Không chỉ là “bỏ HĐND phường”
Nhìn từ Hà Nội có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, hơn lúc nào hết, Thành phố đang cần một công cụ mới, thực sự có tính đột phá để thực hiện quyền, trách nhiệm và cả trọng trách của mình. Bởi nhiều lãnh đạo địa phương nhận định, dù đã có sự phân cấp, phân quyền nhưng có những vấn đề “nóng” vẫn phải chờ xin ý kiến từ cấp trên.
Trong khi việc quản lý lại qua rất nhiều cấp, nhiều tầng nấc, nên cần thiết phải có sự phân cấp quản lý hợp lý để các đô thị chủ động tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Nhiều ý kiến cho rằng, việc thí điểm quản lý theo mô hình CQĐT chính là cơ hội để Hà Nội giải quyết những bất cập trong công tác quản lý đô thị, giúp Thành phố phát triển nhanh, bền vững.
Giải quyết thủ tục hành chính tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Ảnh: Hải Linh
Vậy mô hình CQĐT được thí điểm ở Hà Nội sẽ định hình ra sao? Theo Nghị quyết 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình CQĐT tại Thành phố: Chính quyền địa phương ở TP Hà Nội, huyện, quận, thị xã, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND; ở các phường thuộc quận, thị xã là UBND phường. UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã.
Như vậy, UBND cấp phường hoạt động theo chế độ thủ trưởng, là cấp thừa hành, có sự chủ động cao hơn. Một số nhiệm vụ trước đây thuộc thẩm quyền của HĐND phường thì nay là thẩm quyền và nhiệm vụ của HĐND quận, thị xã như: Quyết định, phân bổ, điều chỉnh dự toán thu, chi ngân sách; phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách của các phường trực thuộc, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước mà UBND quận, thị xã là cơ quan sẽ xây dựng, UBND phường sẽ không còn nhiệm vụ xây dựng dự toán thu chi cho cấp mình nữa.
Ngoài ra, UBND phường không còn thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước. Như vậy, quyền tự chủ về tài chính, hoạt động của UBND phường sẽ giảm đi so với trước đây nhưng sự phối kết hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ giữa UBND quận, thị xã với UBND phường sẽ chặt chẽ hơn, tạo ra sự đồng bộ trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước ở địa phương, phù hợp với yêu cầu xây dựng đô thị thông minh. Việc phân cấp cho địa phương cũng làm tăng thêm tính chủ động, sáng tạo, phục vụ Nhân dân tốt hơn. Như nhiều ý kiến nhận định, với những nét mới này, CQĐT không chỉ thuần túy là không tổ chức HĐND phường, mà quan trọng là tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả hơn.
Để cụ thể hóa trong triển khai, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 32/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97. Theo Nghị định, biên chế công chức làm việc tại UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận, thị xã và do UBND quận, thị xã quản lý, sử dụng. Căn cứ quy định của pháp luật về thẩm quyền và phân cấp, UBND TP và Chủ tịch UBND quận, thị xã thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại UBND phường. Chủ tịch UBND quận, thị xã quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển…
Cơ cấu tổ chức của UBND phường gồm: Chủ tịch phường; Phó Chủ tịch phường; Trưởng Công an phường; Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường và các công chức khác: Văn phòng - Thống kê; Địa chính - Xây dựng - Đô thị và Môi trường; Tài chính - Kế toán; Tư pháp - Hộ tịch, Văn hóa - Xã hội. Biên chế công chức bình quân làm việc tại UBND phường là 15 người. Số bình quân này được tính trên tổng số phường của một quận, thị xã.
Một điểm đáng lưu ý là hàng năm ít nhất hai lần, trước kỳ họp thường kỳ của HĐND quận, thị xã, Chủ tịch phường có trách nhiệm tổ chức hội nghị đối thoại với Nhân dân ở phường về những vấn đề liên quan đến quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của công dân ở địa phương. Với những quy định chi tiết về chế độ làm việc, trách nhiệm, quyền hạn của UBND phường, Chủ tịch phường và các vấn đề liên quan đến thực hiện, sẽ là cơ sở để UBND phường cũng như quận, TP triển khai, vận hành mô hình hành chính mới.
Đặc biệt, với việc phân cấp cho địa phương cũng làm tăng thêm tính chủ động, sáng tạo, phục vụ người dân tốt hơn. Đây là công việc thực sự cấp thiết, thể hiện được trách nhiệm, tránh việc đẩy, xin ý kiến khiến mọi việc chậm chạp, không giải quyết thỏa đáng. Từng cấp một có việc của mình, quyền của mình, trách nhiệm của mình trong quản trị công mới thực hiện được hiệu quả việc này.
Việc thí điểm mô hình CQĐT tại Hà Nội được thực hiện từ ngày 1/7/2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt.
