Chuyện "bây giờ mới kể" về đội phản ứng nhanh ở tuyến đầu chống dịch

30/04/2020 17:05

Kinhte&Xahoi Mấy tháng lăn lộn với công việc ở tuyến đầu phòng dịch, những chiến sĩ áo trắng, áo xanh của đội phản ứng nhanh quận Bắc Từ Liêm cũng có lúc thấm mệt. Nhưng với tinh thần và trách nhiệm của những cán bộ y tế là bảo vệ sức khỏe cộng đồng, họ lại quyết tâm đứng vững trên trận tuyến với bệnh dịch, góp phần mang lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân.

Cán bộ y tế quận Bắc Từ Liêm kiểm tra phần khai báo dịch tễ của người dân.

Bác sĩ Đặng Ngọc Châu - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, TTYT quận Bắc Từ Liêm chia sẻ: "Đội đáp ứng nhanh của quận Bắc Từ Liêm được thành lập từ đầu năm 2020. Ban đầu, quận thành lập 2 đội, sau đó 3 đội. Do tính chất cấp độ của công tác phòng chống dịch đã tăng lên, đến nay, TTYT quận kiện toàn thành 5 đội để đáp ứng trong việc thực hiện các nhiệm vụ, điều tra, xử lý, khoanh vùng, dập dịch.

Từ đầu tháng 4 đến nay, đội đã lấy hơn 1.000 mẫu xét nghiệm tập trung cho toàn bộ các công dân trên địa bàn quận trong diện nghi ngờ. Hiện TTYT quận cũng đã được trường Đại học Y tế cộng đồng cử những tình nguyện viện hỗ trợ nhân lực, giảm tải bớt phần nào chuyên môn cho ngành y tế quận Bắc Từ Liêm".
Công việc cấp bách

Theo chân đội phản ứng nhanh phòng dịch Covid-19 của quận Bắc Từ Liêm trong giai đoạn cao điểm lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc người bệnh Covid-19, chúng tôi mới thấu hiểu được với những vất vả, rủi ro mà họ đang phải đối mặt. Mặc dù trên người có đầy đủ đồ bảo hộ nhưng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 lúc nào cũng hiện hữu. Thế nên, mọi hành động ở đây đều phải tuân theo quy định chặt chẽ về phòng dịch, kể cả việc mặc và cởi bộ đồ bảo hộ như thế nào cho đúng.

 Mỗi cán bộ y tế phải tuân thủ nghiêm ngặt các bước, đảm bảo phòng hộ tốt nhất để tránh lây nhiễm.

Không khí căng thẳng tập trung ở phòng đựng đồ của đội phản ứng nhanh tại nhà văn hóa phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm. Những thùng đồ bảo hộ, khẩu trang, găng tay… loại chuyên dụng được xếp dưới sàn, mọi người tập trung trong yên lặng, chỉ có tiếng của cán bộ y tế  TTYT Bắc Từ Liêm phân công các nhóm theo danh sách.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong khi tác nghiệp, chúng tôi buộc phải tuân thủ đầy đủ các bước khử khuẩn, mặc đồ phòng hộ dưới sự hướng dẫn của cán bộ y tế. Dù chỉ mặc vài giờ, nhưng chúng tôi cảm thấy khó khăn hơn trong việc tác nghiệp. Thế nhưng, đồ bảo hộ đã trở thành vật bất ly thân của các cán bộ y tế suốt thời gian qua, khi họ tiếp đón người dân, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm....

Từ đầu tháng 4 đến nay, những cán bộ y tế làm việc tại điểm lấy mẫu xét nghiệm này liên tục tiếp nhận, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm cho những trường hợp có nguy cơ mắc Covid-19, có ngày cao điểm lên tới hơn 200 người.

