Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ tại Quảng Trị.
Xuất hiện bão mới ngoài biển Đông
Tại cuộc họp, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin, hiện có cơn bão mới xuất hiện ngoài Biển Đông - bão Atsani (tên bão do Thái Lan đề cử, có nghĩa là Tia chớp) và một vùng đối lưu. Dự báo, cơn bão này có khả năng đi vào biển Đông vào ngày 7/11 rồi suy yếu thành ATNĐ, vùng áp thấp vào khoảng ngày 8-9/11 và có thể tan trên biển Đông.
“Hiện chúng tôi đang theo dõi bão Atsani cũng như vùng đối lưu đi vào biển Đông với sức gió mạnh cấp 9 -10. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia sẽ theo dõi chặt chẽ bão và vùng đối lưu này cũng như các hình thái thời tiết nguy hiểm khác để kịp thời cung cấp những bản tin dự báo, cảnh báo”, ông Hoàng Phúc Lâm lưu ý.
Ông Hoàng Phúc Lâm cũng nhấn mạnh, do ảnh hưởng của ATNĐ nên trong ngày 6/11, các tỉnh, thành phố Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định có mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 80 -150mm; Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50-80mm.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão, hiện các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa đã tiến hành rà soát, sơ tán dân trước khi bão, ATNĐ đổ bộ. Tổng số đã thực hiện sơ tán 3.393 hộ/13.167 người, trong đó: Quảng Ngãi 2.381 hộ/9.495 người, Phú Yên 1.012 hộ/2.989 người.
Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Phó trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tham mưu Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nêu rõ, tính đến ngày 6/11, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 49.884 phương tiện/232.118 người biết diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, hiện không còn tàu hoạt động trong khu vực nguy hiểm.
Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các đơn vị Biên phòng sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với mưa lớn, phối hợp với chính quyền địa phương thông báo cho người dân khu vực miền Trung, Tây Nguyên về tình hình mưa lớn để người dân chủ động các biện pháp phòng tránh.
Phía Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cũng cho biết, Ủy ban tiếp tục chỉ đạo Quân khu 4, Quân khu 5 phối hợp với các địa phương khắc phục hậu quả bão lũ và tìm kiếm cứu nạn.
Triển khai các biện pháp ứng phó
Sau khi nghe các đơn vị chia sẻ thông tin, Phó Chánh Văn phòng BCĐTƯ về PCTT, Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục PCTT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đức Quang nhấn mạnh: “Các lực lượng chức năng cần phối hợp với chính quyền địa phương hết sức lưu ý tình hình mưa tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Theo dự báo, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn tại các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên, do vậy, các địa phương chịu ảnh hưởng chủ động trong công tác ứng phó đặc biệt là các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi... nơi đã chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ và hoàn lưu bão số 9 vừa qua”.
Các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng mưa lớn kiểm tra, hướng dẫn và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, khu vực ven sông, suối, hạn lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập sâu, chia cắt, cô lập. Vận hành, bảo đảm an toàn công trình và hạ du các hồ đập thuỷ lợi, thuỷ điện đặc biệt đối với các hồ đập nhỏ, các hồ đập xung yếu.
Phó Chánh Văn phòng Nguyễn Đức Quang yêu cầu các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời triển khai công tác ứng phó và cứu hộ cứu nạn khi có tình huống. Tiếp tục công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 9 và mưa lũ sau bão, giúp dân sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống...
Ở diễn biến khác, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung Trung bộ vừa phát đi cảnh báo, từ đêm 6/11, mưa lớn xuất hiện dẫn đến nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất từ Quảng Bình đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên.
Nguy cơ ngập lụt vùng trũng thấp, các khu đô thị, đặc biệt tại các huyện Phước Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My (Quảng Nam); Trà Bồng, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Đức Phổ, thành phố Quảng Ngãi (Quảng Ngãi); An Lão, Hoài Ân, thị xã Hoài Nhơn, Vĩnh Thạnh (Bình Định). Đặc biệt, tại tỉnh Quảng Nam đang có mưa lớn, các huyện miền núi Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn... tiếp tục đối mặt với nguy cơ sạt lở núi, lũ quét, các địa phương đồng bằng ngập lụt.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cũng hướng dẫn, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá.
Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như: mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền, bảo đảm an toàn tính mạng.
Bùi Mếm - Vũ Anh - Pháp luật Plus