Các nước tăng cường biện pháp phòng ngừa biến thể Omicron
Kinhte&Xahoi
Biến chủng Omicron tiếp tục lây lan ra nhiều quốc gia trên thế giới. Dù chưa có thông tin về ca tử vong nào do Omicron nhưng đây vẫn là một mối quan ngại lớn trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài trong suốt 2 năm qua.
Hàn Quốc ghi nhận ít nhất 9 ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên (Ảnh: Reuters)
Trong bối cảnh các ca nhiễm mới theo ngày liên tục cao kỷ lục (trên 5.000 ca/ngày) trong ngày thứ hai liên tiếp tính đến ngày 5/12, bắt đầu từ thứ Hai, xứ sở kim chi đã áp đặt trở lại các quy định siết chặt phòng chống dịch COVID-19. Hàn Quốc cũng ghi nhận 9 ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên.
Các bệnh viện ở Hàn Quốc cũng ngấp nghé mức quá tải. Tỷ lệ sử dụng giường bệnh nhân nặng trên toàn quốc là 80%, khu vực thủ đô Seoul là 90%.
Theo quy định mới, số người được phép tụ tập đối đa ở thủ đô Seoul và khu vực lân cận là 6, các địa phương còn lại là 8, giảm 4 người so với quy định hiện nay. Khách đến các cơ sở kinh doanh có nguy cơ cao như nhà hàng, quán cà phê, rạp chiếu phim, thư viện, bảo tàng, phòng tập thể dục… phải xuất trình thẻ vắc xin tức là đã tiêm đủ 2 mũi hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính.
Từ ngày 1/2/2022, thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12 đến 18 cũng sẽ được yêu cầu xuất trình thẻ vắc xin từ ngày 1/2/2022.
Toàn bộ người nhập cảnh Hàn Quốc từ nước ngoài phải thực hiện cách ly 10 ngày bất kể đã tiêm chủng hay chưa cho đến hết ngày 16/12.
Tại Indonesia, tất cả các hoạt động tập trung đông người chào đón dịp lễ cuối năm đều bị cấm nhằm ngăn chặn nguy cơ xuất hiện các ổ dịch mới, nhất là trong bối cảnh biến thể Omicron đang gây quan ngại trên thế giới. Theo đó, các hoạt động tập trung đông người như bắn pháo hoa, diễu hành, rước kiệu… sẽ bị cấm hoàn toàn. Trong khi đó, các quy định hạn chế các hoạt động cộng đồng.
Quy định phòng dịch cấp độ 3 sẽ được áp đặt đối với các hoạt động tôn giáo trong dịp lễ Giáng sinh, tham quan du lịch và các trung tâm mua sắm. Các giao thức y tế cũng sẽ được siết chặt và giám sát tại một số điểm, trong đó tập trung vào các nhà thờ, khu mua sắm và địa điểm du lịch.
Singapore siết chặt quy định xét nghiệm đối với người nhập cảnh (Ảnh: Straitstimes)
Theo Bộ Y tế Singapore, kể từ ngày 7/12, tất cả du khách nhập cảnh đảo quốc sư tử qua làn đi lại cho người đã tiêm vắc xin (VTL) sẽ phải thực hiện thêm các xét nghiệm nhanh kháng nguyên hằng ngày. Các quy định xét nghiệm tăng cường này sẽ được duy trì trong ít nhất trong 4 tuần, đến hết ngày 2/1/2022.
Như vậy, ngoài việc tới các trung tâm chỉ định để xét nghiệm vào ngày thứ 3 và 7 sau khi nhập cảnh, du khách sẽ phải tự làm xét nghiệm và chỉ được ra khỏi nơi cư trú nếu có kết quả âm tính.
Tính đến thời điểm hiện tại, biến thể Omicron đã được phát hiện ở ít nhất 17 bang của Mỹ. Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ, nhấn mạnh: “CDC tiếp tục khuyến nghị đeo khẩu trang ở các không gian công cộng trong nhà tại những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.
Người dân hãy rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách xã hội. Những phương pháp này có tác dụng ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, bất kể virus có trình tự gene như thế nào. Đối với những người trưởng thành chưa được tiêm vắc xin, bây giờ là lúc để tiêm chủng, bởi một biến thể càng nhiều đột biến thì cơ thể càng cần tăng miễn dịch để đối phó”.
Chính phủ Anh đã áp dụng trở lại quy định yêu cầu người nhập cảnh nước này phải trình kết quả xét nghiệm COVID-19 ngay tại điểm đến.
Theo đó tất cả du khách từ 12 tuổi trở lên sẽ phải thực hiện xét nghiệm trong vòng 48 giờ trước khi đến Anh từ ngày 7/12. Theo quy định hiện hành, người nhập cảnh chỉ cần xét nghiệm PCR vào ngày thứ 2 sau khi đến Anh và tự cách ly cho đến khi nhận được kết quả xét nghiệm âm tính.
Bên cạnh đó, bộ Y tế Anh cũng kêu gọi người dân tiêm mũi tăng cường vắc xin; Đồng thời khẳng định tiêm chủng là tuyến phòng thủ đầu tiên để chống COVID-19.
Brazil ít nhất đã ghi nhận 6 ca nhiễm biến thể Omicron. Do đó, Chính quyền nhiều thành phố và Rio de Janeiro của Brazil đã hủy lễ hội đón mừng năm mới 2022
Chính quyền thành phố cũng yêu cầu người dân trình chứng nhận tiêm đủ mũi ngừa COVID-19 khi vào các thẩm mỹ viện, nhà hàng, quán bar và khách sạn. Trước đó, Brazil chỉ yêu cầu trình chứng nhận COVID-19 khi vào rạp chiếu phim, nhà hát, các cơ sở thể dục thể thao, bảo tàng và sân vận động.
Hơn 20 thành phố khác của Brazil, trong đó có thành phố đông dân Sao Paulo, cũng đã hủy các lễ hội cuối năm. Theo thống kê, dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 615.000 người ở Brazil và nước này hiện có số người tử vong cao thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ.
Ngọc Ly - TTTĐ