Cơ hội nào cho các nhà đầu tư tương lai ở Triều Tiên?
Kinhte&Xahoi
Sau cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tại Singapore ngày 12/6, nhiều hy vọng đã xuất hiện về một tiến trình hòa bình, thịnh vượng và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AFP/TTXVN
Điều đó đã thổi bùng lên khao khát nền kinh tế khép kín nhất thế giới sẽ được mở cửa. Liệu đó có phải là một cơ hội vàng cho các nhà đầu tư nước ngoài?
Tiến trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên còn cả một chặng đường dài phía trước, nhưng lúc này giới quan sát đã nghĩ tới một viễn cảnh Triều Tiên sẽ hội nhập với thế giới. Tại hội nghị thượng đỉnh Singapore, Tổng thống Donald Trump đã có một vài động thái giới thiệu sự giàu sang phồn thịnh của nước Mỹ với ẩn ý hứa hẹn Triều Tiên cũng sẽ được đầu tư để có một tương lai tươi đẹp nếu chấp nhận đòi hỏi giải trừ hạt nhân của Mỹ.
Ông Trump đã cho Kim Jong-un xem một đoạn phim với màu sắc tươi sáng, tàu cao tốc và các tòa nhà chọc trời - vẽ ra một tương lai có thể thành hiện thực nếu Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Những người lạc quan cho rằng với nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, nhân công giá rẻ và vị trí địa lý thuận tiện, Triều Tiên có tiềm năng rất lớn. Nhìn vào những diễn tiến như vậy, giới chuyên gia cũng như doanh nghiệp đã nghĩ ngay tới những khả năng làm ăn với quốc gia bị bế quan tỏa cảng triền miên.
Không ít ý kiến lạc quan cho rằng Triều Tiên có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài như tài nguyên khoáng sản dồi dào, nhân công lao động rẻ và vị trí địa lý trọng yếu nằm giữa Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Thế nhưng, những người thận trọng hơn thì lại cho rằng để nhảy vào làm ăn ở miền đất hoang hóa này vẫn còn là cả một tiến trình không hề đơn giản. Lịch sử các công ty nước ngoài từng cố gắng thiết lập hoạt động kinh doanh tại quốc gia nghèo đói cô lập này lại là một lịch sử rất dài và mang màu sắc u ám.
Các luật lệ có thể thay đổi trong chớp mắt, các hóa đơn không bao giờ được chi trả và mối đe dọa bị tước đoạt tài sản luôn hiện hữu trước mắt những người ngoại quốc bước đến điểm đầu tư “hoang dã” nhất này.
Thách thức đầu tiên đặt ra cho các nhà đầu tư nước ngoài đó là sự bảo đảm về mặt pháp lý cho các doanh nghiệp làm ăn tại Triều Tiên. Với một thể chế chính trị chuyên chế truyền từ đời này sang đời khác, những luật lệ có thể bị Bình Nhưỡng thay đổi bất ngờ, các khoản đầu tư đổ vào Triều Tiên có thể bị tịch thu bất cứ lúc nào. Về vấn đề này những người hàng xóm Hàn Quốc đã trải qua không ít bài học nhãn tiền.
Trong giai đoạn nỗ lực xích lại gần người bà con miền Bắc, với chính sách “Vầng thái dương” của chính quyền Kim Dae Jung trong cuối thập niên 1990, tập đoàn khổng lồ Hyundai đã đổ hàng trăm triệu USD Mỹ vào dự án khu du lịch núi Kim Cương (Kumgang) nổi tiếng của Triều Tiên.
Thế nhưng thực tế đã cho thấy hoạt động của dự án này phụ thuộc vào nhiệt độ nóng lạnh của quan hệ liên Triều. Nhiều sự cố nghiêm trọng đã xảy ra ở khu du lịch biểu tượng hòa dịu giữa hai miền này và khu du lịch Kim Cương giờ chỉ còn để du khách ngắm nhìn từ bên đất Hàn Quốc qua ống nhòm.
Rồi đến dự án khu công nghiệp Kaesong. Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư, mở xưởng tại khu công nghiệp nằm bên đường biên giới phía Triều Tiên. Đặc khu kinh tế này cho dù đang lúc làm ăn phát đạt, mang lại thu nhập ngoại tệ không nhỏ cho Triều Tiên, song vẫn bị đóng cửa vào năm 2016 do căng thẳng trong chương trình phát triển vũ khí của Bình Nhưỡng.
Từ năm 2017, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tỏ quyết tâm cải thiện kinh tế. Đầu năm nay ông tuyên bố đã hoàn tất chương trình phát triển vũ khí và khả năng răn đe hạt nhân của đất nước, bây giờ Triều Tiên chuyển qua giai đoạn ưu tiên “xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa”.
Chuyên gia Michael Spavor của Viện tư vấn Paektu, người đã có 20 năm làm việc với Triều Tiên, cho biết các công ty nước ngoài cũng bắt đầu tìm hiểu môi trường tại đây kể từ sau tiến trình tan băng ngoại giao mới đây của Bình Nhưỡng.
Phát biểu với AFP, ông nói: “Tổ chức của chúng tôi đã nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư đang muốn tìm hiểu thị trường cũng như tổ chức các cuộc gặp gỡ trực tiếp với các bộ ngành và đối tác tương lai của Triều Tiên”.
Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn chưa chính thức theo đuổi nền kinh tế thị trường. Tại đại hội gần đây nhất của đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền, Kim Jong-un đã lên án “luồng gió độc của tự do tư sản và những ‘cải cách’ và ‘mở cửa’ đang tiến gần tới chúng ta”.
Gần đây, báo chí Triều Tiên cũng đã gần xa đánh tiếng về những chương trình cải cách kinh tế của Bình Nhưỡng. Theo hãng tin AFP, vài năm gần đây Bình Nhưỡng đã âm thầm tiến hành một số cải cách kinh tế như bắt đầu cho phép tư nhân buôn bán trong một số thị trường không chính thức, các xí nghiệp Nhà nước được tự do hơn.
Các đoàn quan chức Triều Tiên tới thăm Bắc Kinh, Thượng Hải và các tỉnh giàu tài nguyên than đá để học hỏi kinh nghiệm theo mô hình của Trung Quốc. Một số nhà ngoại giao tiết lộ Trung Quốc đã giới thiệu kế hoạch phát triển chi tiết cho Triều Tiên.
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng được cho là luôn cảnh giác việc quá phụ thuộc vào Bắc Kinh và muốn học theo mô hình phát triển của một nước xã hội chủ nghĩa vừa tầm với họ là Việt Nam.
Gareth Leather, chuyên gia kinh tế về châu Á tại tập đoàn Capital Economics (Anh Quốc), nhận định Triều Tiên có một số lợi thế để phát triển kinh tế, nhưng ngay cả khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, thì vẫn còn cả một chặng đường dài để Triều Tiên có được một nền kinh tế bình thường với môi trường đầu tư bình thường tức là ổn định và cởi mở hơn.
Ông Leather nhận định: “Về cơ bản, đây vẫn là một chế độ dùi cui và vẫn còn rất xa để Triều Tiên trở thành một nền kinh tế bình thường. Phải một nhà đầu tư cực kỳ táo bạo mới liều mình trở lại đây một lần nữa”. Cho đến lúc này có lẽ chỉ có người Trung Quốc là hiểu cách làm ăn buôn bán với Triều Tiên hơn cả và với họ đầu tư vào Triều Tiên sẽ là “cơ hội vàng” nhiều hơn rủi ro.
Theo KD&PL