Chuyên gia y tế hiến kế để Hà Nội làm tốt phòng, chống dịch theo 3 phân vùng
Kinhte&Xahoi
Theo chuyên gia y tế, việc đưa F0 về 0 trong thời gian ngắn là không khả thi, hơn nữa, giãn cách kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, tâm lý người dân và tình hình kinh tế - xã hội. Do đó, Hà Nội giãn cách theo từng phần, từng vùng, từng khu vực là rất hợp lý ở thời điểm này.
Lực lượng chức năng trực chốt làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm phòng, chống dịch
Liên quan đến Hà Nội tiếp tục giãn cách xã theo phân vùng bắt đầu từ hôm nay (6/9), trao đổi nhanh với phóng viên, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khẳng định, Hà Nội giãn cách theo từng phân vùng, từng khu vực là rất hợp lý ở thời điểm này.
Bởi sau hơn 1,5 tháng thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn thành phố, Hà Nội vẫn ghi nhận các ca mắc Covid-19 thông qua sàng lọc ho, sốt ngoài cộng đồng tại một số quân, huyện. Hơn nữa, việc tiếp tục giãn cách kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, tâm lý và tình hình kinh tế - xã hội của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, việc đưa số F0 trở về 0 là rất khó trong thời gian ngắn. Do đó, việc giãn cách theo từng khu vực là rất hợp lý. Người dân ở những vùng an toàn sẽ được tạo điều kiện tái hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt là sau khi xét nghiệm, truy vết, Hà Nội đã đánh giá được nguy cơ, từ đó, tập trung kiểm soát chặt các khu vực có nguy cơ. Mặt khác, các ổ dịch hiện tại chỉ còn tập trung ở một số khu vực hẹp. "Vùng xanh" bắt đầu được mở rộng ở nhiều quận, huyện.
Hà Nội chưa thực sự nằm trong ngưỡng an toàn nên PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, việc thực hiện giãn cách xã hội theo từng phân vùng cũng cần hết sức thận trọng.
"Phân vùng không chỉ tính toán đến số ca nhiễm mà còn cần được đánh giá về mức độ nguy cơ, đặc điểm dân cư, sinh hoạt… Ví dụ như, khu vực không có F0 mà tập trung đông dân cư trong ngõ hẹp, nhiều tập thể cũ, có chợ dân sinh, chợ đầu mối, người dân đi lại nhiều thì rõ ràng các yếu tố tạo cho dịch xâm nhập và bùng phát rất lớn và như vậy nguy cơ lây lan dịch ở đây vẫn cao. Ví dụ điển hình chính là ổ dịch Thanh Xuân Trung với số ca ghi nhận lên đến hơn 400 trường hợp", ông Phu nhận định.
Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, mặc dù Hà Nội thực hiện giãn cách theo vùng với hàng chục chốt kiểm soát giữa các phân vùng nhưng TP vẫn nên cân nhắc cả yếu tố di biến động của dân cư. Đối với các khu nông nghiệp, công nghiệp cũng cần có tiêu chí riêng để sắp xếp. Ví dụ huyện nào tập trung nhiều khu công nghiệp thì có thể thay đổi biện pháp giãn cách khác so với các huyện chủ yếu sản xuất nông nghiệp, thay vì gom tất cả vào một phân vùng.
Cũng theo ông Trần Đắc Phu, sau ngày 6/9, Hà Nội sẽ áp dụng biện pháp giãn cách mới. Vì vậy, không loại trừ khả năng người dân xuất hiện tâm lý chủ quan, muốn giải tỏa sau chuỗi ngày phải ở nhà. Ông Phu cho rằng, đây cũng là một nguy cơ, nếu người dân ở các "vùng xanh" và "vùng cam" đổ ra đường đông thì rất nguy hiểm.
Vì vậy, TP Hà Nội cần tiếp tục siết chặt các quy định giãn cách xã hội, đặc biệt là khu vực nguy cơ cao và rất cao. Bên cạnh xử lý người ra đường không cần thiết ở khu vực áp dụng Chỉ thị 16, những nơi còn lại cũng cần có lực lượng nhắc nhở, kiểm soát, tránh tụ tập đông người.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, việc chia khu vực phải đáp ứng không chỉ chặt chẽ mà cần linh hoạt đối với những nơi thực sự an toàn, để tạo điều kiện cho người dân sản xuất, kinh doanh. "Nơi cần chặt mà lỏng lẻo thì nguy hiểm. Nơi an toàn lại làm chặt quá thì không còn hiệu quả", PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, ngoài việc chia vùng nguy cơ theo ranh giới quận, huyện, xã phường, Hà Nội cũng cần chú ý đến đặc điểm dân cư, dịch tễ. Vì có những ổ dịch, khu vực nằm giữa ranh giới giữa các quận, huyện thì siết chặt khu vực “đỏ” là hết sức quan trọng và phải được ưu tiên hàng đầu công tác kiểm soát.
Linh Phạm - Bảo Loan - TTTĐ