Sẵn sàng để triển khai
Thời gian từ nay đến tháng 7/2021 không còn nhiều, để thuận lợi cho việc chuyển sang hoạt động theo mô hình mới, ngay từ cấp Thành phố đến các quận, phường đã có sự chủ động để chuẩn bị các bước trong triển khai.
Tại Thành phố, từ những năm trước, đã tập trung sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đáng chú ý, một trong những định hướng trọng tâm phát triển Thành phố là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp, từng bước để đội ngũ cán bộ công chức, viên chức từ Thành phố tới cơ sở tiếp cận, làm quen với việc quản lý theo mô hình CQĐT.
Hiện hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp đã được tăng cường, phương pháp chỉ đạo, điều hành có sự đổi mới mạnh mẽ theo hướng “một việc, một đầu mối xuyên suốt” và "5 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả). Như nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc nhận định, nhìn từ thực tế có thể thấy, vai trò của UBND các cấp, chất lượng của chính quyền địa phương tại Hà Nội đang được nâng lên, thể hiện ở việc chuyển từ mục tiêu quản lý, “xin - cho” sang mục tiêu phục vụ; chính quyền ngày càng biết “nhận lỗi” trước dân.
Nhận thức của đội ngũ lãnh đạo cũng có chuyển biến tích cực, thể hiện trách nhiệm, cầu thị, với những bước tiến sâu sắc, cụ thể hơn. Khi triển khai thí điểm mô hình CQĐT, các vấn đề này cần tiếp tục làm mạnh hơn, để chấm dứt hẳn cơ chế “xin - cho”, khắc phục những kẽ hở của chính sách.
Cùng với Thành phố, hiện các quận, phường cũng đã đưa ra phương án triển khai của đơn vị mình. Trong đó, chủ động nghiên cứu và đang tập trung quyết liệt thực hiện các công việc liên quan theo mô hình CQĐT. Chẳng hạn như việc quyết toán ngân sách phường, quận đã yêu cầu mọi dự án đang giao cho UBND các phường làm chủ đầu tư đều phải kết thúc chậm nhất trong tháng 6/2021 và quyết toán dứt điểm. Hoặc chủ động định hướng các phường trong bố trí cán bộ để tránh dôi dư khi thực hiện mô hình quản lý mới…
Không để xảy ra “khoảng trống quyền lực” là khẳng định của lãnh đạo Thành phố khi triển khai mô hình CQĐT. Bởi thực tế, quyền đại diện của cử tri vẫn được mở rộng thông qua các kênh Đoàn đại biểu và đại biểu Quốc hội, HĐND quận và đại biểu HĐND TP, các tổ chức chính trị, MTTQ... Như vậy, quyền đại diện của cử tri được nâng lên một mức cao, tạo điều kiện để chính quyền vận hành thể hiện sự công bộc, lấy hiệu quả nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân là thước đo hiệu quả bộ máy cấp cơ sở.
Khi đại biểu HĐND cấp trên gần dân, sát dân hơn, tiếng nói, nguyện vọng của người dân sống, làm việc tại các đô thị vẫn được HĐND cũng như các cơ quan Nhà nước lắng nghe và xem xét để giải quyết.
Từ Thành phố cũng như tại các phường của Hà Nội, với sự chuẩn bị sẵn sàng, việc triển khai thí điểm mô hình CQĐT được kỳ vọng bảo đảm được các mục đích quan trọng đó là phục vụ người dân đô thị tốt hơn, nhanh hơn, thông suốt hơn; hiệu lực quản lý và điều hành xã hội của chính quyền thống nhất hơn, giảm bớt các tầng nấc trung gian; sớm giải quyết, xử lý dứt điểm những vấn đề phát sinh trong quản lý đô thị. Bởi mục tiêu thí điểm quản lý theo mô hình CQĐT hướng tới là xây dựng chính quyền ở đô thị hiệu quả, tự chủ, năng động và có đủ thẩm quyền, đủ trách nhiệm để giải quyết những vấn đề mà người dân cũng như đô thị đặt ra.
"Chúng ta gặp không ít thách thức bởi mô hình CQĐT đòi hỏi cán bộ, công chức phải có khả năng tư duy mới, cách làm việc mới, kỹ năng thực thi công vụ cụ thể với từng vụ việc, kỹ năng ứng xử và giao tiếp tốt đối với công dân. Bên cạnh đó, phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối và vận hành thông suốt các phần mềm quản lý tác nghiệp, điều hành giữa UBND phường với đơn vị thuộc quận và thành phố.
Ngoài việc tổ chức tập huấn chuyên môn, nên tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng mềm cho cán bộ, công chức (kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử theo tình huống…), nhất là đối với công chức tư pháp phụ trách tiếp công dân, công chức tại bộ phận một cửa." - Chủ tịch UBND phường Kim Giang, quận Thanh Xuân Trần Thị Nga (Hồng Thái ghi) |
Trần Hà - Theo KTĐT