Báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, tính đến sáng 30/9, mưa lũ trong mấy ngày qua tại Nghệ An đã khiến 3 người chết, 3 người bị mất tích; 9 nhà bị thiệt hại hoàn toàn và 8.139 nhà bị ngập trong nước.
Ngoài ra, có khoảng 1.138ha lúa, 5.838ha hoa màu, 104,5ha cây công nghiệp và cây lâu năm, 5.142ha thủy sản bị ngập; 287ha rừng trồng. Đặc biệt, mưa lũ cũng khiến 209 con gia súc, 34.423 con gia cầm bị chết, cuốn trôi và 28 điểm trường bị ảnh hưởng.
Các địa phương cần chủ động các phương án ứng phó với nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất
Mưa lũ tại địa phương này đã khiến 1.890m kênh; 49 đập loại nhỏ bị hư hỏng sạt lở; 71 cống bị hư hỏng; Sạt lở 1.030m bờ sông; Ngoài ra có 31 vị trí bị ngập, 41 vị trí bị sạt lở ta luy.
Theo Trung tâm Khí tượng và Thủy văn Quốc gia, tính đến sáng 30/9, một số khu vực thuộc các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh đã bão hòa hoặc đạt trạng thái gần bão hòa (trên 85%) về độ đất ẩm.
Trong 6 giờ qua, khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Tây Hiếu 135mm, Nông Trường 15 89mm, (Nghệ An); Xuân Lẹ 86mm (Thanh Hóa)…
Dự báo trong 6 giờ tới, khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh tiếp tục có mưa; Tỉnh Thanh Hóa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 30-60mm, có nơi trên 90mm; Tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 10-20mm.
Nguy cơ cao và rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại 22 huyện, thị xã của 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Các địa phương cần tổ chức lực lượng và nghiêm túc thực hiện việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo đúng quy định
Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai yêu cầu các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh theo dõi chặt diễn biến mực nước các sông; tổ chức lực lượng và nghiêm túc thực hiện việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo đúng quy định.
Các địa phương kiểm tra, rà soát các công trình đê điều đang thi công dở dang và triển khai ngay biện pháp đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều; Rà soát, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm 4 tại chỗ; Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện hộ đê để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.
22 huyện, thị xã có nguy cơ cao và rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất gồm:
Thanh Hóa: Bá Thước, Cẩm Thủy, Quan Sơn, Thạch Thành, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Như Xuân, Thường Xuân.
Nghệ An: Quế Phong, Qùy Châu, Qùy Hợp, Con Cuông, Thanh Chương, Tương Dương, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Thị xã Thái Hòa, Kỳ Sơn.
Hà Tĩnh: Hương Sơn, Vũ Quang.
|
Thanh Tùng - TTTĐ