy đậu. Đứa trẻ sau đó tử vong vì nhiễm virus.
Tuệ Uyên - TTTĐ