12 năm ‘chèo đò’ miễn phí cho học sinh của cô gái khuyết tật. Ảnh: Phạm Đông
Là con út trong một gia đình có 3 anh chị em, từ bé chị Phạm Thị Lý (36 tuổi, ở thôn Đỗ Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) lúc nào cũng còi cọc, yếu ớt. Tuy nhiên, ngay từ nhỏ chị Lý đã có ước mơ được trở thành cô giáo, được đứng trên bục giảng. Mong ước là thế nhưng may mắn một lần nữa lại không mỉm cười với chị.
Chị Phạm Thị Lý tâm sự về nghề và cuộc đời với chúng tôi. Ảnh: Phạm Đông
Chia sẻ với phóng viên, chị Lý cho biết: "Khi lên 4 tuổi, bố tôi mất sau một trận ốm. Năm 2002, để thực hiện giấc mơ của mình, tôi đăng ký thi tuyển vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhưng bị trượt. Sau đó vài tháng, mẹ lại tiếp tục qua đời do bị tai nạn giao thông.
Sự ra đi của mẹ khiến tôi suy sụp tinh thần nên bệnh tim lại tái phát. Nhiều lần chạy chữa, trải qua ca phẫu thuật tim phức tạp, biến chứng sau ca mổ khiến đôi chân của tôi bị liệt hoàn toàn và ngày càng trở nên teo tóp".
Đôi chân bị teo không thể đi được nên mọi công việc và đi lại chị Lý hoàn toàn làm bằng hai tay. Ảnh: Phạm Đông
Không để bản thân sụp đổ, chị Lý đã mang tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 đi xin việc ở nhiều nơi với mong ước tự nuôi sống bản thân. Tuy nhiên, đi đến đâu chị cũng chỉ nhận được cái lắc đầu vì thân hình nhỏ bé lại bị liệt hai chân. Lúc này trong thâm tâm chị vẫn muốn được đứng lớp, được dạy dỗ các em nhỏ.
Xuất phát điểm từ việc kèm cặp con cháu trong nhà khi bố mẹ bận đi làm, không có thời gian chăm nom. Tuy nhiên khi thấy thành tích học tập của các em học sinh tốt lên, nhiều phụ huynh trong xóm, trong làng bắt đầu tìm đến cô để nhờ dạy con.
Ban đầu, cô từ chối vì sợ mọi người đàm tiếu mình không có trình độ học vấn, nhưng cũng vì nể mà lại nhận lời. Lớp học từ 2 – 3 học sinh, nay đã lên đến gần 40 em (chia làm hai lớp).
Lớp học của chị Lý chia thành 2 lớp, lên đến gần 40 em. Ảnh: Phạm Đông
“Dù mình không được học chương trình sư phạm bài bản, nhưng việc bổ sung kiến thức trên mạng, học hỏi thêm từ anh chị làm giáo viên cấp 1 trong gia đình đã giúp mình có một lượng kiến thức đủ để dạy các em học sinh. Giờ đây mình rất tin tưởng với kiến thức của bản thân” - chị Lý chia sẻ.
Có thể thấy lớp học của cô Lý rất đặc biệt. Lớp đông, học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, không có giáo viên trợ giảng, dạy học miễn phí, cô giáo là người khuyết tật và chưa từng học đại học.
Cứ đến ca tối lại phải chia làm hai lớp vì sợ nhà không đủ chỗ cho học sinh. Còn hai buổi sáng chiều, chỉ cần không phải đến trường, các em sẽ tự đến nhà để cô kèm thêm hoặc giao thêm tài liệu học tập.
Chị Lý tận tâm kèm cặp, chỉ dẫn cho từng học sinh một. Ảnh: P.Đ
Dù dạy học như vậy nhưng mỗi lần phụ huynh học sinh gửi tiền học cho con, cô đều kiên quyết từ chối. Với chị, tiền trợ cấp dành cho người tàn tật cũng được hơn một triệu đồng/tháng, thuốc uống cũng được phát miễn phí, cuộc sống sinh hoạt không phải lo nghĩ nhiều nên chị sẽ không bao giờ lấy tiền học của các em. Cứ như vậy, chưa lúc nào cô giáo trẻ có suy nghĩ sẽ nghỉ việc, sẽ ngừng công việc “gõ đầu trẻ”.