Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 264/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp Ban Chỉ đạo ngày 9/10/2021.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thời gian tới, cần đổi mới tư duy và biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình, nhất là trong những tuần tới cần tập trung triển khai một số việc trọng tâm sau:
Thủ tướng chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Y tế chủ trì cùng Văn phòng Chính phủ tích cực tham mưu để ban hành ngay quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để vừa chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Các cấp, các ngành, địa phương lưu ý nếu ban hành các văn bản để cụ thể hóa thực hiện thì phải bám sát theo đúng và dứt khoát không trái với các quy định của Trung ương; tổ chức thực hiện phải thống nhất trên phạm vi toàn quốc, chấm dứt tình trạng cát cứ, cục bộ mỗi nơi thực hiện một kiểu theo quy định riêng; kịp thời phản ánh lên cấp trên trực tiếp nếu phát hiện bất cập trên thực tế và linh hoạt theo tình huống cụ thể; các bộ, ngành chức năng kiểm tra, rà soát và tháo gỡ ngay.
Các địa phương phối hợp với nhau chặt chẽ, hiệu quả trong tổ chức đưa đón, quản lý người dân về quê, bảo đảm an sinh, an ninh, an toàn trật tự xã hội và an toàn phòng, chống dịch theo quy định.
Xác định vaccine là yếu tố cốt lõi trong phòng, chống dịch để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay, vì vậy phải tăng cường hoạt động Tổ ngoại giao vaccine; đôn đốc việc thực hiện các hợp đồng đã ký kết và xem xét kỹ lưỡng, khoa học việc nhập khẩu tiếp theo, tính toán cho cả tiêm chủng vaccine cho trẻ em và kế hoạch cho năm 2022 ngay từ bây giờ; thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất trong nước, bảo đảm an toàn, khách quan, trung thực, khoa học; đẩy mạnh hơn nữa tổ chức chiến dịch tiêm chủng an toàn, khoa học, hiệu quả.
Có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó quán triệt quan điểm sản xuất phải an toàn, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong sản xuất an toàn, phát huy tính chủ động, tự chủ và nêu cao tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân với cộng đồng, xã hội, với đất nước.
Thống nhất trên toàn quốc về lưu thông và giao thông vận tải (đường thủy, đường bộ, hàng không), có sự quản lý, điều tiết của Chính phủ; kiên quyết không để ban hành các “giấy phép con”, không cát cứ, chia cắt; triển khai thận trọng, an toàn, thực hiện thí điểm theo tuần để điều chỉnh phù hợp và phải tăng cường kiểm tra, giám sát.
Tiếp tục triển khai tích cực hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội, không để sót, lọt đối tượng cần hỗ trợ; bảo đảm an ninh, an toàn trật tự xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch.
Tăng cường công tác truyền thông theo hướng chủ động, có kế hoạch cụ thể, phản ánh đúng tình hình, với tinh thần “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, không để các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá.
Tiếp tục khẩn trương hoàn thiện ứng dụng PC-COVID để sớm thống nhất sử dụng tạo tiện lợi và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của người dân.
Các Tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ, theo dõi, bám sát diễn biến dịch bệnh; triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để phục hồi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo chức năng, nhiệm vụ được giao, trường hợp vượt thẩm quyền phải báo cáo cấp trên để kịp thời xử lý, giải quyết…
T. Thành - Pháp luật Plus