Mới vào nghề nhưng anh Nguyễn Mạnh Tiến - Kỹ thuật viên của Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV, TTYT quận Bắc Từ Liêm coi đây là đợt dịch lớn nhất mà anh được tham gia. Từ đầu mùa dịch đến nay, công việc hàng ngày của anh Tiến là điều tra các ca nghi ngờ mắc Covid-19, các ca tiếp xúc với ca bệnh…

Đặc biệt, anh bận rộn hơn vào những ngày lấy mẫu xét nghiệm tập trung với những người có tiền sử đi về từ các ổ dịch như tại Bệnh viện Bạch Mai, sân bay Nội Bài, các khu cách ly tập trung… Xác định công việc vô cùng quan trọng và cấp bách, nhất là thời điểm này, anh Tiến cùng đồng nghiệp luôn nỗ lực, cố gắng cao nhất.

“Trước khi vào làm việc trong khu vực có nguy cơ, chúng tôi luôn phải chuẩn bị thật kỹ tất cả các khâu để có thể tập trung làm việc hiệu quả. Lúc đầu chưa quen, bộ đồ phòng hộ khiến tôi khó chịu, ngột ngạt, nhưng giờ đây, tôi cảm thấy ổn hơn..” - anh Tiến chia sẻ.

Cán bộ y tế quận Bắc Từ Liêm lấy mẫu xét nghiệm của các ca tiếp xúc, nghi ngờ.

Lên đường bất kể mọi hoàn cảnh

 Bất kể ngày đêm, mưa rét, cứ nhận được cuộc gọi làm nhiệm vụ là anh Nguyễn Hữu Hoan - kỹ thuật viên Khoa Kiểm soát dịch bệnh và HIV, TTYT quận Bắc Từ Liêm lại cùng đội phản ứng nhanh lập tức lên đường đến các điểm nóng. Khi thì họ tới các điểm lấy mẫu tập trung, lúc lại đến nhà dân...

Chỉ cách đây ít ngày, đúng vào đêm Hà Nội mưa rét, có một trường hợp tiếp xúc với người bệnh được báo tới. Lúc ấy, đã gần 22 giờ đêm, anh Hoan nhận được cuộc gọi và tức tốc chạy xe tới Trung tâm cùng đồng nghiệp trong đội phản ứng nhanh đến nhà dân. Tuy nhiên, ngõ vào nhà dân quá hẹp, xe ô tô không vào được nên cả đội phải loay hoay chuyển đồ đạc, dụng cụ rồi đi bộ vào.

Anh Hoan nhớ lại: “Lúc lấy mẫu xong cũng đã hơn 23 giờ đêm, chúng tôi nhanh chóng mang mẫu đi gửi xét nghiệm tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội. Hôm ấy các đơn vị từ các quận, huyện đến gửi mẫu rất đông, chúng tôi phải xếp hàng chờ đến hơn 1 giờ sáng mới hoàn thành xong việc gửi mẫu và quay về Trung tâm”. Nhiều hôm về muộn, anh Hoan cùng đồng nghiệp lựa chọn nghỉ ngơi ngay tại cơ quan nhằm hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người nhà dù Trung tâm rất gần nhà.

Mặc dù phải liên tục đi sớm về khuya, vất vả nhưng đây lại là công việc thường xuyên của đội phản ứng nhanh. Cuộc chiến chống dịch vẫn còn dài, nhưng lời hẹn đoàn tụ gia đình cùng chiến thắng của toàn dân trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 vẫn luôn ở phía trước. Đây chính là động lực để mỗi chiến sĩ trên mặt trận chống dịch nỗ lực, tận tụy hơn với công việc được giao.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về đấu giá tài sản

UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản số 1415/UBND-NC gửi các ban, sở, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã; các tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố về việc thực hiện quy định của pháp luật về đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố.

Hà Nội: Hàng cây phong trơ cành, có dấu hiệu chết khô

Tuyến phố Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những con đường đẹp, lãng mạn nhất Hà Nội nhờ những hàng phong lá đỏ. Thế nhưng đến nay, những hàng cây phong này đang trong tình trạng trơ cành, có dấu hiệu chết khô.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/nhung-ninja-ngay-dem-chong-dich-382798.html