Cơ hội vàng để phát triển du lịch
Kinhte&Xahoi
Chính phủ đã chính thức đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc mở cửa lại toàn bộ hoạt động du lịch trong điều kiện “bình thường mới” từ ngày 15-3-2022. Đây được xem là cơ hội vàng để ngành Du lịch vực dậy, sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Hiện tại, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã đề ra chương trình, kế hoạch riêng để sẵn sàng đón đầu lượng khách nội địa và quốc tế trong thời gian tới.
Du khách tham quan Thủ đô Hà Nội bằng xe điện.
Sẵn sàng cho thị trường quốc tế
Tổng cục Du lịch vừa công bố số liệu từ công cụ tìm kiếm của Google Destination Insights cho thấy, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh. Đáng chú ý, từ đầu tháng 1 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam đang duy trì ở mức rất cao, có thời điểm tăng 425% so với cùng kỳ năm 2021.
Đối với dòng khách nội địa, từ cuối năm 2021 đến nay, lượng khách du lịch đang trên đà tăng, thể hiện rõ nhất ở dịp nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán vừa qua. Riêng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, cả nước đã đón và phục vụ khoảng 6,1 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 3,2 triệu lượt khách lưu trú, tổng thu đạt khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Đây chính là cơ sở để ngành Du lịch tự tin có thể nhanh chóng phục hồi, nhất là khi Chính phủ đồng ý mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15-3.
Thời điểm này, các địa phương và đơn vị kinh doanh du lịch đã xây dựng kế hoạch để triển khai thị trường quốc tế. Theo Giám đốc Công ty Lữ hành Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan, đơn vị đang xây dựng một số sản phẩm tập trung vào dòng khách châu Âu, trong đó có khách Nga, Pháp vào mùa hè năm nay. Còn Giám đốc Công ty Du lịch Tràng An Nguyễn Hữu Cường thông tin, doanh nghiệp đã xây dựng các sản phẩm không chỉ hướng đến thị trường châu Âu, mà còn cả một số nước trong khu vực Đông Nam Á, như: Singapore, Thái Lan...
Ở lĩnh vực lưu trú tàu biển, Tập đoàn EHG (đơn vị quản lý chuỗi khách sạn La Siesta) và Tập đoàn Việt Thuận đã phối hợp với Công ty Đóng tàu Hạ Long khởi công hai du thuyền lớn nhất Việt Nam, với nhiều dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế. Chủ tịch Tập đoàn EHG Đỗ Văn Đàn cho biết, đây là bước chuẩn bị của các đơn vị kinh doanh du lịch để sẵn sàng phục vụ các đối tượng khách cao cấp, nhất là khách quốc tế. Các hãng hàng không: Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Air cũng đã mở rộng thêm nhiều đường bay tới các thị trường du lịch lớn của Việt Nam, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, châu Âu…
Gấp rút khắc phục khó khăn
Theo Tổng cục Du lịch, năm 2022, ngành Du lịch Việt Nam phấn đấu đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, việc Chính phủ đồng ý mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15-3 là cơ hội vàng để Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng. Song, để đạt được hiệu quả, các đơn vị cần khắc phục được những khó khăn, như: Hao hụt nguồn lực lao động, nhiều đơn vị phải đóng cửa chưa khởi động trở lại được, thiếu sản phẩm mới để quảng bá cho du khách…
Để ngành Du lịch có thể nhanh chóng tận dụng được cơ hội vàng, tăng tính cạnh tranh với các nước trong khu vực, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, từ thời điểm này, các đơn vị cần tiến hành quảng bá, thông tin ngay tới đối tác trong và ngoài nước về kế hoạch, chính sách đón khách mới của Việt Nam. Ngoài ra, các đơn vị cần liên kết xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, nên ưu tiên du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo), du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao…
Về bài toán nhân sự, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC Đỗ Việt Hùng cho hay, đơn vị đã chuẩn bị nhân lực ngay từ giai đoạn bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong năm 2022, tập đoàn dự kiến tuyển dụng từ 2.000 đến 4.000 nhân sự. Trong khi đó, Giám đốc Công ty Du lịch VietSense Nguyễn Văn Tài thông tin, đơn vị sẽ mở các lớp đào tạo lại nguồn nhân lực tại Trung tâm Đào tạo du lịch thực tế Prato do 6 đơn vị du lịch của Hà Nội thành lập.
Nhằm chuẩn bị cho các hoạt động du lịch mở cửa lại hoàn toàn, ngày 21-2 vừa qua, Tổng cục Du lịch đã có cuộc họp với các bộ, ngành để xin ý kiến cho đề xuất xây dựng lộ trình đón khách từ ngày 15-3. Tổng cục Du lịch đã đề xuất đơn giản hóa nhiều quy định, như: Khôi phục lại các chính sách về thị thực nhập cảnh cho khách quốc tế đã thực hiện từ trước năm 2020, bao gồm cấp thị thực điện tử, miễn thị thực đơn phương cho 13 nước, song phương với 88 quốc gia và vùng lãnh thổ; du khách đủ điều kiện được tự do du lịch tại Việt Nam, không cần phải đi theo chương trình của đơn vị lữ hành như trước.
"Lúc này, các địa phương, đơn vị cần tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, chú ý thực hiện theo hướng an toàn, khoa học, hiệu quả đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.
Hoàng Lân - Hà Nội mới